“Sứ giả của vẻ đẹp con người”đến Việt Nam

Giác Ngộ: 50 nghệ sĩ múa của Trung Quốc được UNESCO phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ vì hòa bình" bắt đầu chuyến lưu diễn tại Việt Nam từ ngày 1-12. Thông tin ấy được báo giới loan tin và trở thành bản tin đáng chú ý bởi những điểm đặc biệt của đoàn nghệ sĩ này: tất cả các thành viên của đoàn đều là người khuyết tật (khiếm thính) và họ đã lưu diễn qua hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và được mệnh danh là "Sứ giả của vẻ đẹp con người", tác phẩm trình diễn chinh phục cả thế giới được nhiều người biết đến đó là "Vũ khúc Quán Âm Thiên thủ thiên nhãn" (*).

nghinmat.jpg

Múa là một loại hình nghệ thuật dùng hình thể và những động tác của cơ thể để chuyển tải những thông điệp nào đó từ cuộc sống, con người… Từ những ngôn ngữ cơ thể, người ta có thể hình dung ra được những điều mà diễn viên muốn gửi gắm. Thật vậy, có xem những nghệ sĩ khiếm thính này múa thì mới thấy hết những giá trị về tinh thần mà họ trao gửi qua từng động tác. Sự vượt lên trên những thiệt thòi về thân thể từ những nghệ sĩ này đã khơi gợi lên lòng trắc ẩn và sự thán phục nơi khán giả.

Nín thở để nghe những điệu nhạc và để cảm nhận sự uyển chuyển của từng cánh tay, từng cử chỉ của diễn viên hài hòa theo âm nhạc nhằm đem thông điệp tinh thần cứu khổ của Đức Bồ tát Quán Thế Âm đến với khán giả. Có lẽ Đức Quán Thế Âm đã quá gần gũi với con người bởi năng lực lắng nghe tiếng khổ và hiến tặng sự không sợ hãi cho chúng sinh. Sự gần gũi ấy đồng thời được thể hiện bằng năng lực vô biên của Ngài qua hình tượng Nghìn mắt nghìn tay. Vẻ đẹp của sự lắng nghe và năng lực cứu vớt mọi khổ đau của chúng sinh đã được chuyển tải ngôn ngữ múa một cách xuất sắc. Hình ảnh những cánh tay xòe ra như nâng đỡ và những con mắt từ tâm luôn nhìn xuống nỗi đau nhân thế là tất cả những gì mà người thưởng lãm có thể cảm nhận được qua cách thể hiện thật sinh động từ những nghệ sĩ khiếm thính này.

Cuộc lưu diễn của những nghệ sĩ khuyết tật - những "Nghệ sĩ vì hòa bình" càng trở nên ý nghĩa hơn khi nó diễn ra giữa những ngày đầu tháng 12, ngày Quốc tế Người khuyết tật (3-12). Ý nghĩa là ở chỗ nó xốc dậy trong lòng những người khuyết tật Việt Nam một thông điệp khác: "Bạn hoàn toàn có thể là đại sứ hòa bình, đừng ngại mình khiếm khuyết, chỉ cần bạn có trái tim và tha thiết cống hiến". Xin cảm ơn những nghệ sĩ tài ba, những người đã mang hình ảnh một vị Bồ tát được xưng tôn bậc Hiến tặng tình thương và sự không sợ hãi đến với chúng sinh.

 

Theo nguồn tin từ Cục Hợp tác Quốc tế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngày 2-12, đoàn nghệ thuật gồm 50 nghệ sĩ khuyết tật Trung Quốc được UNESCO phong danh hiệu "Nghệ sĩ vì hòa bình" biểu diễn nhiều tiết mục ca, vũ tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Cụ thể, các tiết mục "Giấc mơ của tôi" (được Liên hoan Phim truyền hình tổ chức tại Hollywood trao giải thưởng "Phim nghệ thuật truyền hình hay nhất" và được Liên hoan Phim quốc tế tổ chức tại Hy Lạp trao "Giải thưởng lớn đối với nguyên tác" và giải "Sáng tạo");  "Quán Âm nghìn tay, nghìn mắt" (do nhà biên đạo nổi tiếng của Trung Quốc Trương Chí Cương dàn dựng)… Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình Việt Nam và hai màn ảnh rộng ở Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám.

Được biết, đoàn nghệ thuật đặc biệt này được thành lập từ năm 1987. Đoàn có 110 diễn viên là người khuyết tật. Một số giải thưởng đoàn đã giành được như: "Nghệ thuật kiệt xuất" (của Hội Lân quốc tế), "Giải lớn đặc biệt" (tại triển lãm thành quả của người khuyết tật tổ chức tại Paris, Pháp), Trưởng đoàn Thai Lệ Hoa được Italia trao "Giải thưởng quốc tế năm 2000", và được bình chọn là "Nhân vật cảm động Trung Quốc".

Video: Đặc sắc vũ khúc “Phật bà nghìn mắt nghìn tay”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày