Tăng cường hợp tác bảo tồn di sản

GN - Ngày nay, EFEO là một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Pháp với nhiệm vụ tìm hiểu về các nền văn minh cổ châu Á chủ yếu trên thực địa.

Nhiều đóng góp cho ngành khoa học xã hội Việt Nam

Năm 1922, vua Khải Định ra Chỉ dụ lập danh sách các công trình và di tích của An Nam, giao cho EFEO thực hiện. Cuốn sách đầu tiên về Danh mục tổng hợp xếp hạng các công trình lịch sử của Đông Dương được phát hành năm 1925 tuy còn nhiều khiếm khuyết nhưng cũng rất quan trọng đối với các di tích. Vào năm 1950, trên toàn bộ lãnh thổ Đông Dương có 1.256 công trình và di tích được EFEO xếp hạng, trong đó có 401 công trình kiến trúc cổ ở Việt Nam.

chu 2.jpg


Ngày nay, EFEO là một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Pháp
với nhiệm vụ tìm hiểu về các nền văn minh cổ châu Á - Ảnh: Chu Minh Khôi

Trong nửa cuối thế kỷ XX, EFEO không còn hoạt động tại Việt Nam, nhưng vẫn gìn giữ bộ lưu trữ ảnh của EFEO rất phong phú về mặt tư liệu (khảo cổ, kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử…). Hiện nay, bộ sưu tập của EFEO có 8 ngàn bức ảnh về Việt Nam, phần lớn trong đó là những bức ảnh chụp các ngôi chùa, đình và cuộc khai quật do EFEO tiến hành từ đầu thế kỷ XX. Nhiều bức ảnh là minh chứng cho tình trạng các công trình trong quá khứ mà hiện nay - do chiến tranh, thời gian - đã bị thay đổi, hủy hoại. Rất nhiều công trình giá trị mà ngày nay đã không còn như chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân, chùa Dạm… nhưng bộ ảnh cho chúng ta được nhìn thấy những ngôi chùa này trong quá khứ, nên sẽ vô cùng giá trị để phục vụ cho việc phục dựng sau này.

GS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nhận định: EFEO đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự hình thành một số ngành khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam.

Một là, tạo tiền đề và cơ sở khoa học cho sự hình thành một số ngành khoa học xã hội - nhân văn hiện đại ở Việt Nam, trong đó là khảo cổ học, dân tộc học, văn bản học, bảo tàng học. Bảo tàng Lịch sử Viêt Nam, trước đây gọi là Bảo tàng Louis Finot, chỉ là một trong nhiều bảo tàng được EFEO xây dựng trên đất nước Việt Nam. Cách thức tổ chức và quản lý các bảo tàng này của Viện EFEO đã đặt nền tảng cho sự ra đời ngành bảo tàng học của Việt Nam. Thư viện của EFEO được thành lập ở Hà Nội vào năm 1903 và đến 1944 đã tập trung được 80 ngàn cuốn sách, bao gồm cả các tác phẩm viết tay, trong đó một nửa là tài liệu với ngôn ngữ châu Âu.

Thứ hai là, EFEO góp phần thúc đẩy hiện đại hóa các ngành khoa học xã hội và nhân văn truyền thống: sử học, Hán - Nôm, văn hóa dân gian và phong tục tập quán, kiến trúc và điêu khắc cổ. Thứ ba, EFEO góp phần xây dựng một đội ngũ các nhà Việt Nam học quốc tế, chủ yếu là học giả Pháp; đồng thời tạo điều kiện đào tạo một thế hệ các nhà khoa học xã hội Việt Nam trong thế kỷ XX. Tiêu biểu như các nhà khoa học: Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Trần Hàm Tấn, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn… đến thế hệ những nhà khoa học đầu đàn được đào tạo và trưởng thành sau ngày hòa bình lập lại như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn…Đó là những thế hệ trí thức đã thu lượm và phát triển tinh hoa của nhiều nền khoa học và giáo dục lớn đương thời gồm Hán học, Pháp học… 

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Trước hết, tôi đánh giá cao đóng góp của Viện EFEO. Trong thời gian tồn tại của thời kỳ đầu, họ đã thu thập được trên quy mô toàn quốc những di sản rất quý của văn hóa Việt Nam. Họ đã nghiên cứu Việt Nam và phương Đông theo một phương pháp và lý luận hiện đại của phương Tây. Bằng các công trình nghiên cứu rất cụ thể, Viện này đã góp phần soi sáng văn hóa va lịch sử Việt Nam”.

Nối lại sợi dây, tăng cường hợp tác

Ngày nay, EFEO là một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Pháp với nhiệm vụ tìm hiểu về các nền văn minh cổ châu Á chủ yếu trên thực địa. Lĩnh vực nghiên cứu của EFEO trải dài từ Ấn Độ cho tới Trung Hoa và Nhật Bản, bao trùm toàn bộ Đông Nam Á. EFEO đã phát triển 17 trung tâm và chi nhánh tại 12 quốc gia, tập hợp các nhà khoa học địa phương và quốc tế, giúp EFEO tiến hành các nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử, tôn giáo, chữ viết, các công trình kiến trúc cổ ...

Tại nước ta, từ cuối những năm 1980, chính sách mở cửa với quốc tế của Việt Nam đã giúp nối lại sợi dây hợp tác khoa học. Thỏa thuận hợp tác chính thức ký kết vào tháng 2 năm 1993, và suốt hơn 20 năm qua EFEO đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM...

Giai đoạn 1995-1999, EFEO đã tiến hành nghiên cứu xã hội nông thôn Việt Nam, thông qua một dự án quy mô mang tên Chương trình làng xã. Đồng thời, nghiên cứu nhân học và sử học về những mối quan hệ nhà nước - nông thôn ở Bắc Bộ, được giải mã qua lăng kính thủy lợi thế kỷ XIII-XX, phác thảo chân dung một xã hội gắn liền với nước. Cùng với Viện Hán Nôm, EFEO tiến hành dự án kiểm kê và công bố những tài liệu văn khắc trên các bia đá ở Việt Nam. EFEO cũng tham gia giám định hoàng thành Thăng Long, nghiên cứu về các nhóm dân tộc phía Bắc, lịch sử các triều đại Đại Việt và tiếp tục chương trình khảo cổ Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long. 

Từ năm 2005, EFEO đã hợp tác với Sở Văn hóa tỉnh Lào Cai nghiên cứu Bãi đá khắc cổ Sa Pa, với các công việc tham chiếu, in rập, thu thập và nghiên cứu đá khắc. Từ đó lập một bảng tổng hợp toàn bộ các dạng nét khắc văn tự cổ trên đá của Sa Pa, đến năm 2012 đã xuất bản cuốn sách giới thiệu các bản rập này.

Những năm gần đây, EFEO cũng hợp tác với Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM để trùng tu và tôn tạo những bộ sưu tập điêu khắc của văn hóa Chăm-pa và của vùng châu thổ sông Cửu Long. Từ việc thiết lập bộ Tổng tập văn khắc “Dữ liệu văn khắc của Chăm-pa ở Trung Bộ” mới thu thập được gần đây, các nhà nghiên cứu của EFEO đã và đang dần làm sáng tỏ con đường tiếp biến văn tự từ chữ Phạn của Ấn Độ, thông qua con đường Phật giáo đã được tiếp biến và chuyển thành chữ viết của người Chăm tại Việt Nam như thế nào. Gần đây nhất, EFEO đã tâp trung vào các nghiên cứu mới về trường lũy Quảng Ngãi để hiểu hơn về tình trạng của trưởng thành nay trong quá khứ, cũng như mối quan hệ giữa các dân tộc Việt Nam.

Theo TS.Vũ Thị Minh Hương - Tổng Giám đốc Cục Văn thư lưu trữ, hợp tác khoa học giữa Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước Việt Nam và EFEO đã đạt được nhiều thành quả. Trung tâm EFEO ở Hà Nội đã thiết lập được một thư viện với 6 ngàn cuốn sách tiếng Việt, Pháp, Anh chủ yếu về lịch sử và nhân loại học Việt Nam cùng các quốc gia kế cận. Mới đây, Ban lãnh đạo Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước Việt Nam và EFEO đã ký kết một thỏa thuận hợp tác 4 năm (2014-2018), bao gồm nhiều lĩnh vực đa dạng trong nghiên cứu và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Ông Yves Goudineau, Tổng Giám đôc EFEO của nước Pháp khẳng định: “Viên EFEO xác định bảo tồn di sản tại Việt Nam là một trong những nôi dung quan trọng. Trong thời gian tới, Viện sẽ tăng cường hơp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày