Tạ ơn người, tạ ơn đời

Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người,tạ ơn đời… (Trịnh Công Sơn)

Với chủ đề “Lạy tạ”, phòng tranh của họa sĩ - nhà thơ Lê Ký Thương mới đây tràn ngập một tình cảm biết ơn. Biết ơn nhật nguyệt mỗi ngày soi chiếu. Biết ơn chiếc lá khô “chết vui cho cành nảy lộc”. Biết ơn con bù nhìn canh lúa trên đồng vàng. Biết ơn chiếc chổi tre làm sáng bừng tâm thức.

taon-1.jpg

Vô ơn là nguồn gốc của mọi tội lỗi trên đời này. Đứa con bất hiếu vì vô ơn. Người học trò bất nghĩa vì vô ơn. Người cán bộ tham nhũng vì vô ơn với những người đã đào hầm cưu mang mình những năm đen tối.

Kêu gọi tạ ơn là kêu gọi phản tỉnh, là khơi gợi tính thiện của con người.

Sống trên đời là mang nợ, nợ hình hài, nợ áo cơm, nợ kiến thức. Dẫu anh giận hờn ai mà từ bỏ xã hội này ra đi làm kiếp Robinson trên hoang đảo, anh vẫn mang theo tấm vải che thân mà đồng loại đã dệt cho anh. Dẫu trên đảo hoang, anh vất bỏ cả áo quần để chỉ đóng khố bằng lá khô và vỏ cây, anh vẫn cần cái bật lửa hay một que diêm để nhóm bếp sưởi ấm và nướng thịt thú rừng. Dẫu anh vất luôn hộp diêm và bật lửa mà chỉ cần ghè hai hòn đá để làm ra lửa, thì điều đó chính là nhân loại dạy cho anh, đâu phải tự anh nghĩ ra được.

taon-2.jpg

Một số tộc người có tập quán rất đẹp: trong ngày hợp hôn, hai người nam nữ chắp tay vái lạy cha mẹ rồi vái lạy người phối ngẫu để tạ ơn nhau. Tạ ơn anh, tạ ơn em đã cho mình hạnh phúc này. Tạ ơn cha mẹ đã ban phát hình hài này để bây giờ mình thuộc về nhau. Tạ ơn trời đất đã se duyên cho mình gặp nhau đây dưới một mái nhà trên đường đời vạn dặm.

Phải chăng ta đang chứng kiến một phần nhân loại vô ơn? Vô ơn nên mới phát thải khí nhà kính vào thiên nhiên một cách vô tội vạ. Vô ơn nên mới ngăn dòng chảy của sông ngòi làm thủy điện khiến nguồn cá bị cạn kiệt. Vô ơn nên mới chặt phá cây rừng bỏ vương vãi và trôi bạt ngàn khi mùa lũ đến.

taon-3.jpg

Lạy tạ là một cách đi ra khỏi con người tự kỷ của mình, là hướng đến tha nhân và tạo vật. Nhưng đi xa mà cũng là về gần; qua phút cúi đầu lạy tạ, ta như bừng tỉnh về sự hiện hữu của chính mình, ý thức trọn vẹn về thân phận, số kiếp và ý nghĩa của đời sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Lê Ký Thương cảm xúc sâu sắc về câu chuyện của  họa sĩ - thiền sư Hakuin Ekaku (1686-1768), một trong ba trụ cột của Thiền học Nhật Bản: “Một hôm Hakuin Ekaku đi khất thực, đến trước một căn nhà, không nghe tiếng quát tháo xua đuổi từ bên trong vọng ra, vì tâm ý đang ngập tràn chuyện sống chết của một kiếp người. Người chủ ngôi nhà là một bà lão, thấy sư cứ đứng lì một chỗ như trời trồng, bèn lấy cây chổi tre đánh vào đầu sư. Sư bất tỉnh. Và khi sư tỉnh dậy thì tất cả các công án Thiền đã hành hạ tâm ý sư lâu nay bỗng bừng sáng. Sư vui mừng hét lên vì đã ngộ”.

Du khách đến thăm đất nước Triệu Voi có những phút giây lắng đọng khi chiêm ngưỡng, trên một đường phố thanh bình buổi sáng tinh mơ, những người dân lặng lẽ chờ sẵn để cúng dường cho đoàn sư khất thực chân trần chầm chậm bước qua. Cúng dường đâu phải chỉ là cho, cúng dường cũng chính là nhận, nhận những hạt giống thiện của lòng biết ơn gieo xuống tâm thức mình.Như những hạt mầm rồi sẽ mọc lên cây xanh trong mùa xuân đang tới.         

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày