Thanh bình quá, Viêng Chăn ơi !

Có mặt tại Viêng Chăn vào những ngày cuối tháng 10, tôi có may mắn được tận mắt chứng kiến lễ hội Thạt Luổng - lễ hội tôn giáo lớn nhất của Lào - một đất nước Phật giáo là quốc đạo và hầu như tháng nào trong năm cũng có lễ hội. Nhìn vào lễ hội Thạt Luổng, có thể hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của người Lào và sự thanh bình, thân thiện của xứ sở hoa chăm-pa…  

Cổ kính Viêng Chăn - thành phố 450 năm tuổi

Những đoàn người rước Phạ Sạt Phơng diễu quanh Tháp Thạt Luổng.

Những đoàn người rước Phạ Sạt Phơng diễu quanh Tháp Thạt Luổng.

Tôi không rành lắm gốc gác, nhưng theo giải thích của chị Bu Pha thì Viêng Chăn tiếng Lào có nghĩa là "Thành phố Trăng". Lại nói thêm về chị Bu Pha. Từng học những năm cuối phổ thông tại Việt Nam, sau đó chuyển tiếp lên đại học cũng tại Việt Nam, nên với chị Bu Pha, ngôn ngữ tiếng Việt chị cũng rành rẽ như tiếng Lào. Nay đang làm việc ở phòng quốc tế của Thông tấn xã Lào tại Viêng Chăn, chị thủ thỉ: "Chỉ đôi năm nữa là đến tuổi về hưu rồi" - một cách nói thật thà và chân tình nhưng với ngôn ngữ rất Việt Nam . Những ngày ở Viêng Chăn, có chị Bu Pha làm bạn, cũng là cơ hội để tôi hiểu sâu hơn về suy nghĩ, tình cảm của con người ở đây.

Trở lại với "Thành phố Trăng" - tôi rất ấn tượng với gốc nghĩa cái tên của thành phố thủ đô này. Có tận mắt chứng kiến, ngắm thành phố yên bình nằm dọc dòng sông Mê Công với rất nhiều đền, chùa cổ kính lấp lánh sắc vàng tắm mình trong ánh trăng rằm của lễ hội Thạt Luổng diễn ra mới có thể hiểu nét hiền hòa và sự giao thoa, gần gũi với thiên nhiên của Viêng Chăn như thế nào. Những ngày lễ hội, đại lộ Lan Xang, con đường lớn nhất của thủ đô Viêng Chăn, lúc nào cũng nườm nượp ô tô; xe máy cũng có nhưng rất hiếm. Có một điều rất lạ so với Việt Nam là tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng còi xe, nhưng các phương tiện chấp hành rất nghiêm túc việc phân làn đường và tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, không thấy xe nào đi kiểu "đánh võng", phóng nhanh, vượt ẩu hay cố len lên phía trước như vẫn thấy hằng ngày trên đường phố Hà Nội. Cuối đường Lan Xang là Patuxay Gate - biểu tượng chiến thắng của người Lào được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước để tưởng nhớ những người con của đất nước Triệu Voi đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Về hình thức tổng thể, Patuxay Gate rất giống với khải hoàn môn ở Paris, nhưng quan sát kỹ phần trên và phía vòm cuốn vẫn có những nét rất đặc sắc, đó là các hình tượng trang trí nữ thần Kinari - nửa người nửa chim, những phù điêu mô tả trường ca Rama và các tháp mang đậm phong cách truyền thống của người Lào. Theo cầu thang xoắn chôn ốc dẫn lên tầng 7 của Patuxay Gate có thể ngắm nhìn tương đối bao quát toàn cảnh thành phố Viêng Chăn.

Và cũng từ Patuxay Gate có thể chiêm ngưỡng tháp Thạt Luổng uy nghi, lộng lẫy, rực một sắc vàng, choáng ngợp góc trời phía đông thành phố Viêng Chăn. Chị Bu Pha bảo, dịch nghĩa ra, "Thạt Luổng" tiếng Lào có nghĩa là một tòa tháp lớn. Theo các tài liệu để lại thì ngôi chùa này được bắt đầu xây dựng vào năm 236 Phật lịch, tức năm 307 trước Công nguyên. Sau đó, vào thế kỷ thứ XVI khi đất nước thống nhất, đức Vua của Vương quốc Lan Xang là Xệt-thả-thi-lạt đã quyết định dời kinh đô của đất nước Triệu Voi từ Luang Prabang về Viêng Chăn. Và Thạt Luổng được tu bổ lại xây bọc thêm ngôi tháp cũ bằng một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy giữ nguyên cho đến ngày nay. Thủ đô Viêng Chăn đã có bề dày lịch sử với khoảng 450 năm tuổi, còn tháp Thạt Luổng thì đã có tới hơn hai nghìn năm tuổi. Cũng theo tương truyền, Thạt Luổng là một trong số ít những chùa chiền của đạo Phật trên thế giới được lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập cõi Niết Bàn…

