Thờ Phật và gia tiên nơi tầng trệt được không?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Người lớn tuổi như tôi muốn đến phòng thờ thường xuyên thì lên xuống rất khó khăn, vất vả. Bàn thờ Phật quá cao rất bất tiện cho việc thắp hương và dâng đồ thờ cúng. Xin hỏi, trước mắt có thể hạ thấp bàn thờ Phật xuống vừa tầm có được không? Có thể dời bàn thờ Phật và gia tiên xuống tầng trệt không?

GNO - Gia đình tôi sau khi sửa sang nhà cửa đã quyết định dời bàn thờ Phật và gia tiên lên tầng thượng (nhà gồm tầng trệt, gác lửng, tầng hai và tầng thượng). Tôi khá lớn tuổi nên hàng ngày lên xuống phòng thờ hai lần để lo nhang đèn, lễ bái và kệ kinh cũng rất vất vả. Mặt khác, vì phòng thờ nhỏ hẹp nên gia đình tôi thờ phụng theo lối “thượng Phật, hạ linh”.

Bàn thờ Phật ở trên cao nên việc chăm sóc vệ sinh, thắp hương, dâng hoa, cúng trái cho bàn Phật cũng rất khó khăn và nguy hiểm. Thực ra, ngay từ đầu tôi đã lường trước được việc này nhưng con trai và con dâu nói rằng mọi thiết kế, đặc biệt là phòng thờ phải đúng phong tục, phép tắc và phong thủy. Tôi vì không muốn gia đình xáo trộn nên cũng thuận theo.

Nay tôi nhận thấy việc thiết kế phòng thờ theo lối này cũng có nhiều nhược điểm. Phòng thờ ở trên tầng thượng nên cả nhà không ai nhìn thấy và lui tới. Người lớn tuổi như tôi muốn đến phòng thờ thường xuyên thì lên xuống rất khó khăn, vất vả. Bàn thờ Phật quá cao rất bất tiện cho việc thắp hương và dâng đồ thờ cúng.

Xin hỏi, trước mắt có thể hạ thấp bàn thờ Phật xuống vừa tầm có được không? Có thể dời bàn thờ Phật và gia tiên xuống tầng trệt không? Người Phật tử không buôn bán thì có nên giản lược việc thờ Thần tài, Thổ địa và Ông táo? Tôi rất mong được quý Báo hướng dẫn để làm cơ sở bàn bạc với gia đình, con cái nhằm điều chỉnh việc thờ phụng để có lợi ích thiết thực.

(NGUYÊN THƯỜNG, Q3, TP.HCM)

Bạn Nguyên Thường thân mến,

Theo phong tục, những người ở nhà phố (nhà ống nhiều tầng) thì phòng thờ phải thiết kế trên tầng cao nhất nhằm thể hiện sự tôn kính. Nếu phòng thờ nhỏ hẹp thì thờ phụng theo lối “thượng Phật, hạ linh” được nhiều gia đình áp dụng. Phòng thờ và bàn thờ là không gian tâm linh nên cần trang nghiêm và thanh tịnh, tránh xa các uế tạp, ồn ào. Nên việc thiết kế phòng thờ cho nhà phố trên tầng thượng gần như phổ biến.

Tuy vậy, thiết kế phòng thờ và tôn trí bàn thờ theo cách này cũng có một số điều bất cập. Vấn đề này, thiết nghĩ tùy theo thực tiễn của mỗi gia đình mà có sự tùy chỉnh khác nhau sao cho phù hợp. Trước mắt là điều chỉnh bàn thờ. Vẫn giữ đúng nguyên tắc “thượng Phật, hạ linh” nhưng tùy chỉnh bàn thờ Phật thấp xuống, bàn thờ gia tiên có thể dịch chuyển sang một bên (thấp hơn bàn thờ Phật). Mặt khác, có thể thay đổi theo cách “tiền Phật, hậu linh”, bàn thờ Phật phía trước, bàn thờ linh phía sau và thấp hơn bàn thờ Phật.

Tiếp đến, việc chuyển bàn thờ xuống tầng trệt cũng là một ý tưởng hay, có giá trị và lợi ích thiết thực. Thường tầng trệt là nơi tiếp khách, để xe, cả nhà hàng ngày qua lại, phía trong cùng là nhà bếp. Nếu thờ phụng ở đây, mọi người trong gia đình hàng ngày đều được nhìn thấy và kính lễ Đức Phật. Khách vào nhà biết ngay gia đình theo đạo Phật. Những người lớn tuổi có nhu cầu tâm linh cao, họ dễ dàng lui tới bàn thờ để chăm sóc, hương đèn, lễ bái và tụng niệm.

Vấn đề quan trọng là thờ phụng nơi tầng trệt có ảnh hưởng đến sự tôn kính hay không? Dĩ nhiên, phía trên khu vực bàn thờ là các tầng, hẳn có người ở hoặc qua lại. Nếu tránh được nhà vệ sinh hay giường ngủ của các phòng ở tầng trên thì chấp nhận được. Các căn hộ ở chung cư hay cao ốc đều có chung tình trạng này nhưng việc thờ phụng vẫn bình thường.

Việc thờ Thần tài, Thổ địa và Ông táo là phong tục dân gian. Một số gia đình Phật tử vẫn duy trì phong tục này và cũng không phương hại gì. Tuy vậy, người Phật tử có chánh kiến thì không thờ những vị thần dân gian. Họ chỉ phụng thờ Tam bảo và tổ tiên, tin sâu nhân quả, bỏ ác làm lành để vun bồi phước đức. Phước đức che chở, nâng đỡ, hộ trì để mang đến an lành, phát triển và thành công. Phước đức nhiều hay ít mới là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến được mất, thịnh suy chứ không phải thần linh.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày