Đứng trước nhiều luồng dư luận, phần lớn là chỉ trích và lên án, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã chính thức lên tiếng giải trình về sự việc này, qua đó thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót trong công tác quản lý của các cơ quan ban ngành, mạnh dạn đưa ra nhiều mặt hạn chế và phương hướng khắc phục cho các cổ tự là di tích đang dần bị mai một.
Cảnh hoang phế của một hạng mục trong khuôn viên di tích chùa Giác Viên (Q.11) - Ảnh: Bảo Toàn
Trả lời phỏng vấn của Giác Ngộ, đại diện Sở VH-TT TP. HCM, ông Phạm Thành Nam - Trưởng phòng Phòng Di sản văn hóa - người trực tiếp tiếp nhận những phản ảnh và tình hình về di tích trên địa bàn TP cho biết những khó khăn của Sở VH-TT trong việc tiến hành bảo tồn, tu bổ (BT-TB) di tích chùa cổ:
Ông Phạm Thành Nam - Ảnh: Giao Hảo |
- Theo tôi, khó khăn lớn nhất là chưa có sự đồng bộ trong việc quản lý và khai thác di tích, dẫn đến tình trạng công trình di tích bị xuống cấp, không được kịp thời BT-TB. Điều này thể hiện rõ ở hai mặt:
Một là, các cơ sở còn trông chờ vào kế hoạch tu bổ của thành phố, chưa thật sự chủ động áp dụng các quy định về phân cấp đầu tư của quận, huyện để giải quyết các trường hợp cấp bách, quy mô nhỏ.
Thứ hai, quy định về thẩm quyền thẩm định các dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích trên địa bàn TP còn bị vướng mắc, do Quyết định số 126/2007/QĐ-UBND (20-10-2007) của UBND TP, không quy định thẩm quyền thẩm định của Sở VH-TT đối với các dự án chuyên ngành, kể cả tu bổ di tích. Như vậy là mâu thuẫn và gây khó khăn cho Sở, đồng thời làm kéo dài thời gian cho những thủ tục rườm rà trước tính cấp bách của di tích.
* Thưa ông, ông nghĩ như thế nào trước ý kiến cho rằng đội ngũ quản lý nhà nước về di tích chưa có đầy đủ chuyên môn?
- Đây quả thực là một trong những trở ngại lớn của Sở. Hiện nay, phòng nghiệp vụ của Sở VH-TT đang thiếu nhân sự chuyên môn về xây dựng, tu bổ di tích, nên còn lúng túng trong phối hợp công tác, tham mưu, đề xuất giải quyết các vụ việc liên quan đến công trình trong khu vực bảo vệ di tích. Số lượng sinh viên đăng ký học các ngành văn hóa, lịch sử tại các trường đại học cũng dần thưa thớt. Thêm vào đó, sinh viên chuyên ngành về di sản văn hóa, khảo cổ học hầu như không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng công chức, viên chức các đơn vị di sản văn hóa theo quy định của nhà nước.
- Ngoài ra, các đợt tập huấn về BT-TB do Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ VH-TT-DL) tổ chức hiện nay, yêu cầu điều kiện của học viên phải là kỹ sư, kiến trúc sư. Vì vậy, công chức phòng nghiệp vụ không được tham gia. Đây là vấn đề đáng phải lưu tâm.
* Được biết, kinh phí cũng gây không ít khó khăn. Hàng năm, kinh phí cho BT-TB di tích là quá ít và được ưu tiên cuối cùng. Ông nghĩ gì về việc này?
- Trong giai đoạn 2007-2015, bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho TP.HCM đạt hơn 150 tỷ đồng, riêng nguồn xã hội hóa (2002-2014) là hơn 62 tỷ đồng. Nghe con số có vẻ lớn, nhưng thực tế không đủ để dàn trải cho tất cả các di tích trên địa bàn TP. Thẳng thắn nhìn nhận, có thể thấy các công trình đã là di tích, khi tu bổ, tiên quyết phải phục chế nguyên bản từ kết cấu đến nguyên vật liệu. Xét về vật liệu đã phải là loại gỗ tốt, quý, đảm bảo tính kiên cố, dài hạn, kinh phí chắc chắn không hề nhỏ, đó là chưa nói đến chi phí cho thợ tay nghề cao phục vụ công tác tu bổ. Đồng thời, khoản đền bù để giải tỏa các hộ dân ở khu vực được xét là đất di tích lại càng là vấn đề hết sức nan giải.
* Sở VH-TT có những đề xuất gì dành riêng cho di tích nói chung và di tích chùa cổ nói riêng?
