Tăng Ni đông mà không nề nếp sẽ nguy cho Phật giáo...

GNO - Ba vị giáo phẩm chia sẻ hôm nay đều chung thao thức về việc quản lý Tăng Ni trẻ - phải làm sao cho thế hệ kế thừa phải đi vào thiền môn quy củ nhưng cũng biết tiếp thu những cái mới của thời đại...

  • HT.THÍCH MINH HIỀN, Trưởng BTS GHPGVN Q.3: Quan tâm đến đào tạo thế hệ kế thừa
nhudanh (2).jpg

Ảnh: Đăng Huy

Trong suốt 35 năm qua, GHPGVN đã kế thừa lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo có mặt ở đất nước Việt Nam, đã đáp ứng được nguyện vọng của Tăng Ni Phật tử và 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước thời kỳ đầu thành lập và đã thừa hành các Phật sự, thành lập được các cấp hành chánh Phật giáo 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng tôi nghĩ Giáo hội phải có một cơ chế để triển khai những chủ trương đường lối Giáo hội đi sâu vào lòng Tăng Ni, Phật tử và đặc biệt quan tâm đến Phật giáo vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương để phổ biến những giáo lý, lời dạy của Đức Phật.

Nên tăng cường trường đào tạo nội trú cho Tăng Ni để thật tu, thật học, thừa kế mạng mạch Phật giáo trong suốt 35 năm qua để phát triển Giáo hội. Tiếp tục phát huy thế mạnh đang có, quan tâm đào tạo thế hệ kế thừa của Giáo hội, có một chương trình đào tạo xuyên suốt, có đạo hạnh, uy tín và kiến thức kỹ năng hợp thời đại.

Hiện nay Giáo hội có 12 ban và 1 viện, chúng tôi nghĩ chư tôn đức phải đi sâu và quảng bá được hình ảnh Giáo hội, có một quy chuẩn để Tăng Ni trẻ đi vào khuôn khổ, làm mô phạm cho Phật tử, Tăng Ni.

Ban Tăng sự tăng cường việc quản lý Tăng Ni ở các cơ sở tự viện, đặc biệt là các vị trụ trì khi tiếp Tăng độ chúng cũng phải xem xét kỹ về lai lịch, quy định của Giáo hội, đồng thời phải nuôi dưỡng, dạy dỗ đệ tử đến nơi đến chốn.

  • HT.THÍCH NHẬT LANG, Trưởng BTS GHPGVN Q.Gò Vấp: Trụ trì phải có trách nhiệm hướng dẫn đệ tử tu học nghiêm túc
nhudanh (3).jpg

Ảnh: Như Danh

Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua 35 hình thànhchúng tôi thấy phát triển khá tốt tất cả các mặt. Nhưng bên cạnh đó, có những vấn đề chúng tôi rất trăn trở - là phải ổn định được Tăng Ni ở TP.HCM nói riêng và các tỉnh nói chung.

Để ổn định Tăng Ni tôi nghĩ các vị bổn sư của vị Tăng Ni đó phải dạy dỗ, uốn nắn đệ tử của mình theo đúng với quy định của Giáo hội và thiền môn quy củ của Phật giáo. Hiện giờ Tăng Ni đông, gấp 3 đến 4 lần so với trước giải phóng nhưng thật ra bị hỗn tạp, nhất là thành phần Tăng Ni trẻ.

Đề nghị Ban Tăng sự có một biện pháp để những vị khi muốn xuất gia phải có lý tưởng tốt đẹp, chứ hiện tại tôi thấy xuất gia ồ ạt. Tăng Ni đông rất tốt nhưng không có nề nếp ổn định thì nguy hiểm cho Phật giáo trong hiện tại và tương lai.

Bổn sư khi nhận đệ tử phải có trách nhiệm với đệ tử của mình, không phải nhận đó rồi bỏ đó đi đâu đi làm gì làm. Có việc gì xảy ra thì Giáo hội chịu trách nhiệm. Một vị tu sĩ ra đường phạm luật nhà nước, cũng như phạm giới luật nhà Phật thì trước tiên người ta đánh giá chung về Phật giáo, nhìn hình bóng tu sĩ người ta nghĩ ngay đến Phật giáo bê bối. Cho nên văn bản của Giáo hội nói rất đúng, trụ trì là người thay mặt Giáo hội quản lý Tăng Ni đệ tử, nhờ trụ trì mà tăng cường cho Giáo hội những Tăng Ni tốt, có trình độ, có giáo dục tốt…

Cho nên Phật giáo hưng thịnh không phải do chùa to Phật lớn, không phải do Tăng Ni đông, mà Phật giáo hưng thịnh là nhìn ở chỗ hàng ngũ lãnh đạo tu nghiêm túc.

  • TT.THÍCH QUẢNG TÁNH, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Củ Chi: Người làm thông tin truyền thông phải có kỹ năng
nhudanh (1).jpg

Ảnh: Như Danh

Hiện nay, người xuất gia có nhiều lứa tuổi khác nhau, người trung niên có, lão niên có và lớp trẻ - chúng ta đặc biệt phải quan tâm đến lớp trẻ xuất gia vì là lớp kế thừa của Phật giáo. Phải có những quy định về trình độ thế học và Phật học vì sau này là người hướng dẫn lãnh đạo tinh thần cho Phật tử tu học, mà trình độ không có thì là một trở ngại, đó là về bên ngoài còn cốt lõi là đạo phong, đạo hạnh, tư cách thể hiện được là bậc “xuất trần thượng sĩ”, không giống nhiều thì cũng phải giống ít.

Đi ngoài đường thấy nhiều vị tu sĩ chở người nữ, dù là mẹ, chị hoặc em của mình - tôi nghĩ cũng không nên.

Còn với chư Tăng Ni phụ trách Hướng dẫn Phật tử tôi nghĩ thân giáo phải trang nghiêm, phải là người mô phạm, biểu trưng để Phật tử noi theo mà tu học. Trong phạm vi các chùa nếu đủ điều kiện nên thành lập Gia đình Phật tử, khi giảng pháp thì Phật tử về chung một trú xứ cùng nghe pháp để thể hiện sự đoàn kết tu học với nhau.

Ở ngoài miền Trung, Gia đình Phật tử phát triển mạnh, ở đây ít Gia đình Phật tử là một thiếu sót. Và nên có những lớp gia giáo để hướng dẫn Phật tử tu học.

Đối với người làm mảng Thông tin - Truyền thông phải có kỹ năng về viết lách, về công nghệ, tốt nghiệp cử nhân, biết xử lý khủng hoảng truyền thông, am tường về Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự, phải có trình độ về Phật học, biết rõ về đường lối chủ trương của nhà nước. 

Việc trẻ hóa nhân sự là tốt nhưng quan trọng cần có chất và lượng đi cùng, đó là chư Tăng trẻ phải có đạo phong, đạo hạnh, uy đức. Thường thì những người trẻ rất giỏi, nhưng khi lãnh đạo mà không có những vị lớn hỗ trợ thì sẽ quản lý không khéo.

Nhã An ghi

* Cùng bạn đọc:

Từ ngày 26-10, Giác Ngộ online mong muốn được đón nhận những gửi gắm của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc tới GHPGVN nhân kỷ niệm 35 năm thành lập (1981-2016). Những gửi gắm để Giáo hội kiện toàn hoạt động sắp tới, những mong mỏi, trăn trở với những hoạt động đã qua xin hoan hỷ gửi về: baogiacngo@yahoo.com. Trân trọng đón chào!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày