Sống đạo: Nhẩn nha chuyện trộm...

Khả năng nhìn nhận sự việc để không gây khổ thêm cho người là rất quan trọng. Bố từng bảo, con người ta giao tiếp với sự sự vật vật bằng các giác quan của cái ngã của mình, nên từ đó mới có phân biệt ta - người, được - mất, hơn - thua, thành - bại, vinh - nhục. Đó là cái biết đắm chìm trong khổ.

Hồi đầu thập niên 1980, quê tôi nghèo xơ xác. Điều này cũng dễ hiểu bởi ở vùng nắng gió cực Nam Trung Bộ lúc bấy giờ những người nông dân vẫn bốn mùa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chăm chắm trông vào những cánh đồng cằn cỗi, với nguồn nước trời mưa cho mỗi một vụ lúa từng năm.

Nhà tôi vách lá, mái tôn thủng lỗ chỗ, tài sản chẳng có chi ngoài vườn rau và hai cây cột bằng gỗ căm  xe bố tôi dùng chống vách sau để phòng những cơn gió Nam bất thần giật phăng ngôi nhà đi như chuyện thường thấy ở xứ này.

Ấy thế mà nhà tôi lại mất trộm. Kẻ trộm đến vào ban đêm, thoạt đầu chúng tháo các thanh tre bố tôi dùng làm hàng rào. Kế tiếp chúng nhổ những cột trụ rào - loại gỗ tạp chỉ có thể dùng để chẻ củi, nấu bếp. Điều kỳ lạ là kẻ trộm có vẻ rất nhẩn nha, mỗi đêm chúng đến nhổ một ít trụ rào, tháo vài thanh tre, cứ như thế khoảng ba tuần thì hàng rào nhà tôi bị chúng dọn sạch. Khi đó tôi còn nhỏ, việc mất trộm xem như “chuyện của người lớn” nên tôi không được ý kiến. Chỉ nhớ vào khi bắt đầu mất trộm, sáng ra bố tôi có đi quanh xóm với chú Sáu, và trong buổi cơm tối bố có nói gì đó với má tôi, đại loại bố đã biết kẻ trộm là ai rồi.

Mặc dù phán đoán như vậy, bố tôi cũng nhẩn nha để cho kẻ trộm dọn sạch ba bề bốn bên toàn bộ hàng rào nhà tôi - một “công trình” mà nhà tôi phải dành dụm khá lâu mới “trang bị” được.

Lúc đó, tôi không hề gợn lên suy nghĩ rằng: tại sao trong một thời gian dài kẻ trộm xuất hiện đều đặn ở vườn nhà tôi mỗi đêm, mà bố tôi không nhờ chính quyền can thiệp; hay chí ít, bố hoàn toàn có thể hành xử theo cách mà người dân vùng tạp cư như chỗ nhà tôi thường làm: kêu người phục trong đêm “xử” bọn trộm một trận. Với trường hợp kẻ trộm nhẩn nha như thế, việc ra tay với chúng chắc hẳn là rất dễ.

Nhưng không, bố tôi vẫn ngày ngày đạp xe đi làm, và chứng kiến các thanh trụ rào lần lượt “đội nón ra đi”. Đến trước hôm chiếc trụ rào cuối cùng bị nhổ, bố tôi hí hoáy khoan lỗ hai đầu cột căm xe đang chống vách nhà sau và dùng dây kẽm gai buộc chắc vào đuôi kèo sát mái tôn. Thấy tôi đứng nhìn, bố bảo:

- Sau khi nhổ hết trụ rào, thế nào cũng đến lượt hai cây cột căm xe này. Nhưng nó là loại gỗ quý, không nên để mất.

Bố nói rất đỗi tự nhiên, như thể đang đề cập đến một việc làm của chính mình chứ không phải nói về kẻ trộm.

Quả thật đêm sau, khi cả nhà đang ngủ thì nghe rõ tiếng cây trụ căm xe chống vách sau bị nâng lên, gỡ ra khỏi vách nhưng vì bố tôi đã buộc vào đuôi kèo nên sự việc ấy gây ra tiếng va quệt vào mái tôn. Nghe thế, bố tôi đang nằm trong nhà nói vọng ra bằng một giọng rất tỉnh ngủ:

- Tui cột chắc rồi, không gỡ được đâu.

Sau đó, mọi việc đều im ắng.

Sau đó, tôi nhớ có lần bố tôi nói, đại ý là những người ăn trộm như vậy, trước sau cũng không ở được đất này. Tôi có nghe, nhưng cũng không lưu tâm.

Đến khi lớn lên, những thắc mắc về việc bố tôi đối xử với bọn trộm cứ ám ảnh mãi. Tôi đem hỏi bố. Ông bảo:

- Thực ra, ngay từ đầu bố để ý các loại củi của những nhà trong xóm đã biết ngay ai là kẻ trộm. Nhưng thôi, nhà người ta nghèo quá, con cái nheo nhóc, bản thân người ta ít học, con cái họ cũng lại không được đi học, cách kiếm sống như vậy cũng là phải thôi.

Tôi cãi, cho rằng việc dung dưỡng những kẻ trộm như vậy cũng không hẳn là tốt. Nhưng bố bảo:

- Câu chuyện mất trộm các trụ rào, nếu nhìn ở góc độ nhà mình và kẻ trộm, thì việc bố làm có vẻ như dung dưỡng một hành vi xấu, phạm pháp. Nhưng, nếu con tập cách nhìn rộng ra, thì sẽ thấy pháp luật hiện đang thực thi như thế nào ở quê hương mình, khi mà những người thân cô thế cô vẫn không thể dựa vào luật pháp để yên ổn, bằng chứng là các vụ thanh toán nhau ở cái xứ tạp cư này vẫn diễn ra đều đều như con đã thấy. Con hỏi bố sao không “xử” bọn trộm ư? Việc ấy dễ đến mức con còn nghĩ đến được, lẽ nào bố không biết. Nhưng vì một số mất mát, mà mình ra tay với họ, nhẹ thì cũng bệnh tật, nặng thì cũng tàn phế. Như vậy thì từ chỗ họ khổ vì nghèo đói đến nỗi phải đi ăn trộm, dẫn đến họ khổ vì bệnh tật bởi đòn thù. Mà người ta có ai muốn mình khổ đâu, bởi cuộc sống khó khăn, điều kiện bản thân chật vật, bần cùng sinh đạo tặc, người ta làm như vậy là sẵn sàng đánh đổi tính mạng để kiếm miếng ăn. Mình chưa đến nỗi mất miếng ăn, mà lại định đổi tính mạng hay sự lành lặn của họ hay sao. Bố không chọn cách đó là vậy.

Về lời nhận định những người lấy trộm trụ rào của nhà tôi “sẽ không ở được đất này”, cũng được bố giải thích:

- Thực ra, cả xứ này toàn là dân tạp cư, nhiều thành phần phức tạp và rất hung dữ. Họ trộm  nhà mình thì được, nhưng nếu ăn quen, trộm sang nhà khác, thì chắc chẳng thể yên thân như với nhà mình đâu.

Hóa ra, kẻ trộm chính là một nhà hàng xóm, cách nhà tôi dăm nóc nhà và vài khoảnh ruộng. Lúc tôi nghe những lời giảng giải của bố, thì quả thật nhà ấy đã rời xóm tôi đi đâu từ lâu rồi, tôi chỉ nhớ rõ “nhà ấy” bỏ đi sau một lần bị cháy nhà, cháy vào lúc xế chiều, giữa mùa khô ráo, không rõ nguyên nhân. Hình ảnh cuối cùng tôi nhớ được về họ - những người láng giềng bình thường cho đến khi nghe bố kể - là những đứa con nheo nhóc, bụi bặm, có đứa trạc tuổi tôi nhưng không hề đến trường.

Sau này lớn hơn, đi lại nhiều nơi, tôi nhớ lại lời bố mới thấy khả năng nhìn nhận sự việc để không gây khổ thêm cho người là rất quan trọng. Bố từng bảo, con người ta giao tiếp  với sự sự vật vật bằng các giác quan của cái ngã của mình, nên từ đó mới có phân biệt ta - người, được - mất, hơn - thua, thành - bại, vinh - nhục. Đó là cái biết đắm chìm trong khổ.

Thuở ấy, tôi từng ấp ủ rằng đến một lúc nào đó “đủ sức hiểu”, tôi sẽ hỏi bố nếu như vậy thì làm thế nào để có cái biết không đắm chìm trong khổ. Nhưng tôi chưa kịp hỏi thì bố đã qua đời vì bạo bệnh. Bây giờ nhớ bố, cảm giác mất mát những cây trụ rào thuở xưa đã thay bằng ý nghĩ dường như qua đó tôi được nhận một bài học lớn từ bố, dẫu là không trọn vẹn do bản tính rụt rè không chịu hỏi của tôi thuở thiếu thời. Nhưng có lẽ, đó cũng chính là điều gửi gắm của bố: hãy tự mình tìm lấy “cái biết không đắm chìm trong khổ”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày