“Thầy chúng con đã nhập thất”

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Dòng thông tin trên được đặt trang trọng trước thiền thất của Thượng tọa Thích Trí Chơn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP từ trước Tết cổ truyền, như một thông báo về sự vắng mặt của thầy trong những ngày xuân rộn ràng bên ngoài cổng chùa.
Nhập thất cuối năm trở thành truyền thống của Thầy Trí Chơn. Với tôi, đây là lời nhắc nhở mình tu, không có gì phải quá bận rộn cả - Ảnh: Tu viện Khánh An

Nhập thất cuối năm trở thành truyền thống của Thầy Trí Chơn. Với tôi, đây là lời nhắc nhở mình tu, không có gì phải quá bận rộn cả - Ảnh: Tu viện Khánh An

Tôi đọc nội dung thông báo ấy và xúc động.

Trong đời sống của người xuất gia hay tại gia, việc dành thời gian cho sự tu học, nghiên tầm kinh-luật-luận, thúc liễm thân tâm là việc chính yếu, quý giá nhất.

Mỗi năm, vị xuất sĩ sẽ có ba tháng tu chung. Đó là thời điểm An cư kiết hạ. Chư Tăng Ni sẽ về một trú xứ để cùng học, cùng tu, giữ gìn giới luật, chính là mạng mạch Phật pháp. Đức Phật dạy, khi Ngài nhập Niết-bàn, tứ chúng cần “lấy giới làm thầy”.

Trong đời sống hằng ngày, công việc Phật sự, giao tế xã hội, đôi khi vị xuất sĩ có những khuyết giới, thì an cư chính là thời gian để thúc liễm, làm cho đời sống của mình có chất liệu. Nhờ đó, Phật tử cũng được nương theo tu cùng, học cùng, thể hiện trọn vẹn vai trò hộ trì của mình.

Nhưng, việc tu của từng vị xuất sĩ, tất nhiên còn có những hạnh-nguyện và phương pháp hành trì riêng mà chỉ vị ấy mới biết. Và kết quả, chính là năng lương tươi mát tỏa ra từ vị ấy khiến Phật tử cảm nhận được và tìm tới quy y bằng cách này, cách khác.

Có những vị, sự học sự tu của các ngài làm nhiếp tâm người chưa gặp, chỉ cần biết đến, đọc hoặc nghe một pháp thoại, nội tâm được chữa lành từ những câu chữ mà vị ấy viết, nói. Từ đó, họ tự quy y và gọi là Thầy một cách đầy trân trọng, biết ơn.

Phật giáo phát triển hơn 2.000 năm tại Việt Nam và có lẽ chưa bao giờ “mở cửa” rộng rãi như hiện nay, một phần vì thế giới đã được kết nối dễ dàng qua màn hình phẳng. Mỗi người học Phật dễ dàng tiếp cận với vị Thầy, pháp môn mà mình cảm thấy phù hợp sau khi tìm, hiểu, chắt lọc. Đó là điều thuận lợi nhưng cũng có mặt trái, dễ làm Phật tử sơ cơ cảm thấy rối nếu không tìm thấy được cái chung xuyên suốt của các pháp học, pháp hành. Lúc này, nguồn năng lượng chánh niệm, tỉnh thức của vị Thầy qua đời sống tu học, hành đạo sẽ là bảo chứng để Phật tử cảm nhận và quy y.

Với tôi, những vị tôn đức có đời sống phạm hạnh và dành thời gian yên tu luôn khiến mình xúc động. Mỗi lần nghe tin Đức Đệ tứ Pháp chủ - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nhập thất trong mùa tu gia hạnh truyền thống của ngài, tôi lại có cảm xúc đặc biệt. “Một vị Hòa thượng lớn, Phật sự nhiều như vậy, làm sao có thể đóng cửa ở yên nhiều ngày, không tiếp xúc với ai được?”, tôi vẫn thường tự hỏi khi soi lại mình, chỉ làm vài việc cá nhân mà thu vén vài hôm không điện thoại, không đi đâu, “nhập thất” cũng quá khó.

Có lẽ do tôi chưa dũng mãnh!

Câu hỏi ấy, sự tự vấn ấy cứ lớn dần, rồi có lúc tôi cũng dứt ra được. Tôi chọn khóa xuất gia gieo duyên để tham gia suốt 10 ngày vào ngày đầu xuân ba năm trước. Trong khoảng thời gian ấy, tôi thông báo với mọi người là mình vắng mặt vài ngày để đi chơi xa. Thế rồi cũng qua, không một việc gì dừng lại khi thiếu mình, thậm chí còn diễn ra tốt hơn lúc có mặt của mình.

Tác giả tham gia khóa tu xuất gia gieo duyên ngắn hạn

Tác giả tham gia khóa tu xuất gia gieo duyên ngắn hạn

Tất nhiên, khi còn sống, ai cũng sẽ làm việc và đảm nhận vai trò, trách nhiệm liên quan, ứng xử tương ứng với vị trí đang là, nhưng nếu vắng để “thúc liễm thân tâm” thì là một trong những việc giúp cho công việc của mình tốt hơn, vị trí của mình đẹp hơn.

Những vị Thầy lớn đã chọn thời gian nghỉ riêng để sạc đầy năng lượng định-tuệ rồi lại tiếp tục công việc trong một năm. Đây cũng là bài pháp quý giá mà quý ngài dạy mình.

Do vậy, nhất định, tôi sẽ tiếp tục chọn những khoảng thời gian phù hợp để “nhập thất”, mỗi năm. Có thể bằng một khóa tu hoặc thời gian tự tu, quan sát thân tâm mình, nhẹ nhàng với chính mình để bước đi vững chãi hơn trong bộn bề thế sự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày