Tẩy tịnh sẽ thanh tịnh

Ảnh minh họa: Cát Tường Quân
Ảnh minh họa: Cát Tường Quân
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi là một Phật tử tại gia. Hiện tôi đã xem xét kỹ lưỡng và chuẩn bị mua một căn nhà. Trong căn nhà đó tôi dự định dùng căn phòng trên lầu cao nhất để làm nơi thờ Phật và tổ tiên. Tôi có chút băn khoăn là những người ở trước hẳn đã làm những việc bất tịnh trong căn phòng đó, vậy tôi có thể làm phòng thờ được không? Hóa giải thế nào?

(THỌ KHANG, khangt...@hotmail.com)

Bạn Thọ Khang thân mến,

Khi mua những căn nhà đã qua sử dụng hầu hết chúng ta đều phải chỉnh trang lại ít nhiều. Dẫu căn nhà ấy còn khá mới thì cũng cần dọn dẹp, lau quét, dặm vá, sơn phết những nơi cần thiết sao cho hợp ý của mình. Bạn chọn phòng cao nhất trong căn nhà để làm phòng thờ và quan tâm đến sự thanh tịnh của nó chứng tỏ bạn rất có tâm trong việc thờ phụng.

Vì trước đây căn phòng ấy là phòng ở, tất nhiên có đầy đủ những sinh hoạt đời sống gia đình. Việc đầu tiên bạn cần làm là dỡ bỏ phòng vệ sinh và các thiết bị liên quan nếu có. Kế đến là chỉnh trang lại theo quy cách căn bản của phòng thờ. Sau đó tôn trí bàn thờ Phật và gia tiên phù hợp với thực tiễn. Phòng rộng thì có thể thờ theo cách “tiền Phật, hậu linh”, phòng hẹp thì thờ theo cách “thượng Phật, hạ linh”. Chuyển nhà xong, dọn dẹp mọi thứ tươm tất vừa ý rồi bạn nên thỉnh quý Tăng (Ni) đến nhà làm lễ an vị Phật, an vị tổ tiên, tẩy trần, thí thực, cầu an tân gia.

Trong khóa lễ này có một nghi thức đặc biệt đó là sái tịnh hay tẩy trần. Sau khi đốt hương đèn, xông trầm, xưng tán và đảnh lễ Tam bảo, vị Tăng (Ni) chủ lễ dùng chén nước sạch và cành hoa gia trì chú nguyện, sau đó đem nước “cam lồ tịnh thủy” tẩy sạch mọi uế nhiễm. Với năng lực gia trì của vị sám chủ và sự hợp sức chú nguyện của đại chúng, nước “cam lồ tịnh thủy” sẽ tẩy sạch tất cả bất tịnh trong căn nhà của bạn, nhất là phòng thờ để trở nên trang nghiêm thanh tịnh.

Cũng cần nói thêm, sự bất tịnh tràn ngập cả thế gian có gốc rễ từ tâm không thanh tịnh. Thế nên sau khi sái tịnh tẩy trần, căn nhà và phòng thờ của bạn sẽ thanh tịnh hoàn toàn, các bất tịnh trước đó đều được tẩy sạch và điều quan trọng là duy trì sự thanh tịnh ấy. Muốn được như vậy thì các thành viên trong gia đình cần nỗ lực tu học, hướng đến sự trong sạch từ trong suy nghĩ, lời nói và việc làm.

Như vậy, giải pháp để tịnh hóa phòng thờ thì đã có. Chỉ cần gia chủ thành tâm và chư Tăng (Ni) hành lễ đúng pháp thì hóa giải được mọi cấu uế bất tịnh. Tuy nhiên, còn một vấn đề khác và quan trọng hơn là tịnh hóa thân tâm bằng cách tu hành theo Chánh pháp. Đây mới là cách duy trì sự thanh tịnh lâu dài. Bắt đầu là phòng thờ luôn tinh sạch trang nghiêm, hoa tươi quả tốt, nhang đèn tỏ rạng. Kế đến là gia chủ cần thực hành giữ giới, lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền. Sau cùng là tùy duyên hộ pháp và giúp người trong khả năng có thể.

Phòng thờ là không gian tâm linh của căn nhà. Sự tẩy uế cho phòng thờ chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo là tu tập để tịnh hóa thân tâm trở nên trong sạch. Sự thanh tịnh từ bên trong sẽ khiến mọi thứ bên ngoài thanh tịnh theo, “tâm tịnh tức độ tịnh”. Bạn quan tâm đến việc thờ phụng là điều tốt, và sẽ tốt hơn nữa nếu biết thanh lọc và chuyển hóa thân tâm. Thực hiện được hai điều này thì phước đức tăng trưởng, nghiệp chướng tiêu trừ, gia đạo an khang, thịnh vượng.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày