GN - Năm nay kỷ niệm tròn 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân - tròn nửa thế kỷ phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam chống sự kỳ thị, độc tôn tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm.
Khắp nơi trong cả nước, từ Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh, nổi bật nhất là Khánh Hòa - quê hương của Bồ-tát đã có nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa tưởng niệm về Ngài, hướng đến chư Thánh tử đạo đã hy sinh tánh mạng để bảo tồn Chánh pháp trong biến cố pháp nạn 50 năm trước tại miền Nam nước ta.
Tại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, HT.Thích Trí Quảng, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM trao tôn tượng của Bồ-tát tới ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - Ảnh: B.Toàn
Tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức, bậc Thượng sĩ đã dùng thân mình làm ngọn đuốc soi sáng lương tri, thức tỉnh cái ác, cũng chính là dịp để người Phật tử suy nghiệm về biến cố Pháp nạn 1963, về lịch sử Phật giáo, phương thức tranh đấu bất bạo động với động cơ kết hợp hai đặc tính cơ bản của đạo Phật là từ bi và vô úy.
“Bất bạo động”, tiếng Sanskrit là ahimsa, nghĩa là chống lại ý muốn làm hại, khước từ ý muốn bạo lực có sẵn trong con người, xúi giục con người loại trừ kẻ khác. “Bất bạo động trong ý nghĩa hoàn hảo nhất là sự vắng mặt hoàn toàn của ý muốn làm hại đối với tất cả mọi sinh vật”, “Bất bạo động là lòng nhân từ đối với tất cả mọi sinh vật” (Gandhi). Căn bản của ahimsa được xây dựng bằng tình thương. Đó là một thái độ, một cái nhìn nhân ái đối với người khác, cả đối với kẻ hãm hại mình.
Ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân là ngọn lửa của từ bi và vô úy, kết tinh thành Trái tim bất diệt đốt không cháy, đầy tình thương, không mảy may oán hận, không một chút giận dữ hay vướng bận. Trong “Lời nguyện tâm quyết” - được xem như di chúc của Ngài trước lúc vị pháp thiêu thân, Bồ-tát đã không quên có lời cầu nguyện cho Tổng thống Ngô Đình Diệm lấy tâm bác ái từ bi đối xử với quốc dân, cầu cho đất nước hòa bình, nhân dân an lạc.
Ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức đã trở thành biểu tượng cho cả phong trào tranh đấu của Phật giáo; Trái tim bất diệt đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là bảo vật không chỉ của Phật giáo mà của cả dân tộc, của thế giới. Bảo vật thiêng liêng ấy cần được gìn giữ, để giữ lòng tin về những giá trị cao đẹp ở đời, rất cần thiết cho việc xây dựng đời sống thăng bằng, hài hòa và phát triển vững chãi.
Trong Lời tưởng niệm của GHPGVN nhân 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân và chư Thánh tử đạo, đã nhấn mạnh rằng thế hệ hôm nay được được sống và hưởng thụ những thành công tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam hơn 5 thập niên qua, chúng ta cần ý thức về lịch sử để từ đó có những đóng góp xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, GHPGVN trang nghiêm và vững mạnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Chiêm nghiệm lại lịch sử để chánh kiến càng thêm kiên cố, để niềm tin về giáo lý Phật đà trở nên sâu sắc hơn, từ đó ứng dụng vào trong đời sống, trở thành những ứng xử hàng ngày một cách tự nhiên, đó là một trong những ý nghĩa của việc kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, tưởng niệm chư Thánh tử đạo, xứng đáng kế thừa chư vị tiền nhân đã hy sinh vì sự nghiệp bảo toàn đạo pháp, kế thừa truyền thống Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, khiêm tốn và khoan dung.