Thành tựu Chánh kiến

Thành tựu Chánh kiến
0:00 / 0:00
0:00
GN - Người Phật tử trong quá trình tu học mà thành tựu chánh kiến, đối với pháp được bốn bất hoại tịnh thì bảo đảm chắc chắn là không rơi vào ba đường ác, được sinh vào trời người hưởng phước báo - thuận duyên trên con đường tu học...

Một thời Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả Xá-lê Tử từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hi-la, chào hỏi lẫn nhau, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá-lê Tử nói với Tôn giả Đại Câu-hi-la như vầy:

- Tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho chăng?

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

- Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, ngài muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ.

Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:

- Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó mà Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập Chánh pháp không?

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

- Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện.

- Thế nào là biết bất thiện? Ác hành của thân là bất thiện, ác hành của khẩu là bất thiện, và ác hành của ý là bất thiện. Đó là biết bất thiện.

- Thế nào là biết bất thiện căn? Tham là căn của bất thiện, nhuế, và si là căn của bất thiện. Đó là biết căn của bất thiện.

- Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập Chánh pháp.

Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:

- Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập Chánh pháp chăng?

- Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết thiện và biết căn của thiện.

- Thế nào là biết thiện? Diệu hành của thân là thiện. Diệu hành của ý và khẩu là thiện. Đó là biết thiện.

- Thế nào là biết căn của thiện? Vô tham là căn của thiện, vô nhuế và vô si là căn của thiện. Đó là biết căn của thiện.

- Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết thiện và biết thiện căn như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập Chánh pháp…”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Xá-lê Tử tương ưng, kinh Đại Câu-hi-la, số 29 [trích])

Chánh kiến tức sự nhận thức đúng chân lý, quan điểm hợp Chánh pháp. Chánh kiến đứng đầu trong Bát chánh đạo, được xem như kim chỉ nam dẫn lối cho chúng sinh thực hành đúng Chánh pháp để bước vào dòng Thánh. Bốn bất hoại tịnh (còn gọi bốn bất hoại tín) tức niềm tin trong sạch, không bị lay chuyển vào Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới.

Người Phật tử trong quá trình tu học mà thành tựu chánh kiến, đối với pháp được bốn bất hoại tịnh thì bảo đảm chắc chắn là không rơi vào ba đường ác, được sinh vào trời người hưởng phước báo - thuận duyên trên con đường tu học và cao hơn có thể dự vào Thánh quả Tu-đà-hoàn.

Ít ai ngờ cái nhân cho phước quả chánh kiến và bốn bất hoại tịnh thù thắng ấy thật không quá khó làm, có thể nói là đơn giản, đó là biết những điều bất thiện và nguồn gốc của chúng. Biết rõ ba điều ác của thân (giết hại, trộm cướp, tà hạnh), bốn điều ác của miệng (nói dối, nói ác, nói chia rẽ, nói dua nịnh), biết rõ ba điều ác của ý (tham lam, sân nhuế, si mê). Trong đó, ý nghiệp tham - sân - si là nguồn gốc để thúc đẩy thân và miệng tạo nghiệp ác.

Ngược lại, biết rõ không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh là ba nghiệp thiện của thân; biết rõ không nói dối, không nói ác, không nói chia rẽ, không nói dua nịnh là ba nghiệp thiện của miệng; và biết rõ nguồn gốc của thiện là ý vô tham, vô sân, vô si.

Có thể thấy từ nơi thân - khẩu - ý trong đời sống hàng ngày sẽ quyết định tương lai tốt đẹp hay xấu ác. Biết rõ như vậy rồi thì ngay nơi ba nghiệp mà chuyển hóa để từng bước hoàn thiện. Biết rõ bất thiện thì không làm, biết rõ là thiện thì gắng làm. Nhìn sâu hơn sẽ thấy “ý dẫn đầu các pháp” nên luôn tỉnh giác để biết rõ mầm mống của thiện ác ngay trong tâm ý, nếu tốt thì hát huy, nếu xấu thì diệt trừ. Đây là một trong những biểu hiện cụ thể của người thành tựu chánh kiến.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày