Sống tử tế cần... tinh tế

GN - Tham dự buổi tọa đàm “Tôi chọn tử tế”, ngày 20-9, tại Hội trường 1, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5)  với sự tham dự của gần 400 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trong TP.HCM, các bạn trẻ đã cùng nhau chia sẻ rất chân thành từ suy nghĩ của mình, từ con tim và từ chính sức trẻ mong muốn góp chút yêu thương xây dựng.


>>

Họ ngồi lại cùng nhau và chọn sống tử tế

anh 2, PGTT GN 766.jpg


Các anh chị Thanh nữ GĐPT Xá Lợi thăm các bé ở chùa Kỳ Quang - Ảnh: D.D

Lê Thị Hồng Trâm, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM chia sẻ những thay đổi và việc làm của mình rằng: “Hôm rồi, đi nghe chương trình “Tử tế là”, tôi chợt nhận ra bản thân tử tế với rất nhiều người ở ngoài xã hội nhưng chưa bao giờ tử tế với gia đình, với mẹ hay với chính bản thân mình. Thế là, hôm nay dọn qua một bên những cuộc hẹn, những công việc để ở nhà nấu giúp mẹ, cho cả nhà một bữa cơm và ngồi ăn bữa cơm gia đình ấm cúng đúng nghĩa. Tôi cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc, mặc dù canh mình nấu mặn hay cơm bị khô thì cả nhà vẫn khen nức nở và trong ánh mắt mẹ nhìn mình lấp lánh nụ cười...

Bạn Nguyễn Kiều Dung thì sau khi nhận chiếc vòng tử tế đã hứa và cam kết với bản thân rằng sẽ hành động thật tử tế đúng với ý nghĩa chiếc vòng. Tối hôm ấy, bạn tham gia chương trình đạp xe đi tới những khu vực có nhiều người vô gia cư, mang cho họ phần thức ăn được chuẩn bị sẵn, giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. 

“Nhưng khi đạp xe trên đường, đi ngang qua một mái hiên tối, có tiếng mèo con kêu đáng thương lắm. Tôi chậc lưỡi: “Con mèo bị bỏ rơi đáng thương ghê”, rồi tôi đạp xe qua. Khoảng mười phút sau, tôi vẫn nghe tiếng mèo kêu sau lưng mình. “Ủa mình đi xa rồi mà?”. Quay nhìn lại thì thấy hai bạn tình nguyện viên đi cùng đang ôm nhóc mèo theo. Bạn ấy nói: “Tui mang mèo về rồi báo cho bên Hội Yêu động vật, chắc chắn sẽ có người nhận nuôi. Mình đi tình nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương về đêm ở Sài Gòn, bé mèo này cũng cần giúp đỡ nè!” - Nguyễn Kiều Dung hồi tưởng.

“Bạn đã không hề nhận ra bạn đang rất tử tế, từ trong lời nói của bạn. Còn tôi, tôi mặc định mình đi làm tình nguyện, trao thức ăn cho người vô gia cư, thì việc cần làm chỉ là tìm họ và trao. Hóa ra tôi chả tử tế gì, từ trong suy nghĩ. Tối hôm đó, tôi tiếp tục đi, nhưng suy nghĩ thì đã khác nhiều. Tôi chào bác xe ôm đang thức đợi khách ở cổng bệnh viện, tôi cười với vài ba đứa bé đi bán vé số sớm, tôi cho người bạn mượn lưng chợp mắt lúc tập trung, tôi mỉm cười chào Sài Gòn sáng sớm! Hóa ra, tử tế không phải là bó hẹp mình trong những chuẩn mực tử tế là cần phải làm gì”, bạn Dung cho biết.

Sau chia sẻ đó, Đỗ Thành Công bày tỏ: “Đối với tôi, tử tế là biết trân trọng bản thân mình. Vì chỉ khi biết trân trọng bản thân, bạn mới có thể trân trọng người khác. Tôi đã tử tế với bản thân mình bằng cách đọc những bài học cuộc sống, triết lý Phật giáo, danh ngôn, ca dao tục ngữ cũng như quan sát cuộc sống xung quanh tôi hàng ngày để luôn chiêm nghiệm, thay đổi cách nhìn nhận, suy nghĩ về cuộc đời, giá trị sống, về con người và cả những điều hay lẽ phải. Vì tôi biết, khi tôi tốt hơn, trưởng thành hơn, biết sống hơn thì tôi mới có thể giúp đỡ được nhiều người khác để họ vượt qua những khó khăn và chông gai trong cuộc sống.

Trở lại với chính cuộc sống, chuyến thực tập thương yêu của các chị Thanh nữ GĐPT Xá Lợi (Q.3, TP.HCM) vào Chủ nhật vừa rồi, họ đã thực hiện phóng sanh, tặng quà tại chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh), Kỳ Quang (Q.Gò Vấp), họ đã ngồi lại và cùng nhau chia sẻ những yêu thương, những hiểu biết về tình thương khi mình trao và khi mình nhận. Họ lắng lòng thanh tịnh nghe nhau và cùng thực tập thở chánh niệm, ăn trong chánh niệm. Với tôi, đó cũng là lựa chọn tử tế trong một ý niệm hướng thượng theo tinh thần Phật dạy.

Thực ra, luôn nhìn lại bản thân mình, luôn cố gắng làm thật tốt những việc đã nhận làm, luôn giữ vững niềm tin vào con đường mình đang đi cũng là tử tế. Tôi nghĩ thế, còn bạn?


Nhã An

___________

* Bạn nghĩ như thế nào về sự tử tế? Bạn đã từng tử tế? Trân trọng mời bạn chia sẻ suy nghĩ, câu chuyện của mình hoặc của ai đó mà bạn là người trong cuộc, có dịp chứng kiến với Giác Ngộ online. Địa chỉ gửi bài: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày