Sứ mệnh cuối cùng của chiến mã

GN Xuân - Chí nguyện của các bậc anh hùng xông pha ngoài trận mạc là lấy da ngựa bọc thây. Ngoài lẽ thường tình đó, ở xứ ta, xưa nay lưu truyền một khối lượng truyện kể về các chiến mã tận tụy: chở các bậc anh hùng tử trận về cố hương hay một địa điểm thiêng đã định… để hóa. Mô-típ này, phổ biến trong kho tàng truyền thuyết lịch sử Việt Nam, là đối tượng xem xét của bài viết.

tuong thanh giong.jpg

Tượng người anh hùng làng Gióng đánh giặc Ân

1. Theo dòng lịch sử, mô-típ này xuất hiện khá sớm trong các truyền thuyết được coi là trước hay cùng thời với người anh hùng làng Gióng đánh giặc Ân. Ở đó, có loại truyền thuyết người anh hùng bộ lạc đi đánh giặc bị chém đứt đầu, nhưng ôm đầu chạy về quê mới chịu chết, tồn tại song song với loại truyền thuyết người anh hùng tử trận, vẫn ngồi trên lưng ngựa trở về quê để hóa.

Loại trước là các truyện Tướng Hoài-Tướng Quách (truyền thuyết ở xã Trang Thôn, Thanh Thủy, Phú Thọ), Hai tướng làng Sồi (Đông Sồi, Thanh Thủy, Phú Thọ), Thần làng Sơn Dương (Lâm Thao, Phú Thọ)…; loại sau là truyền thuyết về người anh hùng làng Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang) (1) .

Nói chung, ngoài chi tiết khác biệt là trở về trên lưng ngựa hay không, các truyền thuyết đều khuôn đúc theo một kết cấu thống nhất của loại truyện mà nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Huy Đỉnh gọi chung là “truyện anh hùng bộ lạc”: Ra đi (từ bộ lạc)  Đánh giặc - Trở về (bộ lạc mẹ) và có một kết thúc là mẩu đối thoại của người anh hùng với mẹ hay bà lão/ bà hàng nước trong làng về việc người mất đầu có sống được hay không. Truyền thuyết làng Chũ sau đây là một ví dụ:

Xưa có một vị tướng đi đánh giặc bị địch chém đầu lủng lẳng trên vai không chịu chết cứ để đầu như vậy, phi ngựa về làng. Đến cổng làng gặp một bà lão, vị tướng nhấc đầu lên gắn lại và nói: “Thưa bà, đầu tôi chưa rơi xuống đất”. Bà lão bảo: “Đầu rơi thì chết”. Vị tướng không giữ đầu được nữa liền ngã ngựa chết, máu chảy ra khắp cả miền. Nơi nào có máu chảy đến là nơi đó dân lập đền thờ.

(Truyền thuyết làng Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang) (2)

2. Truyền thuyết làng Chũ trên về sau được gán cho Vũ Thành, một nhân vật đời Trần. Đó là việc lịch sử hóa, nhằm chỉ định rõ danh tính cho vị thần vô danh của thế nhân đời sau. Hiện tượng thường xảy ra đối với các thần tích dân gian. Còn loại truyện này, mang tính chỉ định gắn với nhân vật lịch sử cụ thể sớm nhất là truyền thuyết về thánh Côi (Lữ Gia, tể tướng dưới triều Ai Vương, năm 113 trước Tây lịch) thờ ở núi Côi Sơn (Vụ Bản, Nam Định), kế đó là truyền thuyết về Thánh Lưỡng: tên là Lê Hữu, con út của Thái thú quận Cửu Chân Lê Ngọc dưới thời Tùy Đại nghiệp, lập căn cứ ở làng Đồng Pho/Đường Sơn, Thanh Hóa, chống lại nhà Đường, vào thế kỷ thứ VII. Ông bị giặc chém đứt đầu, liền nhặt đầu chắp lại chạy về hóa ở bờ sông Lãng, cạnh núi Mưng. Mỗi “giọt máu rơi” của ông được dân làng lập đền thờ. Đó là đền Mưng (thuộc Trung Thành, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) là đền chính và được thờ nhiều nơi ở Thanh Hóa. Lê Hữu có duệ hiệu “Tham xung tá quốc tôn thần”, dân gian còn gọi là “Chàng Út đại vương”, khu biệt với Thánh Lưỡng Trần Khát Chân có duệ hiệu là “Kim ngô Long hổ Lưỡng vệ Thượng tướng quân tôn thần”.

Trần Khát Chân là tướng của nhà Trần. Ông đã đánh bại Chế Bồng Nga để trừ nạn cướp phá của quân Chiêm Thành. Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông lập hội thì Đốn Sơn mưu giết Hồ Quý Ly. Sự việc bại lộ, Hồ Quý Ly đã bắt giết ông cùng với 300 người đồng hội. Ông được dân chúng thờ tự nhiều nơi, riêng ở Thanh Hóa, dân chúng thờ ông ở huyện Vĩnh Lộc, chung quanh thành nhà Hồ (3).

Ngoài hai vị Thánh Lưỡng nói trên, còn có Thánh Lưỡng Đoàn Thượng thờ ở phía Nam huyện Tĩnh Gia. Đây là sự lan truyền sau này bởi Đoàn Thượng gốc tận Hải Dương, sinh thời vào khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, làm tướng đời nhà Lý. Năm 1225, Trần Thủ Độ bắt ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vị cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông), Đoàn Thượng tức giận, chiếm giữ vùng đất của mình, tự xưng Đông Hải Vương chiêu tập lực lượng mưu việc khôi phục cơ nghiệp nhà Lý. Sau bị Trần Thủ Độ lập mưu đánh bại. Ông bị một nhát đao chém từ phía sau vào cổ, đầu gần rơi, liền cởi thắt lưng quấn lấy cổ, phóng ngựa về phía Đông. Đến làng An Nhân (huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, nay là Hải Hưng) gặp một cụ già áo mũ nghiêm chỉnh đứng bên đường, chắp tay vái hỏi: “Đức Thượng đế biết tướng quân là người trung liệt nghĩa khí, đã chọn cho tướng quân cái gò đất bên kia là chỗ đất ngàn năm hương lửa, xin tướng quân đừng bỏ qua”. Đoàn Thượng đến chỗ gò ấy xuống ngựa, nằm gối trên đầu ngọn giáo. Các thứ côn trùng đùn đất phủ kín thi thể thành ngôi mộ lớn. Dân làng lập miếu tạc tượng thờ (4).

Nói chung, cả ba vị Thánh Lưỡng tuy hành trạng có khác biệt và cũng cách biệt về thời gian lẫn không gian, song đều được khuôn đúc theo một tín niệm hầu như đã định hình trong tâm thức văn hóa.

3. Đến thế kỷ XI, truyền thuyết kể về người anh hùng ở đất Cao Bằng, giúp triều đình nhà Lý đánh Tống là Nông Trí Cao cũng đã kể theo mô-típ này. Ở đây, con ngựa của Nông Trí Cao là một chiến mã thần kỳ: lúc mới sinh ra trắng bốp, trụi lông, nhưng ba ngày sau mọc dày lông đỏ “đẹp không gì bằng” và vượt lên hết thảy đó là con tuấn mã “bay như gió”. Truyện kể rằng: Nông Trí Cao đã đẩy lùi quân Tống về xứ và truy kích giặc đến tận Ung Châu… Thế nhưng về sau, Nông Trí Cao bị Địch Thanh đánh bại ở Tống Quỷ và bị Địch Thanh chặt đầu, nhưng đầu không rớt được. Nông Trí Cao phi ngựa bay về quê. Chàng đã hỏi hai bà góa, họ đều bảo: Người đầu bị chặt “còn nên người”; song khi hỏi mẹ: “Mẹ nhỉ, cây gãy ngọn còn mọc lại lộc non, đầu người bị chặt còn nên người không, mẹ nhỉ?”. Mẹ đáp: “Con hỡi, cây gãy ngọn còn mọc lại lộc non, đầu người bị chặt không nên người nữa đâu con ạ!”. Lời nói thật của người mẹ như một phán quyết: Nông Trí Cao ngã ra chết ngay chân cầu thang, dưới sân nhà của gia đình (5).

4. Ngoài các truyền thuyết nói trên, đến thế kỷ XI, mô-típ này đã lan truyền đến Nghệ An. Trước hết là truyền thuyết về cái chết của Uy Minh vương Lý Nhật Quang, còn gọi là Đức Thánh Mượu. Ngài được thờ tự chính ở đền Quả (núi Quả Sơn, Đô Lương, Nghệ An) và thần tích được chép trong sách Việt điện u linh (biên soạn vào thế kỷ XIV) (6).

Truyền thuyết kể rằng: Hồi ấy, quân nước Lão Qua thường xua quân cướp phá vùng biên giới phía Tây, Nghệ An. Vương từng nhiều lần thân chinh đánh dẹp. Trong lần hành quân cuối cùng, gặp thế giặc mạnh, quân ta thất trận. Vương bị tướng giặc chém ngang cổ. Nhưng lạ thay đầu không rơi, người vẫn trên ngựa, men theo tả ngạn sông Lam, phi nước đại về đến xã Bạch Đường thì dừng ngựa, ghé vào quán nước sát bờ sông thì được cô hàng nước bảo: “Ngài bị tử thương khó qua khỏi, Trời đã dành ngôi âm phần tại chân núi Quả… Đó là đất huyết thực ngàn thu”. Ngựa chở Vương đến đó thì trời vừa sụp tối: Người và ngựa liền quỵ xuống bãi cỏ bằng phẳng dưới chân núi Quả. Kỳ diệu thay, trong phút chốc, hằng hà sa số con mối xúm nhau đùn đất, lấp kín thi thể Vương thành ngôi mộ to. Dân chúng, sau đó, dựng đền thờ Vương trên núi Quả này, do đó có tên là đền Quả, một trong bốn ngôi đền thiêng nhất của xứ Nghệ: đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng.

ThanhGiong.jpg

5. Vị thần Phan Đà thờ ở đền Bạch Mã của xứ Nghệ, như tên gọi của nó, gắn bó sinh mệnh của mình với con ngựa trắng - một biểu tượng thiêng trong lịch sử văn hóa và cũng đã hiển hiện trong việc giúp minh chủ Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Truyện kể rằng: Cuối năm 1424 đầu năm 1425, sau khi hạ thành Trà Lân, thắng trận Khả Lưu, Lê Lợi đưa nghĩa quân xuống đóng đại bản doanh tại núi Động Chủ thuộc dãy Thiên Nhân. Cùng với người dân Nghệ An nô nức ứng nghĩa, Phan Đà, quê ở thôn Chi Long (nay thuộc xã Võ Liệt) mới 18 tuổi, cỡi ngựa trắng vào thành Lục Niên ra mắt Lê Lợi. Sau một thời gian xông pha trận mạc, tỏ là người can đảm, giỏi mưu cơ, Lê Lợi cử ông ra trấn thành Bình Ngô, bên hữu ngạn sông Lam. Quân Minh cũng dựng một thành ở chợ Đồn bên tả ngạn sông Lam, đối diện với thành Bình Ngô. Phan Đà vừa công vừa thủ làm cho giặc nhiều phen khốn đốn. Song giặc biết Phan Đà rất thích hát tuồng nên chúng bày cuộc hát trên bãi sông rộng kéo dài hết đêm này sang đêm khác. Phan Đà kìm lòng không được, một đêm cải trang thành người dân thường, cỡi ngựa sang sông xem hát. Bọn giặc phục kích sẵn, chờ có thế đổ ra đâm chém tới tấp. Không kịp đối phó, Phan Đà bị một nhát gươm chém vào giữa cổ. Con ngựa bèn quay đầu chở Phan Đà trở về. Đến thôn Chi Linh, Phan Đà hộc ra một vũng máu và đến thôn Gia Hy, Phan Đà ngã ngựa. Hai địa điểm này đều có mộ của ông: mộ ở Cồn Cả/Gia Hy là mộ thật, còn mộ ở cồn Ông/Chi Linh là mộ giả; cả hai đều thuộc xã Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An). Về sau, trong một trận đánh lớn, con ngựa của Phan Đà hiện hình bằng đám mây trắng dẫn đường cho nghĩa quân Lê Lợi tiến công giặc. Trận đánh ấy thắng lớn. Khi lên ngôi, Bình Định vương truy phong Phan Đà là Bạch mã thần, lập đền thờ ở Võ Liệt, cấp 18 mẫu tự điền và 18 miếu phu để lo việc cúng tế (7).

6. Nói chung, các truyền thuyết kể trên, các anh hùng tử trận đều gắn với con chiến mã của mình; ở đó, một số chiến mã là con ngựa thiêng - thậm chí uy linh trội bật hơn chủ tướng của nó như con ngựa của Nông Trí Cao hay đặc biệt được tôn xưng là Bạch mã thần của Phan Đà. Vị thần Bạch mã này tuồng như một hồi quang của thần Bạch mã ở kinh đô Thăng Long thời Lý, song về sau, càng về phía Nam, thần lại được thờ tự ở đình làng như một vị thần độc lập với danh hiệu là Bạch mã Thái giám.

Đi dần về Nam, các truyền thuyết kể về các anh hùng tử trận được ngựa mang trở về hay nơi…được hưởng huyết thực đã được trời dành sẵn là những thần tích đơn giản về chi tiết, có phần thế tục và gắn với cấp thần linh của làng xã. Chẳng hạn truyền thuyết thần Thành hoàng của thôn Thọ Linh Thượng (Quảng Trạnh, Quảng Bình) là một vị tướng trẻ họ Trần bị chém ngang đầu trong trận so gươm với tình địch là tướng trẻ Trung Lang. Ông tướng họ Trần này ôm đầu phóng ngựa về bản doanh đóng ở Xóm Dinh (làng Thọ Linh Thượng), gặp một bà lão hỏi: “Đứt đầu như thế này có thể sống không?”. Bà lão đáp: “Không”. Vị tướng vất đầu xuống sông Nam, chết (8) . Một ví dụ khác, cũng ở Quảng Bình là thần Võ Quý Công, làng An Xá, là vị “tướng đánh giặc bị bại trận, bị thương, cỡi ngựa chạy về giữa làng thì mất nên dân lập miếu thờ. Về sau, đưa vào thờ ở đình làng bên cạnh Thành hoàng khai canh Ngô Quý Công” (9).

Ở đất Bình Thuận, hồi “đầu trung hưng” trong Đại Nam nhất thống chí, câu chuyện về Tài Nhị Lan ứng nghĩa ở Trà Bang, bị tử trận được chiến mã mang về quê (gần tháp Phố Hài), mới ngã xuống chết, gắn với thần Bạch mã Thái giám thờ ở đền thần Thiện Mỹ (10). Đây là thần tích còn mang dấu ấn của loại mô-típ truyền thống. Song vào đến vùng đất mới, thần Bạch mã Thái giám hầu như được phối tự trong đình làng như một vị thần độc lập mặc dù trong tín niệm của đa số người dân thời nay thường hiểu nhầm Bạch mã Thái giám là vật cỡi của thần Thành hoàng, giống như con ngựa Xích Thố được thờ ở các miếu thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) với phẩm chất là con tuấn mã trung thành.

Một câu chuyện còn bảo lưu ít nhiều tính chất của mô-típ chiến mã đưa người anh hùng tử trận về quê ở đất Gia Định xưa là truyền thuyết kể về ông Trùm Cả Đặng Văn Trước - vị tiền hiền được tôn làm thần Thành hoàng của làng Gia Lộc (Trảng Bàng, Tây Ninh): Vào đầu thế kỷ XIX, dưới thời Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn thành Gia Định (đời vua Gia Long), ông và một số người đến làng Bình Tịnh (Trảng Bàng) xin nhượng một phần đất hoang để khai khẩn lập nên thôn Phước Lộc (sau đổi là Gia Lộc). Ông cùng dân làng làm ruộng, đào kênh, cất chợ, mở mang đường sá nên Phước Lộc trở nên một tụ điểm phát đạt, thạnh mậu. Ông được bầu làm Trùm Cả.

Do dân tứ xứ tụ về đông đúc, ông lại đứng ra giúp họ khai phá rừng hoang để canh tác. Trong số đó, một ít người đã xâm phạm đến các phần đất đai đã có chủ. Các chủ đất này đã kiện đến cửa quan và do là Trùm Cả nên Đặng Văn Trước phải đứng ra chịu tội: phạt đòn 80 trượng. Bị tổn thương vì trận đòn, trên đường về, ông bị những kẻ ganh ghét rắp tâm làm hại: giả vờ mời cơm nước rồi đầu độc. Khi biết mình đã bị trúng độc, ông lên ngựa thúc ngựa chạy về. Đến đầu chợ Trảng Bàng (nay gọi là chợ Cũ), con ngựa hất ông xuống đất thì ông tắt thở. Con ngựa bỏ ăn mà chết. Dân chúng lập miếu thờ ông ngay chỗ đó, gọi là “Miếu Cả” hay “Miếu Ông Chủ chợ”. Tương truyền ông rất linh hiển, bọn tà vạy trong xứ đều sợ, kẻ buôn bán cân lường gian lận đều bị ông… bẻ gãy đòn cân. Năm 1933, ông được sắc phong “Dực Bảo Trung hưng linh phù chi thần” và được thờ làm thần Thành hoàng đình Gia Lộc.

Qua các dữ liệu này, đến đây một câu hỏi đặt ra là: Các truyền thuyết được khuôn đúc theo mô-típ “chiến mã đưa người anh hùng tử trận trở về” hàm chứa ý nghĩa gì?

Một cách phổ biến hình tượng người cỡi ngựa luôn biểu hiện một cách minh dụ ý nghĩa tôn vinh người thủ lĩnh thắng trận, biểu tượng sự chiến thắng, vinh quang và sự thăng thượng của người chiến thắng lên cõi thiêng của các bậc thần linh. Thánh Gióng sau khi diệt giặc Ân cỡi ngựa bay lên trời là một ví dụ tiêu biểu. Ở đây, những người anh hùng tử trận trong các truyền thuyết này được các tác giả sáng tác dân gian khắc họa là người anh hùng trên lưng ngựa, phải chăng nhằm biểu lộ lòng kính trọng và tôn vinh các bậc anh hùng hy sinh vì nước, vì cộng đồng của mình. Đây là một biểu tượng tinh thần về sự kết thúc một sứ mệnh thiêng liêng, sự tiếp cận cái toàn hảo hơn là sự lưu tâm đến việc thắng bại. Đối với họ, những anh hùng này không phải là kẻ ngã ngựa, họ có thể bị kẻ thù làm hại, nhưng không giết chết được: họ “chỉ được chết sau khi có lệnh mẹ” - nói như Cao Huy Đỉnh trong công trình nghiên cứu Người anh hùng làng Gióng. Ở đây, nên hiểu rộng hơn ngoài mẹ, bao gồm những người đồng tộc, đồng hương…

Ở một tầm kích khác, ngựa là vật cỡi, phương tiện vận chuyển, là con tàu: số mệnh của nó không tách rời số mệnh của người cỡi. Giữa người cỡi và ngựa có mối quan hệ tương tác sinh động của tâm lý và tâm thức, nguồn gốc của sự hòa hợp hay xung đột mà trong các truyền thuyết này hầu hết là sự hòa hợp, thậm chí là đồng nhất. Ra đi, bị cuốn hút bởi mãnh lực của cuộc chạy, con ngựa phi như gió một cách mù quáng chỉ người chủ tướng điều khiển ngựa xung trận; ra về, khi người anh hùng tử trận/tử thương, ngựa là kẻ thấu thị, nó chỉ huy người cỡi vượt qua một cách an toàn mọi cửa ải, mọi trở lực với một phép bí nhiệm, không thể lý giải bằng lô-gích thông thường. Ngựa như vậy, nó giữ chức năng dẫn đường và ở đây, trong các trường hợp, trong khoảnh khắc lâm chung này, nó thực hiện chức năng dẫn dắt linh hồn… đến nơi tốt đẹp phải đến như đã định trước.

