Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Trong quyển Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh), tác giả là bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền đã viết:
“Ông tên thật là Nguyễn Hữu Thành húy Cảnh (Kính). May mắn mới đây do cố công sưu khảo, chúng tôi tìm biết và chụp ảnh được phần đầu của tập gia phả còn bảo tồn trong một tư gia hậu duệ dòng Nguyễn Hữu ở Vạn Xuân, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.
“Trong trang đầu gia phả này ghi rõ hàng chữ Nho tên ông là Nguyễn Hữu Thành húy Cảnh (阮有成諱鏡). Căn cứ ở đây, thấy rằng: Thành chỉ là tên ghi trong gia phả; mà Cảnh mới chính là tên húy của ông.
“Phần đông người Việt hay kiêng tên húy. Do đó Cảnh được gọi chếch ra là Kính. Về sau nhân dân miền Nam trọng vọng ông, họ đã tự động húy cả hai tên: Kính gọi là Kiến hoặc Kiếng, Cảnh gọi là Kiểng (chợ Tân Kiểng, chậu kiểng).
“Mãi khi ông mất rồi, người đời sau chép tiểu sử mới dám viết rõ tên ông là Nguyễn Hữu Cảnh. Như bây giờ thường thấy tên ông thường được ghi trước các đền thờ ông là NGUYỄN HỮU CẢNH”.
(Sđd, tr. 27-28, giới thiệu trên mạng)
Chúng tôi không phủ nhận công lao sưu khảo của bà Như Hiên nhưng chưa nhất trí với sự phân tích của bà nên mạn phép trao đổi như sau.
Nhiều năm gần đây, ngoài Wikipedia, cũng đã xuất hiện ý kiến cho rằng tên của Nguyễn Hữu Cảnh là “Kính” nhưng đã bị đọc thành “Cảnh”. Có thật “Kính” là “nguyên danh” của nhân vật lịch sử từng được người dân Đàng Trong gọi một cách kính cẩn là CẢNH cho đến tận ngày nay hay không? Không. Các tác giả này chưa bao giờ tra cứu cho đến tận ngọn nguồn cái âm gốc của chữ [鏡] là chữ dùng để ghi tên húy của nhân vật đang xét cả. Âm gốc của nó trong Quảng vận (và trong các vận thư chữ Hán khác) là CÁNH (khứ thanh, viết với dấu sắc). Đây là một chữ thuộc vận mục ánh [映] của vận bộ canh [庚]. Vận bộ này gồm có bốn vận mục (thuộc bốn thanh bình, thượng, khứ, nhập) là: canh [庚], cảnh [梗], thường đọc thành ngạnh, ánh [映] và mạch [陌].
Thuộc vận mục canh [庚], có các chữ quen thuộc như: canh [更], canh [羮], manh [盲], hành [行], hoành [横], bành [澎], v.v..
Thuộc vận mục cảnh [梗], có các chữ quen thuộc như: ảnh [景], cảnh [影], hãnh [杏], thường đọc thành hạnh, lãnh [冷], mãnh [猛], v. v..
Thuộc vận mục ánh [映], có các chữ quen thuộc như: cạnh [競], khánh [慶], mạnh [孟], hạnh [行], v.v..
Thuộc vận mục mạch [陌], có các chữ quen thuộc như: bách [百], bạch [白], cách [格], hách [赫], khách [客], phách [拍], sách [索], v.v..
Chữ [鏡] thuộc vận mục ánh [映]. Thiết âm của nó trong Quảng vận là “cư khánh thiết” [居慶切]. C[ư] + [kh]ánh = cánh. Cánh mới đích thị là “nguyên danh”, tức là húy, của nhân vật Nguyễn Hữu Cảnh. Sở dĩ chữ cánh [鏡] được phát âm thành cảnh là do tục kiêng húy thịnh hành từ đời xưa hầu như khắp Đàng Trong.
Tại Đàng Trong, bên cạnh những lệnh kiêng húy của triều đình, dân chúng còn có những lệ riêng của mình, ngay cả trong gia tộc và gia đình cũng thế. Đây là điểm khác biệt rất quan trọng giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Ở Đàng Ngoài, ngay trong gia đình thì, nói chung, kẻ dưới thường gọi người trên bằng tên, chẳng hạn, giữa hai anh em Giáp (anh) và Ất (em) thì người em gọi người anh là “anh Giáp”, giữa hai chú cháu là Bính (chú) và Đinh (cháu) thì người cháu gọi người chú là “chú Bính”. Trong Nam thì khác. Nếu Giáp là anh cả thì Ất phải gọi Giáp là “anh Hai”; nếu Bính là thứ tư thì Đinh phải gọi Bính là “chú Tư”, chứ dứt khoát không được gọi tên. Chính là vì tuân theo sự tôn kính đó mà dân Nam Bộ mới gọi Nguyễn Hữu Cánh thành Nguyễn Hữu Cảnh để tránh gọi húy của ông (là Cánh).
Chuyện này xảy ra đã lâu và có nhiều phần chắc chắn là từ đầu thế kỷ XVIII, sau khi Nguyễn Hữu Cánh đi kinh lược vùng đất ngày nay là Nam Bộ vào năm 1698. Truyền thống kiêng húy của Nguyễn Hữu Cánh (thành Cảnh) đã kéo dài từ lâu cho đến thời hiện đại thì bị các tác giả mô-đéc thay thành “Kính” chứ dân Nam Kỳ gốc thì giữ nó rất lâu.
Một số tài liệu tham khảo - Ảnh: TGCC |
Bằng chứng là có một bạn Facebooker đưa ra cái thắc mắc tại sao tên quyển sách Bác (sic) trạch minh kính [八宅明鏡] lại được in thành Bác trạch minh cảnh (ảnh 1). Rồi Tông kính lục [宗鏡錄] cũng thành Tông cảnh lục? (ảnh 2 và 3). Sở dĩ có sự “tréo ngoe” đó là do lệ kiêng húy Nguyễn Hữu Cánh (thành Cảnh) mà người dân, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, đã ghi nhớ rất lâu. Chẳng hạn theo Nguồn tin của Nxb Phương Đông thì tác giả Liễu Phàm đã giới thiệu bộ Tông cảnh lục như sau:
“Học Phật pháp cốt để tin tâm, tín (tin) tâm là yếu chỉ của kinh điển Đại thừa và Ngữ lục của chư Tổ; bộ Tông Cảnh (gương) Lục (Chúng tôi nhấn mạnh – AC) cũng không ngoài diệu chỉ ấy… mong rằng tuyệt phẩm này sẽ giúp bạn đọc tín giải tự tâm một cách trọn vẹn”.
Không phải ngẫu nhiên mà Liễu Phàm đã ghi chú Cảnh là “gương”. Lý do: Đó là âm bất thường của chữ Cánh [鏡], mà nghĩa chính xác là “cái kính”, “cái gương”. Sự bất thường này là do kiêng húy mà ra. Wikipedia cũng như nhiều tác giả khác đã hoàn toàn sai khi khẳng định rằng tên huý của nhân vật đang xét là “Kính” mà không đối chiếu về ngữ âm (để tìm cho ra cái âm gốc). Cứ “a thần phù” chạy theo cái âm “kính” của phương ngữ miền Bắc rồi đổi tên gốc của ông thành “Kính” là đã làm một việc vừa võ đoán vừa bất kính đối với người đã góp phần mở cõi cho nước ta. Ở đây, “kính” chỉ là một âm hậu khởi mà thôi.
Về hiện tượng mà bà Như Hiên gọi là “Cảnh gọi là Kiểng (chợ Tân Kiểng, chậu kiểng)” để kiêng húy Nguyễn Hữu Cảnh thì chúng tôi xin khẳng định rằng đây là một điều không đúng. Chữ “Cảnh” chính là một chữ kiêng húy (từ chữ Cánh). Chữ “Kiểng” chính là chữ mà nhân dân Nam Bộ đã tự động dùng để kiêng húy của Hoàng tử Cảnh mặc dù vì lý do tế nhị mà triều đình không ra lệnh kiêng húy vị hoàng tử này. “Kính gọi là Kiến hoặc Kiếng” để kiêng húy Nguyễn Hữu Kính cũng sai. Kiến (thiếu -g cuối) là một cách viết sai chính tả nên không thể chấp nhận.
Còn “Kiếng” thì không phải là một điệp thức (doublet) của “kính” mà là của Cánh (Cánh > Kiếng). Nếu cảnh là hình thức kiêng húy của nho sĩ trí thức đối với chữ Cánh [鏡], thì kiếng là hình thức kiêng húy chữ này của người bình dân. Người bình dân Nam Kỳ không những đã tôn sùng Nguyễn Hữu Cánh đến mức kiêng âm của chữ Cánh [鏡], mà còn kiêng cả âm của chữ đồng âm khác nghĩa là chữ cánh trong cánh chim mà đọc nó thành kiếng, như tại mục sau đây trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức:
“Cò bay thẳng kiếng, chó chạy cong đuôi (Tục ngữ) Giàu có, ruộng đất rộng lớn”.
(Những chữ kiến [= cánh] trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của đều sai chính tả nên không thể đưa ra để thảo luận).
Wikipedia (cho đến ngày 20-9-2021) cho biết:
“Thời Nguyễn, vì kỵ húy Hoàng tử Cảnh, nên âm Cảnh đọc trại thành Kiểng”.
Chúng tôi xin khẳng định rằng vì lý do tế nhị nên triều đình Nhà Nguyễn không hề có lệnh kiêng húy Hoàng tử Cảnh. Sự kiêng húy này là do dân chúng tự động thực hiện. Tóm lại, tên húy chính xác của Lễ Thành hầu là CÁNH, đọc theo kiêng húy thành CẢNH. Xưa nay đã thế. Xin các nhà nghiên cứu thời nay cứ tuân theo thông lệ đã có từ xưa mà gọi.