Dân gian gọi đây là chùa Rặn, tức “rặn đẻ”. Rồi dần dần gọi chệch thành chùa Dận. Chùa có từ thế kỷ VIII. Cổng chính hai tầng trông ra ruộng lúa xanh mướt. Khuôn viên chùa Dận chia làm ba khu chính. Tòa tam bảo phía trước chùa gồm năm gian hai tầng cùng hai gian hậu cung. Có một điều khác biệt của tòa tam bảo so với những ngôi chùa khác ở Việt Nam. Đó là mái chùa rất cao, ánh sáng tự nhiên tràn vào nhiều nên trong chùa rất sáng.
Trong gian có nhiều tượng Phật như tượng Tam Thế, Di Đà, tượng Quan Âm nghìn tay, các vị thánh tăng. Hai vị hộ pháp hai bên trái phải và tám vị kim cương mỗi bên bốn vị.
Ở phía sau bên phải tòa tam bảo đang tiến hành phục dựng một công trình kiến trúc cũ của chùa.
Trong chùa còn có đền Lý Triều Quốc Mẫu, thờ hoàng thái hậu Phạm Thị, là thân mẫu của Lý Công Uẩn. Ngôi đền gồm ba gian và nằm phía bên trái của chùa.
Theo truyền thuyết, vào ngày 12-2 năm Giáp Tuất 974 (tức ngày 8-3-974 theo dương lịch), Lý Công Uẩn đã được hoàng thái hậu Phạm Thị sinh ra tại ngôi chùa này. Truyền thuyết kể đêm hôm trước trụ trì chùa nằm mơ thấy Long thần báo mộng: “Dọn chùa cho sạch, ngày mai có hoàng đế đến”. Nhưng hôm sau chỉ thấy một thiếu phụ có thai đến nương nhờ. Vài tháng sau, khu tam quan của chùa bỗng rực sáng, hương thơm lan tỏa. Người thiếu phụ kia hạ sinh một bé trai, hai bàn tay hiện lên bốn chữ “sơn hà xã tắc”.
Lúc Lý Công Uẩn được sinh tại chùa cũng là lúc thiền sư Lý Khánh Vân trụ trì. Thiền sư đã nhận nuôi cậu bé và cho mang họ Lý của mình, đặt tên là Công Uẩn. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, chùa được mở rộng và sau này được tôn tạo nhiều lần, thờ thân mẫu và dưỡng phụ của vua, thiền sư Khánh Vân. Chính vì vậy chùa được dân gian gọi là chùa Rặn (tức “rặn đẻ”), rồi dần dần gọi chệch thành chùa Dận. Hiện tại trong gian chính của tòa tam bảo còn ghi rõ: “Đêm 12-2 năm Giáp Tuất ( 8-3-974) tại tam quan chùa Cổ Pháp, bà Phạm Thị đã sinh vĩ nhân Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ - người lập ra triều Lý, khai sáng kinh đô Thăng Long - Hà Nội năm 1010)”.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa chùa còn là cơ sở cách mạng cho các lãnh tụ của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ...
Cuối năm 1949, chùa bị quân Pháp phá hủy làm đồn bốt. Hiện tại chùa được tu bổ lại trên nền chùa theo kiến trúc cũ. Để kỷ niệm ngày hóa của Lý thánh mẫu Minh Đức Hoàng thái hậu Phạm Thị, chùa Dận tổ chức lễ hội vào ngày mùng 7 tháng giêng hằng năm.
Vào vãn cảnh chúng tôi được bà cụ trông coi, chăm sóc chùa kể chuyện, hướng dẫn đi thăm các gian, đặc biệt là tòa tam bảo, nơi vua Lý Công Uẩn được sinh ra. Dấy lên trong lòng chúng tôi cũng như du khách thập phương khi thăm ngôi chùa lòng tưởng nhớ vị vua 1.000 năm trước đã có tầm nhìn sâu rộng, chọn Đại La, nay là thủ đô Hà Nội, làm kinh đô mới để mưu tính nghiệp lớn, tính kế phồn vinh, trường kỳ cho muôn đời sau.