Ngựa là một biểu trưng song nghĩa, nó tham dự cả hai bình diện biểu trưng: âm giới và thiên giới. Từ thời cổ xưa, mặt trời được biểu trưng bằng cỗ xe để chỉ sự di chuyển của nó và trong phần lớn các thần thoại, cỗ xe Mặt Trời là do ngựa kéo. Một tín niệm từ đó đã ăn sâu vào ký ức tất cả các dân tộc từ thời nguyên thủy liên kết con ngựa với bóng tối âm ty; nơi đó, nó đột nhiên xuất hiện, từ lòng đất hay biển thẳm lên cõi dương. Đêm dẫn ngày tới, và điều xảy ra là con ngựa, trong quá trình đó, nó rời xa cội nguồn đen tối, để nâng bổng mình lên trời cao chan hòa ánh sáng. Được mặc một bộ trắng uy nghi, từ nay nó không còn là sinh vật của cõi âm/mặt trăng/nước mà trở thành sinh linh của thiên giới, được cảm thụ như hình ảnh của mặt trời, của ánh sáng trong cõi thiêng, của các thần linh chí thiện. Điều này đã mở rộng biên độ những ý nghĩa biểu trưng của con vật này nói chung, sự khác biệt về màu lông nói riêng: ngựa ô, ngựa bạch, ngựa hồng, ngựa tía… tương ứng với vị trí của mặt trời trên hoàng đạo.

Con ngựa màu trắng/bạch mã, con thiên mã màu trắng/Bạch mã Thái giám biểu thị cho bản năng đã được kiểm soát, được làm chủ, được thăng hoa, theo luân lý mới, nó là thành quả cao quý nhất của con người. Là của mặt trời, kéo cỗ xe thiên thể, con bạch mã trở thành biểu tượng của cái đẹp toàn bích. Trắng, nhưng trắng một cách xán lạn, bạch mã biểu trưng cho sự uy nghi, là vật cỡi của các anh hùng, thánh nhân, những người lập nên các kỳ công, những đấng cứu thế trong các tôn giáo độc thần và là vật cỡi của Đức Phật trong cuộc ra đi vĩ đại (11).

Chính vì ẩn nghĩa thiêng liêng đó, Bạch mã đã được tôn làm thần từ đời Lý, đời Lê và Bạch mã Thái giám được nhà Nguyễn phong làm thượng đẳng thần: Dương uy Ngự vũ Bảo chướng kiện thuận Hòa nhu Hàm quang thượng đẳng thần.

Huỳnh Ngọc Trảng

..........................................

Chú thích:

(1)  Cao Huy Đỉnh, Người anh hùng làng Gióng. Nxb KH-XH, H., 1969, tr.30-52.

(2)  Cao Huy Đỉnh, sđd, tr.38.

(3)  Lê Huy Trâm - Hoàng Anh Nhân: Lễ hội, lễ tục truyền thống xứ Thanh. Nxb Văn Hóa Dân Tộc, H., 2001, tr.397-435.

        - Vũ Ngọc Khánh: Đạo thánh ở Việt Nam. Nxb VHTT, 2001, tr.324-343.

(4)  Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh. Bản dịch của Trịnh Đình Rư. Nxb Văn Học, H., 1972, tr.136-138.

(5)  Triều Ân: Truyện cổ dân tộc Tày. 2009. (Bản thảo). Dẫn từ Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số. Tập 16, Nxb KH-XH, H., 2009, tr.926-932.

(6)  Lý Tế Xuyên, sđd, tr.52-54.

(7) Theo Ninh Viết Giao: Tục thờ thần và thần tích Nghệ An. Nxb.Nghệ An, Vinh, 2000, tr.612-617; Về văn hóa xứ Nghệ. Nxb Nghệ An, Vinh, 2003, tr. 304-306.

(8)  Nguyễn Tú: Văn hóa dân gian Quảng Bình. Tập III. Nxb Đại Học Quốc Gia, H., 2010, tr.74-76.

(9)  Nguyễn Tú, sđd, tr.85.

(10) Xem thêm: Tạ Chí Đại Trường: Thần, người, và đất Việt. Tạp chí Văn Học xb, USA, 2000, tr.244-245.

(11)  J. Chevalier & A Gheerbrant: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư và các dịch giả. Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.654-664.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày