Sống với nghề bằng niềm đam mê và khao khát cống hiến!

Giác Ngộ - Sự bùng nổ của báo chí hiện nay, từ báo viết cho tới báo điện tử mỗi ngày đều cần những thông tin mới khiến cho những người đam mê với nghề báo càng có nhiều cơ hội để sống, đi và viết. Trong đó có những cộng tác viên trẻ của Giác Ngộ, họ đã gửi những chia sẻ về nghề nhân Ngày Báo chí Việt Nam 21-6…

vietbao-8.gif

  Học viên khóa tập huấn báo chí ngắn ngày
do Báo Giác Ngộ tổ chức năm 2008 
đi tác nghiệp thực tế - Ảnh: Bảo Thiên

Nghề báo với tôi là...

Mặc dù chỉ là một cộng tác viên trẻ, nhưng với riêng tôi thì "Víết báo là một nghề", bởi đó là một sản phẩm mà người viết "được ký tên và chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình". Ngoài đội ngũ phóng viên chính thức "ăn lương" của các tờ báo, vẫn còn có một số lượng không nhỏ các cộng tác viên cung cấp thông tin, bài vở ngay chính nơi họ sống, mà trong điều kiện các nhà báo chưa đến được. Tôi cũng là một trong số họ.

Với bản lĩnh của một cây viết trẻ, một sức khỏe đủ để leo lên những dốc núi nơi vùng sâu vùng xa, nơi khó khăn vất vả, với tâm huyết truyền tải được những thông tin về cuộc sống, về con người những nơi đã đến, tôi viết bằng tất cả sự trắc ẩn, bằng tất cả tấm lòng và ham muốn của mình.

19062011son9195547187[1].jpg

CTV Bùi Hữu Cường (phải) đang tác nghiệp ở vùng xa

Tôi chưa phải là một nhà báo theo đúng nghĩa của từ này, nhưng từ trong ý thức của bản thân mình, tôi vẫn cứ đi và viết bằng tất cả những gì mình tâm huyết.

Nghề báo với tôi là được đi và viết, được trải nghiệm, được sống cuộc sống với những đối tượng trong bài viết của mình, để thấy được cuộc đời còn đó biết bao buồn vui, biết bao số phận mà chẳng thể nào có thể tưởng tượng ra được.

Nhiều lúc mất cả ngày đường để đến được những vùng xa, những làng bản của các dân tộc trên những triền núi cao, để thấy được cuộc sống còn khốn khó của họ, để thấy được sức sống mãnh liệt của con người nhỏ bé trước thiên nhiên và trước thân phận, thấy mình càng cần phải làm nhiều điều hơn nữa.

Cứ mỗi lần như thế, tôi hiểu hơn về cuộc sống, hiểu hơn về con người, hiểu hơn nhiều điều nữa...

Trong suy nghĩ của mình, với tôi các nhà báo chân chính là những người truyền tin mà thông tin ấy góp ích cho cuộc sống. Người ta thường nói nghề báo là nghề nguy hiểm, là nghề bạc bẽo, lại đầy cám dỗ. 

Sự bạc bẽo, cám dỗ và nguy hiểm đó, không chỉ nằm ở “làn tên mũi đạn” hay các sự đe doạ, tấn công, trả thù của kẻ xấu. Nó nằm chính trong cái tham-sân-si và sự thiếu kiên định với nghề, với niềm đam mê của không ít người làm báo, bởi có không ít người coi việc làm báo chỉ là một nghề để kiếm sống, nên đã dễ dàng bỏ cuộc chơi, của những con người đang mải mê trên các con đường hành động của nhà báo. - Bùi Hữu Cường (CTV Giác Ngộ tại Quảng Nam )

* Duyên với nghề và thông điệp từ trái tim người con Phật

Nghề báo là công việc part-time (bán thời gian) đầu tiên mà tôi được “tuyển”. 

Những ngày đầu làm tin, viết bài, sao mà lắm những “gian nan”. Tôi viết cho một tờ báo teen - tờ báo dành cho thế hệ học trò 9x. Đã là một tờ báo teen thì từ ngôn ngữ, giọng văn đến cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề cũng cần “teen” một chút. Những “tác phẩm” đầu tiên của tôi bị đánh giá là “giống như chương trình bản tin thời sự” vì giọng văn khô cứng và chẳng “teen” tí nào.

Không nản chí, tôi tiếp tục gửi bài. Dần dần, tôi cũng đã nắm được “gu” viết bài và có bài đăng thường xuyên hơn. Tôi cũng tập tành viết bài phản ánh, làm phóng sự, liên hệ phỏng vấn… hệt như những “nhà báo thứ thiệt”. Công việc này đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm. Viết nhiều, tôi biết thêm nhiều điều thú vị trong cuộc sống, tôi có thêm nhiều bạn bè ở khắp mọi nơi…

IMG_0187.JPG

CTV Mạnh Đức

Sau mỗi lần liên hệ phỏng vấn hoặc làm phóng sự, tôi tự tin hơn, tôi “dám nghĩ dám làm” hơn. Làm quen với deadline (hạn nộp bài), tôi thấy mình có trách nhiệm hơn, ít nhất là với công việc nhỏ bé này. Là như vậy, tôi “tập lớn” với nghề báo.

Là một Phật tử trẻ, tôi tình cờ biết đến Giác Ngộ qua một vị thầy. Tôi “thử sức” với chuyên trang Phật giáo-Tuổi trẻ. Bài học đầu tiên trong “nghề báo” tôi được học, đó là hãy viết những gì mình nhìn thấy.

Tôi bắt đầu bằng những đề tài “nóng” trong giới trẻ, đặt dưới góc nhìn của đạo Phật và đưa ra giải pháp trên tinh thần lời Phật dạy. Tôi rất thích tên báo - Giác Ngộ, thật ý nghĩa. Vậy nên, tôi thường cố gắng đưa lời Phật dạy vào bài viết của mình, sao cho dễ nghe, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hành, để qua những trang viết, Giác Ngộ trở thành một phương tiện cho mọi người cảm nhận được sự an lạc và chất liệu giải thoát trong lời Phật dạy. Mạnh Đức (CTV Giác Ngộ tại Hà Nội)

Tập tành vào nghề, tôi chọn Giác Ngộ

Trải qua 4 năm học và thực tập với nghề, tôi bắt đầu cảm thấy yêu thích cái nghề mà mình từng cho là không phù hợp với mình. Tính tôi vốn trầm, mọi người nói nghề này cần phải năng động, hoạt bát chứ như tôi không phù hợp. Nghe mọi người nói thế, tôi cũng nản chí và thấy hơi thất vọng. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc, tôi bắt đầu tập viết, viết những gì tôi thấy và cảm nhận.

P1060973.JPG

SV thực tập Nguyễn Thị Danh

Những lúc đi lấy tin, được nghe những câu chuyện của mọi người, được chia sẻ và được mọi người tâm sự những điều mong muốn, những ước vọng, tôi nghĩ mình phải viết gì đó, để giúp những người mình gặp, để chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống mà mình có cơ hội được nghe được biết đến tất cả mọi người - những người chưa có cơ hội được nghe.

Tôi thích những buổi sáng lo dậy thật sớm để đi lấy tin và những đêm khuya ngồi viết bài. Tôi không biết nghề báo đối với tôi là gì, tôi chỉ là người mới đặt bàn chân non nớt vào nghề nên còn lắm vụng về. Tôi biết còn nhiều khó khăn thử thách đang chờ tôi nhưng đối với tôi hiện giờ tôi chỉ biết mình rất yêu thích cái nghề này.

Biết đến báo Giác Ngộ từ hồi học phổ thông nhưng lúc ấy tôi chưa để ý lắm, đến khi học đại học và đi thực tập, tôi mới bắt đầu đọc và tìm hiểu những chuyên mục của báo.

Tôi thích những bài viết rất thật của cuộc sống mà các anh chị phóng viên viết, đọc những bài viết ấy giúp tôi có những bài học bổ ích trong cuộc sống, giúp tôi có cách sống tích cực hơn yêu cuộc sống hơn.

Những giáo lý của đạo Phật được anh chị lồng ghép vào bài thật khéo, như câu chuyện cuộc sống, giúp cho người đọc nghĩ như đang nói cho chính mình. Những chuyên mục từ thiện của báo giúp cho tôi ý thức được mình phải sống cho thật tốt, sống chia sẻ với mọi người chứ không phải chỉ bản thân mình… Chính  vì vậy mà tôi chọn báo Giác Ngộ là nơi để thực tập!

Nguyễn Thị Danh (SV đang thực tập tại Giác Ngộ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày