Học thảo luận về giới luật

Chư Tăng bố-tát, thính giới tại Việt Nam Quốc Tự (29-6-Canh Tý) - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Chư Tăng bố-tát, thính giới tại Việt Nam Quốc Tự (29-6-Canh Tý) - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GN - Một thời Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương Xá, ở tại Vô sự thất, cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm như khỉ vượn.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cùng với chúng Tỳ-kheo sau giờ ngọ thực, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương Xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lê Tử từ đằng xa trông thấy Cù-ni-sư đi đến. Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng:

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về Luật và A-tỳ-đàm. Vì sao thế. Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về Luật và A-tỳ-đàm. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Luật và A-tỳ-đàm, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về Luật và A-tỳ-đàm’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Luật và A-tỳ-đàm”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Xá-lê Tử tương ưng, kinh Cù-ni-sư, số 26 [trích])

Chúng ta đều biết, pháp học của người tu vốn bao la nhưng tựu trung không ngoài học để hành giới-định-tuệ. Trích đoạn của kinh văn xác định “nên học thảo luận về Luật và A-tỳ-đàm” là môn đầu tiên của Tam vô lậu học. Luật ở đây chính là giới luật. Còn A-tỳ-đàm, theo chú giải, không mang nghĩa Luận tạng hình thành về sau mà chính là tinh nghĩa, chỗ thâm sâu của Luật và Pháp.

Nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ là biểu thức căn bản, dành cho hầu hết người tu muốn nghiêm thân, tấn đạo. Muốn giữ giới được trọn vẹn, trước phải thông tỏ giới luật. Muốn am tường về giới luật thì cần phải học tập và thảo luận thường xuyên để kiện toàn. Hình ảnh một nhóm Tỳ-kheo ngồi lại trao đổi với nhau về các vấn đề của giới luật thật đẹp đẽ và thực sự cũng khá hiếm hoi trong thực tiễn tu học hiện nay.

Thường thì người ta hay quan tâm đến những vấn đề họ yêu thích, thảo luận những đề tài gắn bó mật thiết trong đời sống. Vì thế, người tu thảo luận về những vấn đề liên quan đến giới luật là tín hiệu đáng mừng. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, cũng vậy tu hành phải có giới luật. Ngoài việc Giáo hội mở các viện, khoa chuyên về Luật học thì mỗi cá nhân Tỳ-kheo tham gia tìm hiểu, trao đổi, thảo luận về giới luật để phụng trì chính là góp phần làm hưng thịnh Chánh pháp.

Vị Tỳ-kheo khi sống một mình nơi núi rừng thanh vắng (vô sự), xa lìa đại chúng thì sự tìm học về giới luật càng quan trọng hơn. Khi sống chung, nếu có chểnh mảng về giới luật hay sơ thất về uy nghi liền được đại chúng soi sáng, góp ý để hoàn thiện. Còn sống một mình nếu không am tường giới luật để tự thúc liễm thì lâu dần sẽ trở nên tùy tiện, phóng túng, giới bị khiếm khuyết hoặc thậm chí có thể bị phá hủy.

Dĩ nhiên, khi Tỳ-kheo có một nền tảng nhận thức cũng như kinh nghiệm hành trì căn bản mới được ở riêng. Khi đã ở nơi thanh vắng thì giới luật chính là hàng rào, tường vách để che chắn, bảo vệ. Thế nên phải gia cố cái tường rào giới luật mỗi ngày bằng cách ôn lại những gì đã học, tìm hiểu thêm những gì chưa học, thảo luận với mọi người để được tường minh. Khi mọi thứ đã tỏ tường thì không còn nghi hoặc, tin sâu việc giữ giới sẽ hỗ trợ thành tựu định và tuệ mà giữ gìn cho thật trọn vẹn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày