Trong cơn đại dịch bùng phát lần thứ tư này, TP.HCM có số ca nhiễm bệnh cao nhất. Tuy nhiên, mặc dù Tăng Ni ở thành phố này rất đông, nhưng thực tế cho thấy phần lớn giới tu sĩ nhờ có Chánh niệm nên ít người bị nhiễm bệnh dịch Covid, hoặc có nhiễm bệnh nhưng cũng tự chữa lành được. Ngoại trừ một số ít người chưa có lực tập trung mạnh, chưa tạo được năng lượng tích cực của Chánh niệm, nên tâm còn tán loạn khiến cho dịch bệnh có cơ hội dễ dàng thâm nhập.
Thực tế cho thấy trong mùa đại dịch, những người tu hành sống trong Chánh niệm, tỉnh giác vẫn thể hiện rõ nét cuộc sống tĩnh lặng, bình yên, tự tại.
Dịch bệnh phát xuất từ nghiệp ác của con người mà tạo thành môi trường sống tệ hại. Theo Phật dạy, mọi việc tốt xấu đều phát xuất từ tâm con người. Nếu tâm chúng ta lo lắng, buồn phiền, sợ hãi là nguyên nhân tạo thành sự mất thăng bằng tâm lý sẽ làm cho thân vật chất bị ảnh hưởng xấu theo, như vậy là đã tạo điều kiện thuận lợi để cho siêu vi thâm nhập và phát triển.
Trước nhất, chúng ta biết rõ dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp từ người truyền sang người. Vì thế, chúng ta hạn chế tiếp xúc, không ra ngoài, thì siêu vi này không thể lây truyền qua mình được. Có thể coi thời kỳ dịch bệnh là cơ hội cho chúng ta ẩn tu để phát huy được năng lượng vĩnh hằng bất tử tồn tại trong tấm thân tứ đại vô thường của con người.
Và dĩ nhiên, đối mặt với sự vô thường là cái chết, Tăng Ni, Phật tử nhớ lời Phật dạy rằng sinh tử là việc bình thường, do đó chúng ta phải giữ tâm bình tĩnh, sáng suốt, tức sống với Chánh niệm. Nhờ vậy, chúng ta đã tạo được tâm vững chãi tác động cho thân khỏe mạnh theo, thì sẽ dễ dàng vượt qua dịch bệnh.
Thật vậy, tôi biết có người người đã nhiễm bệnh dịch, lại lớn tuổi, nhưng không dùng thuốc, chỉ sống cách ly và giữ Chánh niệm, chuyên đọc tụng kinh điển mà họ đã có lực đề kháng mạnh mẽ đẩy lùi được con siêu vi Covid một cách nhẹ nhàng. Trong khi người chưa bệnh, nhưng tâm lo lắng, hoảng sợ dịch bệnh đến mất bình tĩnh, hoang mang, buồn rầu khiến cho sức khỏe giảm sút, lực đề kháng trở nên yếu kém, mà lại tiếp xúc với hàng xóm để tâm sự làm họ bị lây nhiễm dịch bệnh dễ dàng.
Có thể nói nhờ Chánh niệm đã giúp không ít người vượt qua dịch bệnh. Về tâm bệnh, họ đã chữa lành được 50%, còn 50% thân bệnh thì chỉ cần uống thuốc đơn giản là dứt bệnh.
Trong mối tương quan tương duyên cộng tồn theo Phật dạy, để thực hiện hạnh Bồ-tát, người xuất gia và tại gia phải thể hiện sự hài hòa lợi mình ích người và làm tốt đẹp cho môi trường chung. Do đó, chư Tăng Ni và Phật tử ngoài sự hành trì theo pháp môn căn bản để giữ Chánh niệm, còn nên dấn thân hỗ trợ cộng đồng xã hội dưới nhiều hình thức tùy theo khả năng của mình. Đó là thiết thực thể hiện hạnh Bồ-tát: cho tặng sự bình tĩnh, vững tin, xoa dịu nỗi khổ niềm đau, đóng góp công sức, tiền của, những đồ dùng cần thiết trong cuộc sống.
Tôi mong Tăng Ni, Phật tử trong mùa đại dịch, hãy chuyển hóa nghịch duyên này trở thành phương tiện lợi lạc giúp chúng ta suy nghiệm miên mật yếu lý mà Phật dạy để ứng dụng được tốt đẹp trên bước đường tự hành hóa tha.
Thiết nghĩ giữ Chánh niệm, trụ Chánh định, chắc chắn được bình an cho chính mình, cho Bồ-đề quyến thuộc, cho mọi người gần xa.
Cầu nguyện cho nạn dịch đi qua mau, cuộc sống an lạc sớm trở lại với tất cả mọi người. Cùng cầu nguyện cho những người đã khuất vì dịch bệnh được sanh vào thế giới an lành.