GN - Buổi sáng, trời âm u. Bao giờ cũng vậy, ở một vùng đất cực Nam giáp rừng, giáp biển này, mưa thường đến sớm hơn nơi khác, sau khi trải qua mấy tháng mùa khô, nắng rát da rát thịt.
TT.Thích Huệ Thành tuyên bố khai giảng khóa an cư của PG tỉnh Cà Mau
Con đường hẹp dẫn vào chùa Phật Tổ (TP.Cà Mau) nhiều đoàn người đi ra, đi vào nườm nượp. Đó là những đoàn Tăng Ni, Phật tử đến cúng dường cho hạ trường Tăng cũng như hạ trường Ni (chùa Kim Sơn) nằm cách vài con phố. Năm 2000, Sắc tứ Quan Âm cổ tự (chùa Phật Tổ) được Nhà nước cấp bằng Di tích Lịch sử cấp quốc gia và hàng năm, tại nơi này đều diễn ra an cư kiết hạ tập trung.
Vào ngày 19-4 ÂL vừa qua, GHPGVN tỉnh Cà Mau đã tổ chức khai giảng khóa hạ kéo dài đến 12-7 ÂL là bế giảng.
Năm nay, trường hạ Tăng tập trung tại chùa Phật Tổ quy tụ 35 vị Tăng và 30 vị Ni, lớn tuổi nhất là 75 và nhỏ nhất là 14 tuổi. Trường hạ Ni thì tổ chức tại chùa Kim Sơn với 78 vị Ni, lớn tuổi là trên 80 và nhỏ nhất là 11-12 tuổi. Trường hạ Tăng do TT.Thích Huệ Thành, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Cà Mau làm Thiền chủ; Trường hạ Ni do NS.TN Phước Liễu, Trưởng Phân ban Ni giới làm Thiền chủ. Cả hai trường hạ tập trung Tăng Ni từ TP.Cà Mau và các huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Cái Nước, U Minh, Thái Bình và Phú Tân.
So với thời trước năm 2000 thì hiện nay, sự đi lại từ các huyện lên tỉnh đều thuận lợi nhờ hệ thống đường bộ đã rải đều khắp, trước đây muốn di chuyển từ huyện lên tỉnh phải mất đi một buổi đến cả ngày, vì đi bằng đường sông, rạch.
Điều dễ nhận ra tại trường hạ Tăng là sự khó khăn về an sinh do chùa Phật Tổ đang xuống cấp rất nhiều, bên cạnh đó là ở phía sau chùa đã cho khởi công xây chánh điện mới với diện tích là 21x49m = 1.029m2 theo như bản thiết kế được duyệt, dự kiến công trình là 15 tỷ đồng. Chỗ nghỉ của chư Tăng là mỗi phòng diện tích 3x15m dành cho 8 người và ngủ dưới sàn xi-măng. Còn ăn uống thì Phật tử cúng dường có gì ăn đó. Không biết ở trường hạ các địa phương an sinh ra sao, nhưng có gì ăn đó ở đây là hết sức đạm bạc.
Còn về sức khỏe thì cứ nửa tháng một lần, đoàn bác sĩ ở Bệnh viện Cà Mau vào kiểm tra, khám bệnh cho chư Tăng nhập hạ, bên cạnh đó, chùa còn có một Tuệ Tĩnh đường đóng góp một phần trong việc chăm lo sức khỏe của hạ trường.
Trong thời gian diễn ra an cư, từ năm 2005 cho đến nay, tại đây còn tổ chức đạo tràng Phật thất dành cho Phật tử tu học 7 ngày. Buổi sáng có 150 người, buổi chiều 200 người, có khoảng 50% số người tu học ở lại chùa vì họ ở xa.
Nói về đặc điểm của trường hạ năm nay, TT.Thích Huệ Thành, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Cà Mau bộc bạch: “Tôi cho rằng, chư Tăng nhập hạ dù điều kiện an sinh khó khăn nhưng họ hướng về tu học thật mãnh liệt. Dù khác nhau về địa bàn sinh sống, nhưng họ rất đoàn kết và quan tâm hỗ trợ nhau trong mọi mặt sinh hoạt, tu học. Đây cũng là thuận lợi cơ bản của trường hạ về mặt tinh thần. Còn đối với Phật tử tu học, trong điều kiện khó khăn của hạ trường mà họ đều vượt qua, hoan hỷ trong cúng dường, sinh hoạt, điều này theo tôi nghĩ họ đã thấm nhuần pháp môn Tịnh độ, có niềm tin sâu sắc ở Đức Phật nên mọi chướng ngại họ đều vượt qua và hoan hỷ tu học”.
Chư hành giả Tăng Ni của PG tỉnh Cà Mau an cư tại 2 trường hạ tập trung do Tỉnh hội tổ chức
Riêng về trường hạ Ni chùa Kim Sơn, việc khó khăn về an sinh thì có đỡ hơn chùa Phật Tổ, ở hạ trường này nổi bật là Ni trẻ nhập hạ nhiều hơn (có tuổi đời từ 28-35 tuổi), đa số đều là Tỳ-kheo. Còn Sa-di nhỏ nhất cũng là 20 tuổi. Do đặc điểm chùa Kim Sơn khang trang và rộng rãi nên từ việc an sinh cho đến tu học của chư Ni diễn ra khá nề nếp và ổn định.
Về Cà Mau lần này, tôi có gặp lại SC.Như Thanh, cựu học viên của khóa bồi dưỡng lớp báo chí ngắn ngày do Báo Giác Ngộ tổ chức vào những năm trước đây. Bây giờ SC.Như Thanh là Trưởng ban Thông tin-Truyền thông của Phật giáo TP.Cà Mau. SC.Như Thanh có hướng dẫn tôi về thăm ngôi chùa Từ Phước, nằm trên Quốc lộ 63 đường đi Kiên Giang.
Chùa Từ Phước cách TP.Cà Mau 15km là một ngôi chùa nhỏ nằm trong vùng hẻo lánh, trước mặt chùa là một con sông, cảnh vật u tịch và yên tĩnh. Đây là ngôi chùa Sư cô an trú tu hành.
Trở lại chùa Phật Tổ, cơn mưa đột ngột trút xuống. Nhưng hàng đoàn Phật tử vẫn đàng hoàng đội mưa, lũ lượt đi vào cúng dường trường hạ. Họ ở các huyện vùng xa, có người ở tận Năm Căn, Đất Mũi, nhưng tinh thần Phật pháp của họ thì mãnh liệt vô biên.
GHPGVN tỉnh Cà Mau có 44 cơ sở thờ tự bao gồm: 29 chùa Bắc tông, 2 TX hệ phái Khất sĩ, 4 chùa Nam tông, 2 chùa Hoa tông, 7 Niệm Phật đường (1 ngôi chùa thuộc di tích lịch sử cấp quốc gia là tổ đình Sắc tứ Quan Âm, 1 ngôi chùa thuộc di tích lịch sử cấp tỉnh - chùa Cao Vân Khmer). Tổng số toàn tỉnh có 153 vị Tăng Ni (47 vị Tăng và 106 vị Ni). |
Trần Đức