Tâm tình người đổ rác

Tâm tình người đổ rác

GN - Trong những lần họp tổ dân phố, tôi nghe rất nhiều người phàn nàn về việc đổ rác chậm và tiền phí thì có vẻ như đang tăng dần lên. Mọi người đua nhau ra ý kiến, cụ thể như ngày nào cũng phải đổ rác nếu không sẽ hôi thối không chịu được, và phải giữ mức thu phí khoảng 30.000 đồng một tháng, không được tăng…

Các ý kiến liên quan đến rác nhằm xây dựng khu phố sạch đẹp đều có lý. Tuy nhiên trong một dịp đóng tiền trễ, tình cờ tôi biết được tâm sự của người đổ rác, khi ấy tôi mới cảm nhận mình đã quá vô tâm đến hoàn cảnh người khác.

Hôm ấy, tôi chạy theo chiếc xe đổ rác, cũng may là người lái xe rác dừng lại.

- Cho cháu đóng tiền rác tháng này ạ!

Và cũng không quên hỏi:

- Sao hôm nay chỉ có một mình bác gái đi làm mà không có ai phụ?

Như được mở lòng, bác ấy kể:

- Khổ lắm con ơi, ông chồng thì bị xuất huyết dạ dày nằm ở nhà, nhỏ con gái đang mang bầu không có ai chăm nên chồng nó ở nhà chăm, thằng con lớn thì bị té cũng ở nhà luôn, không có ai phụ nên tôi vừa thu tiền vừa đổ rác, lâu quá chừng.

Những lời nói mộc mạc đó không khỏi làm cho tôi bùi ngùi xúc động. Bác ấy hơn mẹ tôi chừng vài tuổi, thân thể gầy còm mà vẫn phải một mình chạy xe đi đổ rác cho từng nhà, thậm chí không nhận được ánh mắt thân thiện của người “thải rác”. 

Đã gọi là rác thì phải ô nhiễm, hễ nhìn thấy thứ gì dơ bẩn thì người ta sẽ tránh xa. Thế nhưng, ngày ngày những người đổ rác vẫn phải tiếp xúc với đủ loại rác thải để làm sạch cho khu phố và cả xã hội cộng đồng.

Tôi thường chiêm nghiệm về lời dạy: “Muốn thương người khác thì phải hiểu họ”. Thấy được nỗi khổ của họ mình mới thương được. Rất nhiều người có thói quen tốt như phân loại rác hữu cơ và vô cơ, xếp gọn những thứ rác thải vào một góc để không làm mất mỹ quan và làm mất thời gian của người đổ rác. Những việc làm nhỏ nhặt ấy đều là những bài giảng về “hiểu và thương” không lời mà chúng ta đang tìm cách trao truyền cho những người chung quanh.

Ai cũng muốn bản thân mình được mọi người tôn trọng và cảm thông với nghề mà mình đang làm. Khi nghe mọi người phàn nàn về việc thu phí rác hơi cao, khoảng 30.000 đồng/tháng thì có ai tự hỏi như vậy có hẹp cho những người đổ rác cực nhọc, độc hại hay không? Trong khi chỉ một lần gửi xe máy chúng ta cũng đã tốn từ 3 đến 5 ngàn đồng (có nơi, có lúc lên đến 10 ngàn đồng/chiếc) mà không ai có ý kiến gì cả. Nếu chúng ta chịu khó giữ gìn vệ sinh, gói ghém và xếp đặt bao rác cẩn thận hơn thì dẫu rác có được đổ chậm hơn một chút (do những hoàn cảnh khách quan của người đổ rác) cũng không sao. Sự cảm thông đó ngoài việc thể hiện tinh thần quan tâm đến người khác còn là lòng biết ơn những người đã chấp nhận rác rưởi để làm sạch đẹp cho nơi ở của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày