Ông Niphit Intharasombat, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, đã nói với các phóng viên rằng, Sở Văn hóa tỉnh Phuket đã phát hiện ra một xu hướng đáng báo động, đó là các du khách có những hình xăm như hình Đức Phật, hình thần Ganesh, hình Chúa Jesus ở trên cánh tay, trên chân và trên mắt cá chân của họ. Đấy là điều không phù hợp với văn hóa và thiếu tôn trọng tôn giáo.
Tuy nhiên, Bộ Văn hóa đang phải đối mặt với làn sóng đấu tranh đang dâng cao nhằm yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm ấy. Vì đấy là một loại hình dịch vụ rất phổ biến và các thợ xăm hình có thể kiếm được nhiều tiền từ công việc này, chỉ cần xăm vài hình là có thể lấy với giá lên đến 20.000 baht.
Xăm những hình ảnh tôn giáo như thế chỉ là một phần trong xu hướng thời trang của khách du lịch, những người mà chắc hẳn là không tin tôn giáo và không lưu tâm đến ý nghĩa đích thực của các hình ảnh ấy. Các nhà chức trách sẽ triệu tập các cuộc họp đối với những người có liên quan đến loại hình dịch vụ này để kêu gọi sư hợp tác của họ.
Theo Bộ trưởng Niphit, những người có những hình xăm tôn giáo hiện rõ, khi họ có những hành vi không tốt, như là ngồi nhậu và cãi lộn thì sẽ tổn hại đến niềm tin tôn giáo của người khác khi họ nhìn thấy thế.
Theo ông Wasan Panich, Ủy viên Hội đồng Nhân quyền, mọi người đều có quyền xăm hình, đấy là quyền có thể làm bất cứ điều gì đối với cơ thể của chính mỗi người. Tuy nhiên, nếu như xăm các hình tượng tôn giáo ở nơi mắt cá hoặc là “những nơi không thích hợp” thì có thể xem như là đang làm nhục tôn giáo. Chẳng hạn, nếu một du khách nước ngoài xăm hình Đức Phật ở mắt cá nhân thì những người Phật tử sẽ xem đấy như là đang làm nhục Phật giáo. Chính vì thế, nguyên tắc căn bản ở đây là phải tôn trọng các quyền của cá nhân, nhưng không được phép xâm phạm đến quyền hay niềm tin của người khác.