Thêm một tập sách khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

GNO - Đó là tập Địa dư đồ khảo (tài liệu lịch sử nằm trong tủ sách quý của gia đình Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn) đã được Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN tổ chức công bố sáng nay, 28-8-2012, tại tòa soạn Báo Giác Ngộ (TP.HCM).

Buổi công bố có sự tham dự của HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN cùng nhiều học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu VN và ở nước ngoài như: GS.TS Trần Văn Khê, GS.Cao Huy Thuần, GS.TS Lê Mạnh Thát, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần…

Dia du do khao01.JPG

Rất đông học giả, nhà nghiên cứu quan tâm tham dự - Ảnh: Bảo Toàn

Dia du do khao02.JPG

HT.Thích Trung Hậu phát biểu khai mạc. Hòa thượng cho rằng, tinh thần nhập thế của đạo Phật,
cùng với chủ trương Đạo pháp gắn liền với Dân tộc, nên việc tìm hiểu, công bố các cứ liệu lịch sử để đấu tranh
về chủ quyền dân tộc là việc làm cần phát huy của mỗi người con Phật - Ảnh: B.Toàn

Theo đó, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết, Địa dư đồ khảo do nhà Thanh xuất bản, thời kỳ đầu triều Quang Tự (1875-1908) tại Trung Quốc. Ở Việt Nam, cụ Trần Đình Bá (1867-1933) lúc làm Thượng thư Bộ Hình triều Khải Định (1916-1925) đã cho sao chép lại cất vào tủ sách Phước Trang ở tư thất (hiện nay mang số 114 Mai Thúc Loan, TP.Huế).

Tập sách truyền đến đời thứ 4 là nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thừa kế, di chuyển vào Sài Gòn từ năm 1968, lưu giữ tại nhà số 128 Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM).

Địa dư đồ khảo viết trên giấy xuyến tốt (rộng 16cm, dài 27cm) ghi nhận sao y bản chính với tổng cộng 65 tờ viết chữ Nho hai mặt, gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ đính kèm.

Cụ thể, tập sách khảo cứu về 7 tỉnh của Trung Quốc, các nước có chung biên giới (trong đó có Việt Nam, phần Việt Nam, Tiêm La, Miến Điện khảo lược (có bản đồ), Phụ đính An Nam Đông Kinh toàn đồ và các khu vực lớn chung quanh Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết, Địa dư đồ khảo rõ ràng, chính thức xác nhận Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) là biên giới cuối cùng của lục địa Trung Quốc. Đồng thời, ông còn cung cấp hai bức ảnh chụp cách đây bảy năm, ghi nhận ngày nay tại Du Lâm, cực Nam của Hải Nam vẫn còn các tảng đá rất to lớn ghi hàng chữ lớn: Thiên nhai hải giác (chân trời góc biển), hoặc Hải khoát thiên không (biển rộng trời không, mênh mông vô bờ bến).

Dia du do khao05.JPG

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trình bày - Ảnh: Bảo Toàn

Dia du do khao10.JPG

Và giới thiệu về Địa dư đồ khảo - Ảnh: B.Toàn

Dia du do khao11.JPG

Báo chí rất quan tâm sự kiện này - Ảnh: B.Toàn

Sau phần trình bày của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, GS.Lê Mạnh Thát phát biểu, cho biết hiện tại ở các thư viện nước ngoài (như Mỹ chẳng hạn) có nhiều tư liệu quý chứng minh chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của VN, nên rất cần được tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể, chính xác để đấu tranh ngoại giao về vấn đề chủ quyền.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cũng góp ý rằng có nhiều tài liệu cổ thư cần được nghiên cứu, công bố nhằm khẳng định chủ quyền thiêng liêng của biển đảo VN, điều mà ở nước ta chưa có một cơ quan cụ thể để thực hiện, cũng như chưa tìm được người xứng tầm, có hiểu biết để giao phó nhiệm vụ quan trọng này…

Dia du do khao13.JPG

GS.Lê Mạnh Thát phát biểu - Ảnh: Bảo Toàn

Dia du do khao14.JPG

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần góp ý

Dia du do khao15.JPG

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái chia sẻ - Ảnh: Bảo Toàn

Kết thúc buổi công bố, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhấn mạnh, công bố Địa dư đồ khảo không ngoài mục đích góp phần củng cố tư liệu về chủ quyền biển đảo VN. Đồng thời, cũng ước mong, thông qua đây, sẽ có thêm nhiều tư liệu quý giá, nhất là được viết bởi chính Trung Quốc được tìm tòi để công bố, làm cơ sở đấu tranh ngoại giao về vấn đề chủ quyền VN.

Dịp này, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng nhắc lại một bài viết về biển Đông của học giả người Trung Quốc Lý Lệnh Hoa (Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc), đoạn nói rõ thêm về lãnh thổ, lãnh hải Trung Quốc, phù hợp với tập sách: “Vào thời nhà Thanh (đời Hàm Phong hoặc Đồng Trị), có một chiếc tàu buôn của Pháp chở đồng đi qua vùng biển Tây Sa thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. 

Địa dư đồ khảo.jpg

Bản đồ trong Địa dư đồ khảo thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa không phải của Trung Quốc

Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận làm bằng chứng để khi về báo cáo lại với chủ hãng và đòi bảo hiểm bồi thường. Viên thuyền trưởng người Pháp đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với tri phủ (tri huyện) địa phương.

Viên quan địa phương nói với thuyền trưởng người Pháp: “Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được mà cũng không muốn quản”. Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng. Quan chức địa phương ở đó rất tốt, xác nhận cho ông ta, lại còn cho tàu ra chạy ngoài biển, coi như đã truy bắt cướp.

Đó là chứng cứ về kiểm soát và quản lý thực tế. Chứng cứ này nói lên: chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận Tây Sa là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó. Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho Tây Sa là lãnh thổ của mình, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó. Điều đó chẳng đã chứng minh Tây Sa từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao?”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày