Thăm Trung tâm Văn hoá Huyền Trân

Nằm cách Đàn Nam Giao không xa về phía Tây nam thành phố Huế, Trung tâm Văn hoá Huyền Trân là một trong những địa chỉ du lịch thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách mỗi khi đến thăm đất cố đô.

Toạ lạc trên diện tích rộng 28,5 ha, dưới chân núi Ngũ Phong, thuộc phường An Tây, thành phố Huế, Trung tâm Văn hoá Huyền Trân là một cụm kiến trúc bao gồm nhiều công trình văn hoá nghệ thuật, lịch sử giàu sắc thái tâm linh như đền thờ Huyền Trân Công chúa, đền thờ Đức vua - Phật  hoàng Trần Nhân Tông, tháp chuông Hoà Bình, tượng Di Lặc, miếu Sơn thần, Thuỷ thần, Thiền viện Trúc Lâm, Thiền đường, Vườn lan, Vườn Bồ đề, Vườn thư pháp…

Thăm Trung tâm Văn hoá Huyền Trân ảnh 1

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân
 

Giữa bốn bề đồi núi trùng điệp, phong cảnh hữu tình, có thể nói Trung tâm Văn hoá là nơi danh thắng phước địa, phía trước có dòng tiểu khê hợp thành hồ Trường Xuân quanh năm trong xanh, phía sau dựa lưng vào thế núi kỳ vĩ, vững chãi. Bước qua khoảng sân rộng với bốn trụ biểu uy nghi, dưới chân có nghê đá phục chầu, tiếp đến là ba bậc sân lát gạch Bát Tràng, qua cầu đá, hồ nước, cổng tam quan, chúng tôi bắt đầu chuyến viếng thăm về nguồn của mình.

Đền thờ Huyền Trân Công chúa nằm giữa một không gian xanh của muôn vàn loài cây quanh năm tươi tốt. Đền mang nét văn hoá kiến trúc tiêu biểu của thời Trần, từ những hoa văn, hoạ tiết đến những chi tiết trên vòm mái. Chính giữa nội điện là tượng thờ Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai vàng, phong thái uy nghi, nét mặt hiền hậu, mang một vẻ đẹp thuần Việt. Tượng cao 2,3m, đúc bằng đồng thau, do các nghệ nhân của phường Đúc -  Huế  thực hiện. Khuôn viên phía sau điện thờ là lầu bát giác dựng tượng Ni sư Hương Tràng - pháp danh của công chúa sau khi xuất gia tu hành. Khuôn mặt hiền từ của Người nhìn xuống, bất giác như có một nỗi buồn man mác lan toả, như trong điệu Nam Bình của khúc “Nước non ngàn dặm”, tương truyền là do Huyền Trân viết lúc nàng rời quê hương đi làm dâu xứ người mà tôi được nghe khi đi thuyền dọc bờ sông Hương:

Nước non ngàn dặm ra đi…
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì?

Hơn 700 năm trước, vào mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa hôn của vua cha Trần Nhân Tông, kết tình hoà hiếu với lân bang, Huyền Trân công chúa đã sang Chiêm Thành, nên duyên với nhà vua Chiêm Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Paramesvari. Cũng từ đó, món quà sính lễ mà vua Chiêm dâng lên nhạc phụ Trần Nhân Tông là hai châu Ô, châu Lý - vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam - đã sát nhập vào nước Đại Việt và những lớp người Việt đầu tiên đã vào đây khai sơn, lập ấp, bắt đầu cho hành trình mở mang bờ cõi của dân tộc về phía Nam.

Thăm Trung tâm Văn hoá Huyền Trân ảnh 2

Nội điện Đền thờ Huyền Trân Công chúa 

Đền thờ Huyền Trân Công chúa mang lối kiến trúc truyền thống, được khởi dựng năm 2006, nhân kỷ niệm 700 năm hình thành mảnh đất Thuận Hoá - Phú Xuân -Thừa Thiên Huế, là tấm lòng, tình cảm của những người con xứ Huế với lòng tri ân,  nhớ ơn công đức của Huyền Trân, nàng công chúa vì nước năm xưa đã dấn thân ngàn dặm, góp phần đi mở cõi.

Nằm trên lưng chừng núi là đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông. Ông là vua thứ ba triều Trần, vị vua anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, nhà chính trị-ngoại giao kiệt xuất đã hai lần lãnh đạo nhân dân ta đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Những chiến công hiển hách đó không chỉ nâng vị thế của Đại Việt lên một tầm cao mới trong khu vực mà còn góp phần giải phóng các nước Đông Nam Á thoát khỏi ách xâm lược của đế quốc Nguyên Mông cuối thế kỷ XIII. Đức vua cũng chính là người khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm và là thân phụ của Huyền Trân công chúa.

Đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông gồm có ba phần: Sân hạ, sân trung và sân thượng. Sân hạ phía dưới có hồ mãn nguyệt tượng trưng cho mặt trống đồng thể hiện nền văn hoá Việt Nam. Từ sân hạ lên đến chính điện du khách đi theo 108 bậc đá dẫn lên đền thờ, 2 bên là đôi rồng chầu dài 108m làm bằng chất liệu xi măng đắp nổi hoa văn, tam lân hý cầu đan xen vào những vầng mây uốn lượn. Đôi rồng này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận kỷ lục là đôi rồng chầu dài nhất Việt Nam. Từ sân trung bước lên sân thượng có 25 bậc với 4 trụ biểu cao vút, tượng trưng cho thế vững bền hoành tráng uy nghi của đền thờ. Đền thờ vua Trần Nhân Tông nằm ở sân thượng có kiến trúc 2 cổ lầu 3 tầng, mái có long lân qui phượng, trên các cột trụ, hành lang ốp các hoạ tiết, hoa văn từ những mảnh sành, sứ tạo nên vẻ đẹp độc đáo của đền thờ. Phía trước cửa đền là tượng voi và ngựa, được tạc từ đá trắng nguyên khối với đường nét chạm khắc tinh sảo, sống động. Bên trong nội điện tôn nghiêm, trên án thờ chính điện là tượng vua Trần Nhân Tông đang tại vị, tượng có chiều cao 3m, nặng 2 tấn, bằng đồng đỏ nguyên chất, được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần ở Nam Định, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của Đức vua Trần Nhân Tông.

Thăm Trung tâm Văn hoá Huyền Trân ảnh 3

 108 bậc thang dẫn lên Đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông
với đôi rồng chầu dài 108m

Cơn mưa bất chợt giữa buổi chiều mùa hạ như một duyên phước níu chân chúng tôi ở lại đền lâu hơn và có dịp làm quen, trò chuyện cùng anh Tôn Thất Quí, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Huyền Trân, được nghe anh kể về quá trình hình thành Trung tâm cũng như việc xây dựng các công trình văn hoá tâm linh lịch sử nơi đây. Anh Quí cho biết, sắp tới Đoàn đại biểu thanh thiếu niên kiều bào về dự Trại hè Việt Nam 2010 sẽ ghé thăm Trung tâm Văn hóa và anh hy vọng đây sẽ là một dịp tốt để mang đến cho các em thêm những hiểu biết về cội nguồn, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Hàng năm, cứ vào dịp đầu tháng Mười một âm lịch, ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi Niết bàn và ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch - ngày mất của Huyền Trân công chúa, tại Trung tâm Văn hóa lại diễn ra Đại lễ tưởng niệm Đức vua và Lễ hội Đền Huyền Trân, với sự tham dự của hàng vạn người dân địa phương và các du khách từ khắp nơi đổ về nhằm tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã có công mở nước.

Cũng trong khuôn viên của Trung tâm Văn hoá Huyền Trân còn có một công trình kiến trúc đặc sắc nữa, đó là tháp chuông trên đỉnh núi Ngũ Phong, ở độ cao 108m so mực nước biển. Đặt tên là Tháp chuông Hoà Bình, những người xây dựng công trình chắc hẳn có tâm nguyện cầu mong cho một thế giới luôn hoà bình, an vui.

Sau ít phút dừng chân bên tượng thờ Di Lặc còn gọi là ông Địa có nụ cười viên mãn để cầu mong an lạc, hạnh phúc đầy nhà là con đường dẫn lên tháp chuông. Vượt qua 246 bậc thang, đi giữa những tán thông xanh còn đang trĩu nước của cơn mưa rào mùa hạ, tôi lắng nghe tiếng chuông trầm, âm vang, thong thả của ai đó đang thỉnh trên đỉnh núi. Và rồi tháp chuông uy nghi hiện ra. Chiếc chuông đồng cao 2,16m, nặng 1,6 tấn cũng do các nghệ nhân của phường Đúc - Huế cẩn tác. Phía trên mặt chuông có khắc lần lượt tám chữ: Thế giới - Hoà bình - Nhân loại - Hạnh phúc. Phần phía dưới mặt chuông là hình ảnh những ngôi chùa cổ kính, tiêu biểu của đất nước trải dài từ Bắc và Nam: Chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột) ở Hà Nội, chùa Thiên Mụ ở Huế, chùa Giác Lâm ở thành phố Hồ Chí Minh và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ở Quảng Ninh cùng với những hoạ tiết Rồng - Hạc, hoa lá, sóng biển được chạm khắc tinh xảo, hài hoà.

Đứng trên đỉnh núi Ngũ Phong phóng tầm mắt ra bốn phía, một màu xanh bất tận trải dài trước mặt: kìa là núi Ngự Bình đã đi vào thơ ca về xứ Huế mộng mơ, kìa là dãy Tam Thai, dãy Thiên Thái, là hồ Trường Xuân trong xanh như ngọc, kìa dải cát trắng xen lẫn màu xanh ngắt của cửa biển Thuận An…; lắng nghe tiếng gió vi vu thổi giữa rừng thông, tiếng chim ríu rít, hít sâu vào lồng ngực bầu không khí thanh sạch, trong lành và nhẩn nha đếm từng nhịp chuông ngân vang: nhịp thứ nhất cầu cho thế giới hoà bình, nhịp thứ hai cầu cho nhân loại hạnh phúc, nhịp thứ ba…, nhịp thứ tư…chợt thấy mình như lạc giữa cõi bồng lai tiên cảnh. Mỗi khi tiếng chuông gióng lên, lan tỏa trong không gian, dường như thế gian bớt phiền muộn, những linh hồn như được siêu thoát, và lòng người trên dương gian hân hoan, rộng mở. Và phải chăng đó cũng là ước nguyện của mỗi người khi đến viếng thăm Trung tâm Văn hóa tâm linh huyền diệu nơi đất cố đô này…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày