Hàng loạt cửa hàng, đại lý, siêu thị bán các mặt hàng như: quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, đồ điện máy, hàng gia dụng... đua nhau "xả hàng". Khuyến mại 50%, giảm giá 45%, mua 1 tặng 1, thanh lý toàn bộ, sắm tết trúng thưởng lớn, tết ngập tràn quà... là những "chiêu thức" khuyến mại phổ biến tại Hà Nội.
Trên đường Cầu Giấy, Phạm Ngọc Thạch, hàng hóa "made in Viet Nam" đang ồ ạt xả hàng cuối năm với tiêu chí kêu gọi: "Người Việt dùng hàng Việt". Giảm giá và hàng hóa phong phú nên các quầy hàng này thu hút khá đông người tiêu dùng Hà Nội đến mua trong nhiều ngày nay.
Bạn Vân (SV trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết: "Chúng em là sinh viên nên nhu cầu thì nhiều mà tiền thì có hạn, vì vậy khi có các chương trình giảm giá, khuyến mại như thế này là dịp để chúng em được lựa chọn hàng hóa, quần áo".
Cùng với các cửa hàng, đại lý, nhiều siêu thị, dịch vụ viễn thông tại Hà Nội cũng ra sức khuyến mại trong những ngày cuối năm theo hình thức vừa bán hàng vừa "treo giải thưởng" mua sắm.
Trên đường Cầu Giấy, Bà Triệu, Cát Linh, Giảng Võ, những gian hàng Tết đã được khai trương, bày bán nhiều hãng mứt Tết như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Đồng Khánh và hàng hóa, thực phẩm Tết.
"Chúng tôi khởi động bán hàng Tết từ cuối tuần trước, tuy nhiên nhu cầu sắm Tết của người dân lúc này chưa nhiều, nhưng bắt đầu từ tuần sau lượng người mua chắc chắn sẽ tăng cao" - chị Nhung (nhân viên một gian hàng Tết trên đường Bà Triệu) cho hay.
Tại phố cổ Hà Nội, hoạt động mua sắm Tết đã khởi động từ cuối tháng 12/2009, tuy nhiên những ngày này không khí Tết Nguyên đán mới thực sự "nóng" lên.
Phố Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Buồm nhộn nhịp những sạp hàng bày bán bánh, mứt, kẹo, ô mai Tết. Hàng Mã rực rỡ đồ trang trí và đồ cúng ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp. Đào, Mai thật và giả đã bắt đầu diễn ra tất bật.
Đua nhau khuyến mại bằng nhiều "chiêu thức"
"Chúng tôi khởi động bán hàng Tết từ cuối tuần trước, tuy nhiên nhu cầu sắm Tết của người dân lúc này chưa nhiều, nhưng bắt đầu từ tuần sau lượng người mua chắc chắn sẽ tăng cao" - chị Nhung (nhân viên một gian hàng Tết trên đường Bà Triệu) cho hay.
Đối với các mặt hàng thực phẩm, ngay cả khi kinh tế đang bị suy thoái nhưng tâm lý tiêu dùng và nhu cầu mua sắm tăng trong dịp Tết là nguyên nhân tạo cung đột biến và đẩy giá hàng hoá trên thị trường lên cao.
Khảo sát thị trường cho thấy, nhiều loại thực phẩm đang bắt đầu chạy và tăng giá từ 5 - 20%. Cụ thể: mức tăng của thịt lợn, thịt gà, thịt bò dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg; tôm, cá và đồ biển cũng nhúc nhích thêm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg; các loại đồ khô như: măng khô tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, mộc nhĩ và nấm hương tăng thêm 2.000 đồng/lạng; đồ hộp có mức giá tăng khoảng 1.000 - 5.000 đồng/hộp, gói...
Giá cả thị trường Tết tại Hà Nội có nhiều biến động
Chị Lượng (một tiểu thương trong chợ Thành Công) dự đoán: "Tăng thế này ăn thua gì, những ngày gần Tết nhu cầu của người mua lớn nên khả năng giá cả còn tăng nữa".
Hiện tại, các loại hoa quả chưa có dấu hiệu tăng giá đột biến ở các chợ đầu mối, nhưng nhiều người tiêu dùng Hà Nội cho rằng phải đến những ngày cận Tết thì mới biết được chính xác về mức giá có thể leo thang.
Sở Công thương Hà Nội dự báo, trong tháng Tết Nguyên đán, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng cao hơn các tháng trong năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Canh Dần 2010 tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm.