Thân trung ấm tồn tại có trái ngược với giáo lý Vô ngã?

Ảnh sưu tầm từ internet
Ảnh sưu tầm từ internet

GN - Khi còn sanh tiền năm uẩn đều Không, khi mất rồi thần thức… cũng đều Không.

HỎI: Tôi có điều chưa hiểu rõ về khái niệm thân trung ấm-hương linh. Trong kinh Bát-nhã, Đức Phật dạy “ngũ uẩn giai không”, vậy cái gì còn tồn tại sau khi con người trút hơi thở cuối cùng, liệu cái đó có phải là “thần thức-hương linh-thân trung ấm-trung hữu”. Nếu nói như vậy nghĩa là đang chấp ngã, điều này hoàn toàn không phù hợp với lời kinh, ý Phật. Ngũ uẩn giai không thì có cái gì thường còn để mà tái sinh, để được cầu siêu, để nghe kinh mà tỉnh ngộ. Vậy nếu cho rằng còn có cái tồn tại sau khi thân tứ đại tan rã thì rõ ràng đi ngược lại với giáo lý Vô thường, Vô ngã, tánh Không. Hơn nữa, theo chỗ tôi biết, thời Đức Phật còn trụ thế, Ngài chưa từng nói về lễ cầu siêu, cũng chưa từng có thuyết linh, do đó liệu rằng lễ cầu siêu hiện nay có tác dụng hay không? Và Đức Thế Tôn có phải đang dần bị các thứ nghi lễ kia thần thánh hóa, biến thành vị thần xin thì cho, cầu thì ban hay không?

(BÙI TRƯỜNG SƠN, truongsonacc@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Bùi Trường Sơn thân mến!

Đúng là trong kinh Bát-nhã, Đức Phật dạy “năm uẩn đều không”. Khó hiểu nhất trong lời dạy này là chữ Không. Không đây không phải mang nghĩa đối lập với có, là không có gì cả mà siêu việt nghĩa có-không thường tình. Không chính là không có tự tính, duyên khởi tính, vô ngã tính, là Sunyata. Như vậy, Phật dạy thân năm uẩn này là không có tự ngã, do duyên sanh chứ không nói thân này là “không có cái gì cả”.

Ngoài giáo lý duyên sanh, vô ngã, Đức Phật còn dạy về luân hồi và tái sanh. Con người sau khi chết không mất hẳn mà tái sanh vào trong lục đạo tương ứng với nghiệp của mình. Vậy cái gì đi tái sanh? Cái đó, tạm gọi là “thần thức-hương linh-thân trung ấm-trung hữu”. Điều đáng nói là cái thần thức… này không phải là linh hồn trường cửu, bất biến (như quan niệm của các tôn giáo khác) mà nó cũng duyên sanh, vô ngã như thân năm uẩn vậy. Có thể nói, khi còn sanh tiền năm uẩn đều Không, khi mất rồi thần thức… cũng đều Không. Và như thế, không có gì chấp ngã hay không đúng với “lời kinh, ý Phật” hoặc “ngược lại với giáo lý vô thường, vô ngã, tánh không” cả.

Theo chỗ bạn biết, “thời Đức Phật còn trụ thế, Ngài chưa từng nói về lễ cầu siêu, cũng chưa từng có thuyết linh”, thiết nghĩ, bạn có biết nhưng chưa trọn. Trước hết, đối tượng để cầu siêu không phải chỉ có thần thức, thân trung ấm mà các chúng sanh trong ác đạo (đặc biệt là loài ngạ quỷ sống quanh ta). Thời Phật tại thế, chính Đức Phật cũng như các Tỳ-kheo nói pháp khai thị (thuyết linh) cho các ngạ quỷ, dạ-xoa, la-sát giác ngộ, bỏ tà quy chánh rất nhiều. Mặt khác, mỗi khi có người qua đời, tứ chúng thường hỏi Thế Tôn vị ấy sanh về nơi nào, Thế Tôn thường nói cho tứ chúng biết rõ người ấy đã siêu thoát hay bị đọa lạc. Và như thế, lễ cầu siêu hiện nay là hoàn toàn cần thiết trong tâm nguyện cầu âm siêu, dương thái của mọi người.

Vấn đề “Đức Thế Tôn có phải đang dần bị các thứ nghi lễ kia thần thánh hóa, biến thành vị thần xin thì cho, cầu thì ban hay không” hoàn toàn tùy thuộc vào tuệ giác, chánh kiến của những người thực hành các nghi lễ cầu an, cầu siêu. Nếu những thí chủ tổ chức lễ chỉ nhằm “xin, cầu” Phật cho họ an, siêu và những vị Tăng (Ni) cũng nhắm mắt “xin, cầu” giúp cho thí chủ mà không khai hóa, hướng dẫn họ hiểu và tu học đúng như Chánh pháp thì việc này không phải là Phật sự đúng nghĩa. Bởi Phật không có quyền ban phúc hay giáng họa cho ai nên “xin, cầu” thì Ngài cũng không giúp được (huống là những Tăng, Ni bình thường). Chỉ có nhân quả mới thực sự có quyền năng, nên hãy gieo nhân lành để gặt phước quả tốt đẹp. Phật dạy nên “xin, cầu” điều tốt để hưởng quả lành. Cầu siêu cũng vậy, Phật cũng không giúp cho họ siêu sanh, và chúng ta không một ai có thể làm cho họ siêu sanh, trừ việc chính họ tỉnh thức mà thăng hoa, siêu thoát.

Đức Phật là bậc Giác ngộ, giáo pháp của Ngài luôn đồng nhất một vị giải thoát. Vì thế, cần nghiên tầm và thực hành theo đúng Chánh pháp để được lợi ích, an lạc.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Tiểu sử Hòa thượng Thích Bửu Huệ (1914-1991)

[Video] Tiểu sử Hòa thượng Thích Bửu Huệ (1914-1991)

GNO - Hòa thượng Thích Bửu Huệ đã hiến trọn cuộc đời thanh tu của mình cho chúng sinh và đạo Pháp. Hơn 40 năm không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc, bằng tấm lòng từ bi vô ngã, bình đẳng vị tha, Ngài đã tận tâm trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài và dẫn dắt tín đồ Phật tử bước theo con đường Chánh pháp.
Ảnh minh họa

Tĩnh lặng giữa dòng chảy của vô thường

GNO - Một trong những lời dạy đầu tiên của Đức Phật là bản chất của tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Với trí tuệ của một bậc toàn giác, Ngài đã nhận ra rằng bất cứ điều gì nhìn bề ngoài có vẻ ổn định thì đều liên tục thay đổi.

Thông tin hàng ngày