- Trước nhất, về luật, Bộ cần xem xét quy định chi tiết về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt các dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục chế di tích cho Sở VH-TT, tránh trường hợp chồng chéo trách nhiệm. Đối với các quận, huyện cần áp dụng quy định phân cấp đầu tư, trong đó khoản đầu tư cho văn hóa phải được sử dụng triệt để và có trách nhiệm. Cụ thể là phải “tích góp” cho việc BT-TB di tích trên địa bàn của mình, không thể thụ động chờ đợi ngân sách từ nhà nước.
Về giáo dục, như nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận định, theo tôi là một giải pháp rất hay để nâng cao ý thức cũng như hiểu biết về văn hóa cho cộng đồng. Đây cũng sẽ là tiền đề, đáp ứng nhu cầu nhân sự cho ngành văn hóa sau này.
Cuối cùng, tôi khẩn thiết kêu gọi “ý thức giữ gìn tài sản chung” như phóng viên báo Giác Ngộ đã đề cập. Ở đây là những người trực tiếp quản lý di tích, đặc biệt là các cơ sở tôn giáo như chùa cổ. Quan điểm của Sở là mong muốn giữ lại nhiều nhất có thể các giá trị văn hóa lịch sử của quốc gia và chùa chiền là một trong những yếu tố văn hóa gắn liền với dân tộc từ buổi đầu dựng nước.
Vì vậy, chúng tôi đề xuất xếp hạng di tích cho các chùa cổ trên địa bàn TP.HCM và tất nhiên phải có trách nhiệm bảo quản. Việc không thực hiện tốt nhiệm vụ, đó là lỗi của chúng tôi và chúng tôi đang cố gắng cải cách để hoàn thiện mỗi ngày, nhưng nếu chỉ có sự quan tâm từ một phía thì sẽ không đi đến đâu. Ví dụ, việc xâm lấn đất tại các cổ tự, những người trực tiếp cai quản trước đây, tự ý cho người dân vào thuê đất, sau này, thấy không hài hòa về sinh hoạt, cũng không thể mời đi, họ lại quy trách nhiệm đền bù giải tỏa cho sở ngành, đó là một gánh nặng quá lớn cho nguồn ngân sách.
Thêm nữa là sự phức tạp về nội bộ trong vấn đề quản lý tự viện, điều này tác động ít nhiều đến sự xuống cấp và thời gian xét duyệt BT-TB cho các di tích. Giả sử, một công trình bị rơi vào tranh chấp chủ quyền thì liệu có nhà đầu tư nào mạnh dạn rót tiền? Chúng ta không thể đứng trên phương diện một chiều để nhìn nhận vấn đề.
*
Bên cạnh đó, ông Phạm Thành Nam cũng cho biết thêm hiện nay, các quận huyện, cơ sở đã thành lập nhiều đơn vị quản lý di tích trên địa bàn của mình, nắm rõ và hạn chế tối đa tình trạng xuống cấp, hoang phế của di tích. Được hỏi về thực trạng tại di tích chùa Giác Viên (Q.11), ông Nam khẳng định: “Mỗi tuần, chúng tôi đều cho rà soát, nắm thông tin về di tích và báo cáo lên Sở, Bộ. Đối với trường hợp di tích chùa cổ xuống cấp như Giác Viên thì còn nhiều vấn đề phức tạp bên trong”. Riêng Phòng Quản lý di sản di tích, được biết Phòng đã có kế hoạch đề xuất lên UBND TP về việc thực hiện phân cấp quản lý di tích, quản lý nguồn tiền công đức, đóng góp của nhân dân đối với các di tích là cơ sở tín ngưỡng. Đồng thời Phòng cũng tiến hành điều chỉnh phạm vi khu vực bảo vệ của các di tích để phù hợp với tình hình quản lý đô thị và yêu cầu về bảo vệ cảnh quan, môi trường cho di tích.
Qua cuộc trao đổi trên, có thể thấy vấn đề về di tích chưa bao giờ là đề tài bị lãng quên. Di tích đồng nghĩa với văn hóa, vậy, một quốc gia giàu truyền thống như Việt Nam nên cần một lần nữa nhìn nhận lại đâu mới là những giá trị văn hóa thật sự nên được gìn giữ, để không có sự thể “tam sao thất bản”. Và, đằng sau trách nhiệm từ lãnh đạo các cấp, phải chăng những di tích là cơ sở tôn giáo cũng cần kêu gọi sự lưu tâm, trợ lực từ phía người quản tự nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung?
|