Sống đạo: Thân giáo

Sống đạo: Thân giáo

1. Sinh ra và lớn lên ở một vùng
    Sinh ra và lớn lên ở một vùng  quê nghèo khó thuộc miền Tây Nam Bộ, ba má tôi làm nông, chất phác một đời nên tôi thừa hưởng được nhiều vốn liếng cốt cách nông dân của gia đình. Từ nhỏ tôi đã bắt gặp hình ảnh chịu thương chịu khó của má và sự cần cù trong lao động của ba. Là nông dân nên ba tôi ăn nói “thẳng như ruột ngựa”, cái gì bất bình ba đều lên tiếng. Còn má tôi cần kiệm trong từng bữa chợ, sống giản dị với chiếc áo bà ba, mái tóc dài, lúc bà gội đầu bên dòng sông Bảy Háp - hình ảnh đẹp mà tôi không tìm thấy được ở Sài Gòn, nơi tôi đang công tác!

Những câu chuyện của ba má, của gia đình được tôi xếp vào trong trí nhớ, nó chi phối cả tuổi thơ tôi. Những câu nói của ba, chất phác, thật thà ngấm vào đứa con gái vùng quê Nam Bộ nên đến khi lớn, đi học xa nhà tôi đem cái “thần” của ba vào việc học, đến khi đi làm cũng vậy. Tôi thấy mình có từ ba sự thẳng thắn, có từ má sự giản dị, chân phương của người phụ nữ quê… Sau này khi học Phật tôi mới biết những điều giản dị mà tôi thấm được từ ba má chính là “nếp nhà” từ “thân giáo”. Ba má tôi không nói nhiều, chỉ làm và chính những việc làm, cách sống của người đã được tôi ứng dụng vào chính đời sống của mình. Từ đó tôi “ngộ” ra rằng, có những đứa trẻ chưa ngoan hoặc có những thanh niên chưa tốt, hành xử với mọi người không đúng thì ít nhiều là do môi trường sống (gia đình, xã hội, bạn bè…) tạo nên. Chính sự tiếp xúc với những mối quan hệ hàng ngày đã làm cho những người ấy huân tập tốt/ xấu, dần dà hình thành nên những “tập khí” sâu dày. Nếu người ấy thường gần những người bất thiện, thường thấy những hình ảnh xấu thì nguy cơ thẩm thấu những hạnh dữ sẽ tăng lên. Kết quả là họ hành xử theo những điều mà họ huân tập hàng ngày…

2. Cách đây không lâu tôi có gặp
      và thỉnh giáo một vị thầy, vị này nói với tôi rằng: “Đến tuổi này thầy chưa dám nhận đệ tử (thầy đã 43 tuổi – NV) vì thầy sợ oai nghi tế hạnh mình chưa nghiêm, chưa đẹp, sẽ làm cho học trò thất vọng. Học trò luôn nhìn người thầy để sống và thực hành theo, từ lời nói, việc làm…”. Nói rồi thầy kết luận rằng: “Dạy đệ tử không nên người là lỗi ở thầy, trước tiên là thế. Lỗi ở chỗ mình dạy người không đúng cách, lỗi mình chưa đủ lực làm chuyển hóa người khác…”. Nghe thầy nói và nhìn cách thầy nghiêm túc trong việc sống đạo của người tu sĩ tôi đã thán phục lắm lắm. Đương nhiên, từ những điều thầy nói tôi rút ra một bài học cho mình về cách sống. Cũng từ câu chuyện, băn khoăn của vị thầy ấy làm tôi có một cái nhìn đúng hơn về cuộc sống cũng như những lý Duyên khởi trong mọi sự việc trên cuộc đời. Thế mới biết học hạnh lành của một người, ngoài điều người ấy nói thì cách sống của họ là một bài học sống động, dễ đi vào lòng người nhất. Một người dạy người khác làm lành, lánh dữ, khuyên người khác giữ giới mà chính bản thân mình chưa “lánh dữ” và còn phạm giới thì ai sẽ nghe, dù mình nói hay cách mấy?

3. Viết đến đây tôi chợt nhớ về
      câu chuyện mà anh bạn tôi kể, anh kể cách đây khá lâu, về một vị thầy mà anh quen biết, kể như một chia sẻ chứ không phải nhằm vạch lỗi một bậc xuất gia. Anh và vị thầy ấy quen biết tình cờ, sau đó anh có đi nghe thầy giảng pháp một vài lần. Thầy ăn nói lưu loát, hình ảnh rất phong độ trước mặt đại chúng, dạy hành giả tập tu phải biết hỷ xả, không chấp thân, từ bỏ ngũ dục của thế gian (tài, sắc, danh, thực, thùy)… Nói chung là những hạnh tốt của người tu theo Phật đều được thầy khuyến tấn người con Phật phải gìn giữ để vun bồi đạo nghiệp được tăng trưởng. Anh mến thầy vì lời khuyên sống tốt của thầy. Thế nhưng, trong một lần anh chứng kiến vị thầy ấy buồn vì mỗi một việc cỏn con là người ta không gọi thầy là Thượng tọa mà chỉ gọi là Đại đức. Anh nói với tôi: “Mình cảm thấy buồn! Nhưng còn may là mình biết ‘y pháp bất y nhân’, biết quán chiếu ai cũng còn có chỗ dở, nếu không thì… bỏ đạo như chơi!”. Trong thực tế, có nhiều vị thầy ít nói nhưng thực hành giới luật một cách nghiêm mật nên tứ chúng đệ tử nhìn cách sống của vị đó mà hành theo. “Thân giáo” như vậy có khi còn chuyển hóa rất nhiều người thay vì khuyên người ta làm tốt mà bản thân mình phô bày những chỗ dở…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày