Tăng Ni sinh du học tại Sri Lanka

GN - Nếu Ấn Độ, Nepal được biết đến như là quê hương, nơi hoằng hóa của Đức Phật thì Sri Lanka được xem là nơi lưu truyền, bảo tồn và gìn giữ di sản tâm linh của Phật pháp nói chung và Phật giáo Theravada nói riêng.

HOC O SRI LANKA (1).jpg

HT.Thích Minh Châu


Đất nước Phật giáo Nam truyền này hiện có số lượng Phật tử chiếm 70,1% dân số. Đây cũng là quốc gia Phật giáo thuần thành, người dân hiền lương, điềm đạm, xã hội trật tự đạo đức. Ngũ giới là nền tảng đạo đức căn bản của xã hội, được xem là chuẩn mực đạo đức cho con người noi theo. Sri Lanka giữ gìn rất tốt những truyền thống văn hóa Phật giáo tốt đẹp từ thời xa xưa cho đến tận bây giờ. Ngày Chủ nhật và ngày rằm (Poya) hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa để người dân đi chùa tu học, cúng dường, nghe Pháp. Phật tử cung kính, cúng dường, hộ trì chùa chiền và Tăng Ni tu học.

Những bước chân Việt Nam đầu tiên

Cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu có thể được xem là thế hệ du học sinh Phật pháp người Việt Nam đầu tiên đến Sri Lanka để học tập Pali và Phật học. Tiểu sử Hòa thượng ghi lại rằng: Do trong quá trình nghiên cứu Kinh - Luật - Luận Hán tạng, nhận thấy cách phiên âm các từ ngữ Pali, Sanskrit khác nhau, chưa có sự thống nhất khiến bản văn trở nên khó hiểu nên Hòa thượng xin phép bổn sư và Hội Phật học Trung phần cho phép mình sang Sri Lanka và Ấn Độ học về Kinh, Luật, Luận, Pali và Sanskrit để sau này về nước phục vụ việc nghiên cứu Phật học nước nhà. Vào năm 1952, được sự chấp thuận của Giáo hội và Hòa thượng bổn sư, Hòa thượng Thích Minh Châu xuất dương du học tại Sri Lanka. Thời gian đầu tại Kelaniya, Hòa thượng đã miệt mài học Pali và Anh văn; sau 3 năm chuyên cần học tập, năm 1955, Hòa thượng được Trường Đại học Tích Lan (Ceylon University) tặng bằng Pháp sư (Saddammcariya). Sau đó, Hòa thượng sang Ấn Độ và theo học tại Nava Nalanda Mahavihara thuộc Đại học Bihar (Ấn Độ).

Từ khoảng mười năm trở về trước, Sri Lanka vẫn còn khá mới mẻ và chưa được biết rộng rãi với nhiều người học Phật tại Việt Nam nhưng những năm gần đây, số lượng du học sinh Việt Nam đến đất nước này một đông hơn. Theo đó, trước năm 2010 có khoảng 5-10 du học sinh thì cho đến thời điểm hiện tại, số lượng Tăng Ni sinh và sinh viên Việt Nam học tại Sri Lanka đã vượt hơn 50 vị, con số này tăng lên sau mỗi năm. Hiện nay, Sri Lanka đã trở thành địa điểm du học Phật pháp được nhiều Tăng Ni sinh Việt Nam tin tưởng chọn lựa.

Hành trình gian nan học Phật

Như trên đã nói, theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, số lượng Tăng Ni du học sinh tại Sri Lanka vào khoảng trên dưới 50 người. Trong đó chiếm phần lớn là học viên cao học - thạc sĩ (khoảng 15 vị), phó tiến sĩ MPHIL (10 vị) và tiến sĩ (khoảng 10 vị), cử nhân BA khoảng dưới 15 vị, số còn lại là học Diploma các ngành Phật học, Pali, Sanskrit. Hầu hết du học sinh Việt Nam theo ngành Phật học, một số nhỏ học cổ ngữ và các ngành khác. Có khoảng 6 trường đại học lớn thu hút đông sinh viên Việt Nam theo học tại Sri Lanka, trong đó: 65% sinh viên học tại Trường Đại học Kelaniya (Colombo), 15% sinh viên học tại SIBA Campus (Kandy), 7% học tại Peradeniya (Kandy) và 10% học tại BPU (Colombo), 3% học tại Trường Đại học Sri Sri Jayawadenapura (Colombo).

Xét về phân bố cư trú, 85% Tăng Ni du học sinh tập trung ở thủ đô Colombo, còn lại 15% học tập tại thành phố Kandy-Peradeniya. Lý do là cuộc sống tại thủ đô có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc học tiếng Anh, đi lại và sinh hoạt. Tuy vậy, khó khăn mà sinh viên học ở Colombo phải đối mặt là chi phí sinh hoạt (tiền nhà trọ, đi lại) khá cao và khí hậu khá nóng so với những vùng cao nguyên Kandy, Peradeniya. Về nơi cư trú thì có tới 75% Tăng Ni sinh Việt Nam phải thuê nhà trọ, thuê cơ sở lưu trú là chi nhánh của chùa để trọ học, 20% sinh viên lưu trú tại các chùa của người bản xứ Sri Lanka, 5% còn lại ở trong ký túc xá (KTX) của trường đại học.

Cuộc sống xa gia đình, xa thầy tổ, xa quê hương một mình trên đất khách không phải là điều dễ dàng. Hầu như du học sinh nào khi sang Sri Lanka học cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Khó khăn đầu tiên là rào cản ngôn ngữ, cổ ngữ.

Bốn năm trước, thầy C.Đ. (TP.Hồ Chí Minh) một mình sang Sri Lanka theo học chương trình cử nhân Phật học tại Trường Kelaniya theo sự giới thiệu của một sư người Sri Lanka - vốn là bạn của huynh đệ thầy tại Việt Nam. Thời gian đầu với vốn tiếng Anh còn hạn chế, cổ ngữ Pali chưa thành thạo, thầy phải nỗ lực tự học rất nhiều. Ngoài giờ học trên lớp, phần lớn thời gian thầy phải đi học tiếng Anh và học thêm cổ ngữ Pali. Ban đầu thầy trọ trong một ngôi chùa Sri Lanka, thức ăn nặng mùi cà-ri, học tập vất vả cũng như tham dự sinh hoạt Phật sự trong chùa khiến thầy rất mệt mỏi. Thầy tâm sự chương trình học nặng, chưa quen với cách dạy trực tiếp từ văn bản cổ ngữ Pali nên thầy phải nỗ lực gấp mười lần người bình thường. Sau hai năm miệt mài, thầy đã vượt qua những khó khăn ban đầu, đạt thành tích học tập tốt và sắp tốt nghiệp.

HOC O SRI LANKA (3).jpg
Tăng Ni sinh Việt Nam nghiên cứu tại thư viện Trường đại học Kelaniya

Một khó khăn khác mà Tăng Ni sinh phải đối mặt là việc tìm chỗ ở. Những sinh viên may mắn ở KTX thì thuận lợi nhiều cho việc học: vừa an toàn, chi phí rẻ lại có nhiều cơ hội thực tập giao tiếp tiếng Anh với sinh viên quốc tế. Tuy nhiên số lượng KTX không nhiều. Hiện tại chỉ có Học viện Phật giáo Quốc tế SIBA Campus là hỗ trợ KTX cho sinh viên quốc tế và Trường BPU có dành KTX cho sinh viên hệ cử nhân. Còn lại các trường khác, sinh viên phải tự tìm nhà trọ để ở.

Một số vị may mắn tìm được chủ nhà trọ là Phật tử tốt bụng, lấy giá rẻ, phòng ốc sạch đẹp, an ninh, yên tĩnh nhưng cũng có một số vị phải lao đao vì gặp chủ nhà trọ không đàng hoàng. Sư cô M.T. (Đà Lạt) đã phải chuyển nhà đến 3 lần vì chủ nhà trọ thường xuyên phá hợp đồng, tăng giá phòng. Khi cô dọn đi, chủ nhà trọ nơi cô thuê không chịu trả lại số tiền đặt cọc nhà trước 6 tháng và nhiều lần tìm cách lẩn tránh. Việc tìm nhà trọ cho những sinh viên mới sang là một cực hình, đòi hỏi sức kiên nhẫn và cần chút may mắn. Sư cô G.H.C (TP.Hồ Chí Minh) khi mới sang phải mất công chuyển nhà tới 4 lần và mất gần 5 tháng mới tìm chỗ trọ ưng ý.

Nhà trọ ở Colombo dao động từ 100-200 USD/1 tháng, có vài cơ sở thuộc chùa chỉ lấy phí điện nước thì khoảng 50 USD. Một số chùa không lấy tiền mà trái lại, Tăng sinh thỉnh thoảng có thêm chút tiền từ các hoạt động Phật sự của chùa lưu trú. Số sinh viên ở chùa của người Sri Lanka không nhiều, chủ yếu là các sư hệ phái Nam tông, tuy không tốn chi phí ăn ở nhưng lại bị ảnh hưởng thời gian học hành do phải thường xuyên đi Phật sự, chấp tác v.v... Trung bình, mỗi vị ở nhà trọ học phải trả tiền nhà trọ, chi phí ăn uống, đi lại mỗi tháng khoảng 200-300 USD cộng tiền học phí dự chi khoảng 3.500-4.000 USD/người/ năm.

Tại Sri Lanka, dấu ấn, thành tích và danh tiếng của Trưởng lão HT.Thích Minh Châu rất lớn, điều này cũng là một áp lực đặt lên vai thế hệ Tăng Ni du học sinh trẻ ý thức trách nhiệm tu học sao cho xứng đáng với tầm vóc của những bậc tiền nhân, làm rạng danh Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế. Dù gặp nhiều khó khăn trên bước đường du học, tâm sự với chúng tôi, Tăng Ni sinh Việt Nam đều tự nhủ vẫn phải luôn phấn đấu vượt qua những khó khăn và đạt nhiều thành tích cao trong nghiên cứu, học tập.

Nhiều tấm gương học tập nghiên cứu tốt như Sư Chánh Thân (tốt nghiệp tiến sĩ) với công trình dịch thuật Tiểu bộ kinh và Luật tạng song ngữ Pali - Sinhala - Việt Nam được Hội đồng Tăng thống Sri Lanka tán dương, ca ngợi; Sư Tuệ Nguyện tốt nghiệp thủ khoa chương trình cử nhân Phật học tại Kelaniya và được giữ lại trường làm giảng viên giảng dạy; Sư cô Kim Lan, Sư cô Khánh Năng, thầy Huệ Phát, thầy Đồng Tâm là những vị tham gia nhiều hội thảo khoa học quốc tế với những bài tham luận được đánh giá cao về mặt nghiên cứu, học thuật. Và còn nhiều lắm những thế hệ Tăng Ni ngày đêm miệt mài bên trang sách, nỗ lực vượt qua khó khăn, học tập không ngừng để mong một ngày có cơ hội trở về phụng sự đạo pháp cho quê hương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày