GN - Đã gần 40 năm chân đất đầu trần, gánh từng đôi nước thuê để vừa mưu sinh, vừa giữ chút tình với quê hương bổn xứ, ông Nguyễn Đường đã trở nên quen thuộc với những người dân phố cổ Hội An. Trừ những ngày ốm đau bệnh tật, không lúc nào bóng dáng ông cùng đôi quang gánh vắng nơi giếng Bá Lễ cũng như những con đường nho nhỏ xinh xinh nơi đây. Năm nay đã 84 tuổi, nhiều người bảo ông lão gàn khi dốc sức kiệt cùng ra gánh nước thuê mà không được mấy đồng. Những lúc nghe như vậy, ông chỉ mỉm cười...
“Nghề ni cực lắm chứ giỡn mô”
Cơn mưa nặng hạt vừa dịu bớt trên những con phố của Hội An thì ông Nguyễn Đường cũng vừa tất tả quang gánh ra giếng. Dáng đi xiêu vẹo của ông dưới trời còn lất phất mưa làm ai cũng thấy thương. Gặp ông đang đứng múc nước bên giếng Bá Lễ (giếng nước cổ ngon nhất ở Hội An bây giờ), tay run run múc nước đổ vào gàu, miệng vẫn cười và nói chuyện với chúng tôi.
Ông bảo: “Nghề ni cực lắm chứ giỡn mô. Mấy chú thử gánh xem nè...”. Rồi ông đưa đòn gánh vào 2 đầu gàu, đặt lên vai tôi. Chưa đi được một đoạn đầy 20 mét, nước trong gàu đã văng ra lênh láng. Tôi vội để gàu xuống. Cụ Đường mỉm cười...
Ông Nguyễn Đường có 40 năm gắn bó với giếng cổ Bá Lễ - Ảnh: Thành Giang
Mưa lại xối ào ạt xuống. Cụ chép miệng, thôi mời chúng tôi về nhà nói chuyện chơi, chứ trời thế này gánh đi cũng không được. Vậy là chúng tôi theo cụ vào sâu trong con hẻm nhỏ tại tổ 8, phường Minh An, thành phố Hội An (Quảng Nam). Căn nhà tí tẹo nằm cuối cùng con hẻm mà người lần đầu vào sẽ không bao giờ tìm ra. Ở nhà là cụ bà Nguyễn Thị Mỹ, vợ ông và anh con trai Nguyễn Văn Quốc đang im lặng trong không khí vắng hoe và ảm đạm của một buổi chiều mưa trên phố cổ. Anh Quốc con ông bị bệnh ngớ ngẩn, nửa tỉnh nửa mê. Bằng tuổi anh người ta đã có được mấy mặt con. Vậy mà anh thì cứ ai bảo gì làm nấy, không thì ngồi im một chỗ...
Cụ bà vợ ông Đường rót nước mời chúng tôi trong cái lạnh đang ùa về, len lỏi vào căn nhà nhỏ này. Câu chuyện bắt đầu trong nụ cười và cả trong sự ưu tư, trăn trở... Cụ Nguyễn Đường bảo hôm nay người ta thuê gánh 7 đôi, mà mưa to cả ngày, không biết làm sao gánh được. Không phải vì tiếc tiền, mà vì sợ họ không có nước để nấu, để buôn bán. Người Hội An bây giờ rất chuộng nước giếng Bá Lễ và cũng hay thuê ông gánh, nên ông không muốn phụ lòng họ...
Cụ bảo mình gánh nước từ năm 1975, sau khi không còn sức để đi làm nghề cá với những ngư dân vùng ven biển Hội An. Thấm thoắt mà giờ đã 40 năm rồi. Cứ chân đất đầu trần, gánh nước đi đến từng nhà thuê. Mỗi ngày kiếm tối đa là 40 nghìn đồng. Chi tiêu rất tiện tặn cũng không thể dư dả được. Vậy nhưng, gia đình ông cứ dìu nhau mà sống với cái nghề này.
Giơ hai bàn chân chai sạn, nứt nẻ lên, cụ Đường tiếp tục câu chuyện: “Chừ, sức yếu, đi không đã khó, huống chi là gánh nước. Nhất là mưa như ri, đường trơn lắm. Tui phải cố gắng bám mười đầu ngón chân và cả bàn chân xuống mặt đường sao cho trụ vững. Có mấy lần trượt ngã, gánh nước văng mỗi đầu một gàu, bởi rứa, tui mới bảo thằng Quốc theo phụ gánh giúp. Một phần để cho nó ra đường tiếp xúc. Một phần, rủi tui có làm sao, có nó đỡ kịp...”.
Rồi ông thở dài, nhìn ra những giọt mưa rơi nhanh dần xuống mái hiên nhà...
Giếng cổ và nỗi niềm người gánh nước thuê
Khi chúng tôi hỏi sao đã qua cái tuổi 80 rồi vẫn chưa nghỉ ngơi, ông nói ngay là vì muốn gắn bó thêm vài năm nữa với giếng cổ quê hương. Những năm gần đây, khách du lịch và nhiều người ở Hội An tìm về với những nét văn hóa truyền thống, nhất là những cái giếng cổ, làm ông Đường rất vui. Bởi thế, vừa là người gánh nước thuê, ông cũng vừa là người hướng dẫn viên du lịch rất nhiệt thành nếu có ai hỏi về giếng cổ Hội An nói chung và giếng cổ Bá Lễ nói riêng.
Ông say sưa giảng giải về cái giếng mà ngót 40 năm mình gắn bó, mưu sinh cùng với nó. Theo ông, đây là giếng hiếm nhất ở Hội An từ trước đến nay. Nước vừa trong, vừa mát, vừa ngọt, nên rất được mọi người thích. Từ thời ông nội của ông, người dân nơi đây đã xưng tụng giếng Bá Lễ là một trong những “kho báu” mà thiên nhiên ban tặng cho Hội An.
Các cụ bảo giếng này khi đào xuống, gặp ngay “long mạch” nên không những nước ngon mà còn rất quý. Giờ người ta ào ạt dùng chứ ngày trước, chỉ có giỗ chạp, đám đình thì giếng mới được ưu tiên cho từng gia đình vào lấy. Có lẽ lúc ấy, nhà ai cũng có giếng, mà giếng thì tương đối sạch. Giờ, khu vực Hội An nói chung và khu phố cổ nói riêng, đa phần nguồn nước dù ít dù nhiều đều bị ô nhiễm bởi những hoạt động của các nhà hàng khách sạn thải nước thải chưa qua xử lý ra...
Điều làm ông Nguyễn Đường băn khoăn nhất là một mai, ông không còn trụ lại được với giếng cổ này, thì có rất nhiều điều đáng để buồn. Nó như một phần cuộc sống của ông, làm cho ông khỏe hơn, vững tin hơn. Có ông, ông vẫn thường nói cho mọi người biết đây là vốn quý của cha ông để lại, cần phải cùng nhau gìn giữ. Ông bảo nhiều lần, những đứa trẻ con nghịch dại quăng rác xuống giếng mà người lớn không nói gì. Cũng nhiều lúc, những hàng quán, khu nhà gần giếng xả nước thải ra, ông phải giải thích, phân trần để mọi người hiểu được. Nhưng rủi mai này ông không còn thì sao?
Chia tay căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Đường, chúng tôi thấp thỏm trong những nỗi lo về nguồn nước sạch ở khu phố cổ này. Lần nọ, ngang qua một giếng cổ nằm ngay bên đường Hai Bà Trưng (Hội An), nhìn xuống, thấy vô vàn những rác, chai lọ vứt xuống. Người khách du lịch nước ngoài tầm 50 tuổi, dừng lại bên tôi, lắc đầu. Khi tôi giơ máy ảnh định chụp hình, ông vội lấy tay ngăn lại, không nói gì. Hành động ấy ám ảnh tôi đến bây giờ...