Tháp Thạt Luổng - Di sản văn hóa thế giới, biểu tượng và niềm tự hào của đất nước Triệu Voi - là kiến trúc trung tâm của chùa Thạt Luổng và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào với chiều cao 45m. Theo truyền thuyết thì, xưa kia để có màu vàng của Tháp Thạt Luổng, người ta đã dát lên đó khoảng trên 1.000kg vàng lá. Đế tháp dài 91m, rộng 75m, được xây dựng mô phỏng theo đài hình sen nở cánh vàng ra bốn phía. Trên đài sen là những bệ hình vuông, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Ngoài tháp chính còn có 30 tháp nhỏ biểu tượng cho Đức Phật Thích Ca với 30 năm tu hành gian khổ của người để trở thành Phật. Trên các tháp nhỏ này có đắp nổi những hàng chữ Bali , ghi các lời răn của đức Phật từ bi…

Lễ hội Thạt Luổng - niềm tự hào của đất nước Phật giáo

Lễ Tắc bạt dọc con đường dẫn vào Tháp Thạt Luổng. Ảnh: Nhật Huy

Lễ Tắc bạt dọc con đường dẫn vào Tháp Thạt Luổng.
 Ảnh: Nhật Huy

Hằng năm, khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch, lễ hội Thạt Luổng được tổ chức vào đúng tuần trăng tròn và thường kéo dài 3 đêm. Cụ thể như năm nay là dịp rằm tháng chín (âm lịch). Ngày đầu tiên bắt đầu hội Thạt Luổng là lễ tắm Phật. Tiếc rằng hôm đó chúng tôi đang di chuyển từ Luang Prabang về Viêng Chăn nên không được chứng kiến. Nhưng ngay sáng sớm hôm sau, bước ra từ khách sạn đã thấy đường phố Viêng Chăn ngập tràn trong bầu không khí lễ hội. Dòng người và phương tiện từ khắp nơi tập trung về phía tháp Thạt Luổng. Đại lộ Lan Xang rộng là vậy mà xe ô tô nêm chật cứng. Cảnh sát giao thông của Lào (trong đó có rất nhiều nữ) phải làm việc cật lực. Không thấy ai cáu gắt, hay xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy mất trật tự. Ở Lào, chủ yếu sử dụng xe ô tô bán tải, có lẽ vì vừa tiện cho việc phục vụ cả gia đình lại vừa có thể vận chuyển hàng hóa hay mua sắm. Tôi thấy, mỗi xe ô tô dễ thường phải chở tới 2-3 gia đình, trong đó có rất nhiều người già, con trẻ. Nhiều xe, họ ngồi chật cả phần phía sau xe ô tô bán tải thường dành cho việc chở hàng. Ai ai cũng diện những bộ quần áo mới nhất, trang trọng nhất và nét mặt người nào cũng tươi tắn, trang nghiêm, thành kính. Và trên mỗi xe lại có một ngọn tháp được trang trí rất đẹp. Chị Bu Pha giải thích, một trong những nét chính của hội Thạt Luổng là lễ rước Phạ Sạt Phơng từ chùa Mẹ Xỉ Mương tới Thạt Luổng. Phạ Sạt Phơng là một mô hình đền thờ được làm bằng xốp, xung quanh gắn hoa làm bằng sáp ong màu vàng rực rỡ, phía dưới cùng bày biện hoa quả, lễ vật rất công phu. Trên chóp Phạ Sạt Phơng cắm 9 bông hoa sen trắng, xung quanh tháp có các tua dây kết hoa hoặc tiền bạc có ý nghĩa giống như tập tục đốt vàng mã, tiền bạc… của người Việt Nam. Nhưng có điều khác là tiền gắn trên Phạ Sạt Phơng của người Lào là tiền thật chứ không phải tiền giấy mã. Theo tục lệ, mỗi gia đình, bản hoặc một nhóm người… đều có thể chung nhau cúng một Phạ Sạt Phơng.

Chị Bu Pha bảo, ngày này người dân từ mọi nơi trên đất nước Lào đều tập trung về Viêng Chăn, tham gia Lễ hội Thạt Luổng. Dễ dàng nhận ra những người Lào Lùm của vùng đồng bằng qua váy tơ lụa khăn đóng sặc sỡ, còn người Lào Xúng ở những vùng cao thì diện váy đen, áo chẽn, khăn đen, hoa văn trắng, vàng, đỏ… Những phụ nữ trong đoàn chúng tôi cũng được các bạn Lào may tặng váy truyền thống, còn đàn ông thì được nhận quà là một chiếc khăn mang chéo qua ngực, chúng tôi hòa vào dòng người hướng về phía tháp Thạt Luổng. Tại đây, quanh chân tháp, các phật tử, sư sãi đứng quanh thành hàng dọc, đốt nến, thắp hương thành kính. Còn từng bản, từng nhóm người, hay các gia đình rước Phạ Sạt Phơng trong tiếng hò hét theo nhịp trống đuôi rất vui vẻ. Đoàn người cứ nối nhau rồng rắn lên mây, với những Phạ Sạt Phơng đủ kích cỡ trên vai, diễu quanh tháp Thạt Luổng đúng ba vòng, vừa đi vừa cầu khấn trời phật về những điều may mắn, sau đó dừng lại ở hậu sảnh, để dâng hoa, thắp nhang, dâng lễ vật cho những người tu hành…

Dọc con đường dẫn vào tháp Thạt Luổng, hàng nghìn nhà sư từ khắp các ngôi chùa trên đất nước Lào tập trung về đây, kê bàn đứng dọc hai bên đường để phật tử thập phương về dâng lễ gồm tiền, hoa quả, bánh kẹo và xôi. Lễ Tắc bạt (dâng lễ cho các nhà sư) thật đẹp và trang nghiêm. Một bên là dòng người quần áo đủ các màu sắc, chậm chạp, thành kính dâng lễ, còn một bên là hàng dài các sư sãi lặng lẽ tiếp nhận lễ vật, trang phục tu hành rực một màu vàng truyền thống. Hơi thở của ai cũng như nhẹ lại, chỉ có tiếng rì rầm cầu kinh, cầu phúc…

Khác hẳn với phần lễ, phần hội Thạt Luổng diễn ra ở sân lớn phía ngoài rất náo nhiệt với những trò chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể thao và có hàng trăm ki-ốt được dựng lên để phục vụ việc mua sắm. Trong biểu diễn văn nghệ tại lễ hội, người Lào đặc biệt chú trọng tới việc phô diễn các làn điệu dân ca, dân vũ nổi tiếng mang tính đặc trưng như lăm Lưởng (hát truyện thơ), lăm tơi đến các loại lăm (múa) mang tính địa phương như lăm Sa La Văn, lăm Si Phăn Đon (Nam Lào), lăm Tằng Vải… Con trẻ thỏa sức với các trò chơi dân gian truyền thống bên cạnh những trò chơi hiện đại như đu bay, ô tô điện… Đàn bà bận bịu việc sắm sửa cho gia đình, còn cánh đàn ông thì ung dung ngồi nhâm nhi bia Lào với những đồ ẩm thực truyền thống. Đâu đó, cứ có tiếng nhạc nổi lên là người ta (không kể quen hay lạ) đều say sưa nhảy múa điệu Lăm vông vốn là đặc trưng không thể thiếu trong các dịp liên hoan, lễ hội của Lào. Tuyệt nhiên không thấy tiếng cãi cọ, chèo kéo khách. Và lạ nhất là trong khung cảnh đông đúc như vậy mà không thấy ai bị mất cắp, mất trộm.

Những ngày diễn ra lễ hội Thạt Luổng, dường như Viêng Chăn thức khuya hơn. Chỉ đến khi tụi trẻ hay người già bắt đầu cảm thấy buồn ngủ thì những chiếc xe bán tải mới chậm rãi đưa các gia đình trở về nhà. Đêm cuối, đêm thứ 3 của lễ hội diễn ra thật ấn tượng, hàng nghìn phật tử cầm trên tay ngọn nến đã được thắp sáng, đi vòng quanh thảm cỏ bên trong khuôn viên Thạt Luổng, tạo nên một cảnh sắc đẹp đến huyền ảo, tăng thêm không khí linh thiêng cho khu vực vốn đã ẩn chứa nhiều huyền bí của đất nước Triệu Voi. Và chắc không riêng tôi, ngay cả với những bạn Lào, sự luyến tiếc về những ngày đêm đặc biệt trong năm như thế này thể hiện rõ trên gương mặt.

Gần 23 giờ, cả Viêng Chăn chìm trong giấc ngủ, thành phố trở về với sự yên tĩnh, thanh bình. Tôi tha thẩn dạo bộ hết đại lộ Lang Xang, rồi rẽ xuống phố Tây (khu phố có nhiều khách nước ngoài) chạy dọc bên con sông Mê Công hiền hòa, những hàng quán hầu hết cũng đã đóng cửa. Tìm mua một bao thuốc lá là điều không đơn giản. Vậy là ngày mai tôi đã phải chia tay thành phố xinh đẹp này dù còn nhiều điều chưa khám phá hết, trừ "Lễ buộc chỉ cổ tay" các bạn Lào sẽ tổ chức chúc phúc cho những người trong đoàn trước khi lên đường. Không biết bao giờ tôi mới có dịp quay trở lại nơi đây, nhưng chắc chắn tôi không thể quên được Viêng Chăn cùng sự chân tình, đôn hậu của những người dân Lào mà tôi đã gặp. Hẹn ngày gặp lại nhé, Viêng Chăn ơi!

(Tháng 11-2009)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày