Suy nghiệm lời Phật: Cày ruộng & gieo hạt

GN - Ngày nay, người xuất gia chỉ nương chiếc áo của Phật, ở trong nhà của Phật thôi, dẫu chưa làm được việc gì nhiều cho bản thân cũng như cuộc đời mà đã có đủ cơm ăn, áo mặc và các phương tiện sống tối thiểu. Nhưng Đức Phật ngày xưa thì không như vậy, trên bước đường khất thực lắm khi cũng gặp gian truân. Vì một bộ phận người đời xưa nay thường nghĩ rằng tu hành là ăn bám, lười biếng, gánh nặng cho xã hội.

cungduong 1.jpg


Cúng dường Đức Phật - Tranh PGNN

“Một thời, Đức Phật từ Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến trụ trong rừng Nhất-na-la, tại tụ lạc Nhất-na-la. Bấy giờ Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào tụ lạc Nhất-na-la khất thực. Rồi Thế Tôn nghĩ: ‘Nay trời còn quá sớm. Giờ Ta hãy đi đến chỗ phân phát ẩm thực của Bà-la-môn làm ruộng là Bà-la-đậu-bà-giá’. Bà-la-môn chuẩn bị đủ năm trăm cái cày, đang phân phát ẩm thực. Từ xa Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá nhìn thấy Đức Thế Tôn, bèn thưa rằng:

- Bạch Cù-đàm, nay tôi cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực. Vậy, Sa-môn Cù-đàm cũng nên cày ruộng gieo giống để cung cấp lương thực!

Phật bảo Bà-la-môn:

- Ta cũng cày ruộng gieo giống, để cung cấp lương thực.

Bà-la-môn bạch Phật:

- Tôi không thấy Sa-môn Cù-đàm sắm cái cày, cái ách, dây buộc, cái bừa, hay cái roi, mà nay Cù-đàm lại nói: Ta cũng cày ruộng, gieo giống, để cung cấp lương thực!

Lúc ấy, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá liền nói kệ rằng:

Người tự nói cày ruộng/ Mà không thấy cái cày/ Lại bảo tôi cày ruộng/ Xin cho biết phép cày.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ đáp lại rằng:

Tín tâm là hạt giống/ Khổ hạnh mưa đúng mùa/ Trí tuệ là cày, ách/ Tàm quý là cán cày/ Tự gìn giữ chánh niệm/ Là người giỏi chế ngự/ Giữ kín nghiệp thân, miệng/ Như thực phẩm trong kho/ Chân thật là xe tốt/ Sống vui không biếng nhác/ Tinh tấn không bỏ hoang/ An ổn mà tiến nhanh/ Thẳng đến không trở lại/ Đến được chỗ không lo/ Người cày ruộng như vậy/ Chứng đắc quả Niết-bàn/ Người cày ruộng như vậy/ Không tái sinh các hữu.

 Bấy giờ, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá bạch Phật rằng:

- Cù-đàm rất giỏi cày ruộng! Cù-đàm cày ruộng thật hay!

Rồi thì, sau khi nghe Đức Thế Tôn nói kệ, tín tâm đối với ông càng tăng, Bà-la-môn  cày  ruộng  Bà-la-đậu-bà-giá đem dâng cúng Phật một bát đầy đồ ăn thức uống thơm ngon. Đức Thế Tôn không nhận, vì có được là do nói bài kệ. Ngài bèn nói kệ rằng:

Không vì việc nói pháp/ Nhận ăn thức ăn này/ Chỉ vì lợi ích người/ Nói pháp không thọ thực”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 98 [trích])

Thế Tôn đã khẳng định, Ngài và các đệ tử xuất gia cũng ‘cày ruộng và gieo hạt’, có làm rồi xin ăn chứ không hề ăn bám xã hội. Quả đúng như vậy! Đây cũng là cơ sở để xác quyết rằng, nếu mặc áo Phật, ở nhà Phật mà không siêng năng, vận dụng trí tuệ cày xới mảnh đất tâm để gieo hạt chánh niệm tỉnh thức nhằm gặt hái giải thoát, Niết-bàn để lợi đạo ích đời thì không xứng đáng được nhận thí và cũng không phải là ruộng phước tốt cho chúng sinh gieo trồng.

Mặt khác, pháp thoại này Thế Tôn cũng xác định, nói pháp là vì ‘khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật’ cho chúng sinh chứ không vì lợi dưỡng hay cung kính. ‘Không vì việc nói pháp/ Nhận ăn thức ăn này’ nên ngày nay chúng ta cúng dường pháp sư để hộ trì Tam bảo, cầu phước thì được, còn các hình thức và tâm niệm khác như ‘tạ lễ’ pháp sư thì không nên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày