Tắm Phật hay tắm ta?

GN - Tôi vừa tham dự một chương trình thi thuyết trình của Tăng Ni sinh ở một trường trung cấp Phật học về đề tài Phật đản. Tôi rất thích thú vì các Tăng Ni sinh không chỉ tự tin mà còn có kiến thức Phật pháp khá sâu sắc.

Tuy nhiên, khi phân tích ý nghĩa tắm Phật, các thí sinh đều đi sâu vào khai thác khía cạnh triết lý hơn là khía cạnh hiện thực của vấn đề.

tamphat.jpg


Lễ tắm Phật theo truyền thống Phật giáo VN tại Hàn Quốc trong mùa Phật đản PL.2562

Các Tăng Ni sinh cho rằng tắm Phật ở đây không phải là tắm Đức Phật sơ sinh vì “Đức Phật đâu có dơ đâu mà tắm”, mà chính là quay lại tắm chính bản thân chúng ta. Nghĩa là gột rửa những tham sân si của mình, “không chỉ tắm một năm một lần mà phải tắm liên tục mỗi ngày, từng giây từng phút, đã tắm rồi lại tắm cho đến khi nào hết phiền não mà thôi”. Cách trình bày ý nghĩa tắm Phật như thế thì thật là sâu sắc, ít nhất là đối với một người đang học trung cấp Phật học.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như ngoài cách hiểu theo khía cạnh “lý” này ra, còn có những trình bày ở khía cạnh “sự” của vấn đề bởi những thí sinh khác. Điều “đáng ngại” là không có thí sinh nào thấy tắm Phật là tắm Phật mà chỉ thấy tắm Phật là tắm mình. Nói đáng ngại là bởi vì nếu chỉ thấy tắm mình thì chúng ta sẽ quên đi Đức Phật thật bên ngoài, quên đi công hạnh của Ngài và do đó cũng sẽ không nhớ đến sự tri ân của chúng ta đối với Đấng Cha lành trong ngày Phật đản trọng đại thiêng liêng này.

Theo kinh điển ghi lại thì sau khi Thái tử Tất-đạt-đa vừa mới đản sinh thì có chín con rồng đến phun hai dòng nước ấm và lạnh để rửa sạch thân thể cho Ngài. Ngày nay chúng ta làm lễ Tắm Phật chính là tái hiện lại sự kiện ấy. Thay vì rồng phun nước thì ta múc từng gáo nước sạch và thơm lên Đức Phật sơ sinh để ôn lại sự kiện ra đời của một bậc vĩ nhân của nhân loại. Chúng ta làm việc đó một cách thành kính, với sự hồi tưởng và biết ơn sâu sắc đối với người đã tìm ra ánh sáng chân lý, tìm ra con đường thoát khỏi sanh tử luân hồi, khỏi tam ác đạo, khỏi khổ đau do sự che đậy của vô minh. Đây là dịp để ta hiểu thêm về cuộc đời Đức Phật, về trí huệ và lòng từ bi của Ngài, về những hạnh Bồ-tát mà Ngài đã làm, đã hy sinh cho hạnh phúc của tha nhân.

Đức Phật được tôn xưng bằng nhiều danh hiệu khác nhau như Đại y vương, Đạo sư, Thế Tôn… Để có được kết quả đó, Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tìm tòi con đường giải thoát. Ngày nay, khi chúng ta bị nhức đầu, chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng là có thuốc để uống. Nhưng chúng ta có biết rằng, để tạo ra được viên thuốc tưởng chừng đơn giản ấy, các nhà khoa học đã tìm tòi nghiên cứu, thí nghiệm không biết bao lâu. Cũng vậy, để có những phương pháp tu tưởng chừng đơn giản như Ngũ giới, Thập thiện..., Đức Phật đã không biết bao nhiêu kiếp mới nhận ra được con đường an lành đó. Ân đức của Đức Phật đối với chúng sinh rộng lớn không biết bao nhiêu mà kể.

Tôi không nói rằng cách hiểu và trình bày như của các Tăng Ni thí sinh trong cuộc thi ấy là sai mà tôi chỉ muốn nói rằng, làm lễ Tắm Phật là để tắm cho Đức Phật (chứ không phải chỉ để tắm cho mình). Đó là ý nghĩa căn bản và trước tiên. Một số người có khuynh hướng cái gì cũng nói theo “lý” mà phủ nhận hiện thực. Đức Phật hiện thực bên ngoài với những công hạnh vĩ đại là tấm gương, là động lực lớn lao để ta ngưỡng mộ, học tập và noi theo. Nếu không bám vào hiện thực thì coi chừng mình là kẻ vong ơn mà không biết.

Cho nên thay vì chỉ biết tắm cho mình, ta nên tắm cho Đức Phật trước tiên, rồi nhân tắm Phật, nhớ Phật, tri ân Phật, chúng ta nhìn lại mình và phát nguyện sống và tu như thế nào để xứng đáng là những người con của Phật. Hiểu như vậy thì lễ Tắm Phật sẽ đầy đủ ý nghĩa hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày