Tâm đạo nhiệt thành của một nhạc sĩ - Phật tử

GN - Một nhạc sĩ mà khi nhắc đến ai cũng bảo “Điều mến mộ thu hút nhất là phong cách đạo tâm thuần thành của một cư sĩ Phật tử”, đó chính là nhạc sĩ Uy Thi Ca. Lần đầu tiên người viết gặp ông tại tư gia đầu mùa Phật đản năm nay, cũng là lần đầu tiên được nghe ông chia sẻ về công việc và về những bén duyên đến với Phật pháp của mình.
uythica (1).jpg
Nhạc sĩ Uy Thi Ca với tập Về nguồn tái bản gần đây - Ảnh: Như Danh

Nhân duyên đến với âm nhạc Phật giáo

Nhạc sĩ Uy Thi Ca, tên thật là Phùng Quất San, pháp danh Từ Lược, sinh ngày 6-6-1938 tại Sài Gòn. Có duyên biết đến đạo Phật từ một quyển sách tặng của người bạn ở thời trung học nhưng mãi sau này, khi công việc đã ổn định ông mới có điều kiện để tìm hiểu lời Phật và thực hành tu tập.

Vốn sinh ra trong một gia đình không khá giả nhưng rất ham học, ông tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm, chuyên khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Vũ Lung Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân Luật và cử nhân Anh văn, vừa đi dạy học vừa sáng tác nhạc.

Nhớ lại một kỷ niệm cũ nhiều năm trước, ông hào hứng kể về nhân duyên âm nhạc Phật giáo với Tiếng chuông từ bi (1981), ca khúc đầu tiên về Phật giáo trong sự nghiệp sáng tác của ông đã được giới thiệu trên Báo Giác Ngộ. Và như khơi nguồn đúng dòng chảy, từ đó đến nay ông chỉ sáng tác nhạc Phật giáo, bên cạnh những ca khúc cảm hứng về quê hương đất nước.

Sau khi Tiếng chuông từ bi ra mắt, cư sĩ Tống Hồ Cầm, lúc đó là Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ có lời ngợi khen “bài này mình góp phần hoằng pháp và kêu gọi mọi người thức tỉnh và tạo các nghiệp tốt”. Từ những lời khích lệ ấy, ông có thêm tâm lực, tiếp tục phổ nhạc bài Umdambara, thơ Tống Anh Nghị. Ca khúc sau đó cũng được giải đặc biệt tại Hội diễn Văn nghệ Phật giáo năm 1989.

Là một Phật tử thuần thành nên sáng tác của ông hướng đến nhiều đối tượng Phật tử, ông nghĩ “một bài hát mà được yêu thích thì phục vụ nhiều đối tượng lắm, như người lớn tuổi họ nghĩ đến tu tâm dưỡng tánh, ăn chay niệm Phật thì bài hát mình hướng đến là thờ cúng và cầu nguyện. Còn giới trẻ thì hướng về sinh hoạt lành mạnh”.

Vì thế, ông có định hướng rất rõ khi sáng tác, ông bảo “Ca từ phải nêu bật được tính triết học và tâm thái của người Phật tử đúng đắn, chứ không nói một cách mơ hồ. Nhưng ca từ chính xác không thì chưa đủ, mà quan trọng khi đã nói ca nhạc thì nhạc đó phải gây sự xúc động, với nhịp điệu tiết tấu tạo cảm hứng cho người nghe”, ông tâm huyết chia sẻ.

Với hơn 200 ca khúc ông sáng tác hay phổ thơ cũng theo tâm hướng đó. Bài Chiều xuân nhớ thầy, Lời nguyện đêm nay… chuyển tải tâm nguyện của người Phật tử tinh tấn học đạo, sửa mình và đầy tự tín, hạnh phúc trên con đường lý tưởng mà mình đang theo. Đặc biệt bài hát Chào mừng Đại lễ Tam hợp, ý thơ cố HT.Thích Đạt Đạo, được ông sáng tác năm 2008 nhân Đại lễ Vesak tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. “Ca ngợi ngày Đản sanh, Thành đạo, Nhập diệt của Đức Phật. Nói lên niềm hân hoan của cả thế giới, về vị Thầy đã đem lại giáo lý cao thượng cho mọi con người trên thế gian. Mong tất cả mọi người trên thế giới đều chung sức kết đoàn đem lòng từ bi để xây dựng nền hòa bình trên hành tinh này”, ông chia sẻ.

Nhạc sĩ Giác An đã từng nhận xét về nhạc của ông: “Rất sinh động, phong phú về giai điệu, tiết tấu. Rất gợi cảm và chuẩn xác về ca từ và thật đầy đủ ý nghĩa trong phần nội dung. Còn những thi phẩm phổ nhạc thì thật mượt mà, duyên dáng, trong đó thơ và nhạc hòa quyện với nhau tạo thành sức lôi cuốn mạnh mẽ và tự nhiên”.

Hạnh phúc trong giáo pháp 

 “Dù đã đến 76 tuổi rồi, nhưng tâm hồn mình thấy rất trẻ trung, vì được đóng góp một phần nhỏ của mình cho sự phát triển của Phật giáo nên thấy vui”, nhạc sĩ Uy Thi Ca tâm sự.

Ông chia sẻ thêm về niềm hạnh phúc của mình: “Nhờ Phật pháp tôi sống trong tỉnh thức và có một định hướng rõ ràng trong sáng tác. Nghĩa là mình cố gắng “như thị tri kiến” trong mọi trường hợp. Sẽ cố gắng hết mình để cống hiến”.

Sống là chia sẻ, là từ bi trí tuệ, nên hiện tại ngoài sáng tác nhạc, rảnh rỗi thì ông đi làm từ thiện cùng với người bạn đời của mình, tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn mà Báo Giác Ngộ làm cầu nối với độc giả.

“Hiện tại tôi thấy mình hạnh phúc vì cả hai vợ chồng cùng nhìn về một hướng của Phật pháp, cùng tu tập và sinh hoạt các hoạt động Phật giáo, giúp nâng cao đời sống tâm hồn của mình, thấy an lạc và thảnh thơi”. Ông bộc bạch triết lý sống của mình: “Làm sao hài hòa mọi việc, chân thành chia sẻ, không có vướng mắc, mọi sự rất rõ ràng, thông thoáng”.

Chia tay ông ra về trong niềm hoan hỷ, người viết được học ở ông nhiều điều về cuộc sống từ một người nhạc sĩ Phật tử, về sự thực tập, ứng dụng một cách chuyên nhất những lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống hàng ngày giữa cuộc đời đầy nhiễu nhương này. Và người viết cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc tỏa ra nơi ông - một người cư sĩ Phật tử thuần thành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày