Thiện & ác

Sáng nay ngồi tĩnh tọa, hai chữ thiện - ác cứ xáo trộn trong đầu. Một lần nữa, tôi nhận ra không dễ gì làm chủ tâm ý, ngồi thiền mà tâm đi đến cảnh giới nào, và rồi tôi cùng tâm đi du lịch thay vì hạn chế cái tâm viên, ý mã này.

4.jpg

Tôi bắt đầu dõi theo tâm tán loạn, đến lúc ý niệm thiện - ác khởi lên: “Làm thiện suốt đời, thiện vẫn cứ thiếu/Một giờ làm ác, ác tự có dư”. Hình như đâu phải một giờ, một phút, ngay trong từng sát-na sanh tử, điều ác chúng ta đã tạo ra không hề mất đi. Kinh Nhân quả báo ứng dạy: “Giả sử bách thiên kiếp. Sở tác nghiệp bất vong. Nhân duyên hội ngộ thời. Quả báo hoàn tự thọ”. Mà “quả báo hoàn tự thọ” kia ảnh hưởng, ám ảnh suốt một kiếp người và không chừng dư cho cả kiếp sau. Sát-na sanh tử này dư cho kẻ làm ác, thử nghĩ như kẻ lỡ tạo ra điều ác, để rồi phải chịu bao nhiêu hậu quả không lường. Chỉ một phút nông nổi sai lầm mà luống cả một kiếp người.

Đọc Đông Tây kim cổ, tôi chưa hề thấy kẻ nào giết người mà thoát khỏi tù tội, tử hình, lại thêm một cái chết thảm đi kèm theo. Chỉ một phút giây tâm ý không làm chủ tạo ra tội lỗi để rồi lương tâm như một tòa án tự xét xử trước khi bị trừng phạt bởi người khác. Có ai thích mình bị như vậy đâu! Thật là “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Chúng ta trồng đậu ra trái đậu, trồng bí cho ra bí, đậu không thể là bí. 

Ác nghĩ nôm na là như vậy, còn điều thiện là cái gì?

Lúc nhỏ chưa biết gì là đạo lý làm người, chưa hiểu gì chữ nghĩa Hán - Việt, tôi hay nghe người lớn nói đi làm từ thiện hay nghe các nhà sư nói làm “thiện sự”. Tôi nghĩ một cách ấu trĩ theo kiểu trẻ con, rằng mình phải đem tiền của ban tặng hay giúp cho người khác thì gọi là việc thiện. Thật đúng con đường làng với lũy tre xanh quá dài, bầu trời xanh với cánh diều quá rộng, để trẻ con lắm khi lạc đường.

Lớn lên, đi xa trở về, tôi mới thấy con đường làng sao mà hẹp quá so với bầu trời xanh. Nếu đem con đường làng so với những con đường cao tốc nơi đô thị của các nước văn minh thì thấy nó nhỏ nhưng mà xinh lắm. Bởi không có cánh diều tuổi thơ, làm sao chắp cánh cùng cánh cò trắng để bay cao, xa hơn. Những ý niệm thiện là gì, nó đã đọng lại trong tâm khảm cũng giống như những vần thơ, những câu ca dao tục ngữ và bài học vở lòng từ nhỏ thì đố mà ta quên cho dù đi đâu về đâu. Bụi thời gian và màu không gian đã dạy thêm cho tôi thiện là gì chính từ sự hiểu ấu trĩ ban đầu khi tôi biết ban tặng cho người khác một vật gì đó là thiện.

Lớn lên chạy theo tiếng gọi chân lý, tham cầu học vấn để rồi xa dần quê hương không biết đường về. Vỡ òa sáng nay trong giờ tĩnh  tọa, tôi nhận ra gần hết ý nghĩa lời Phật dạy: “Không làm các việc ác/Gắng làm  các việc lành/Giữ tâm ý trong sạch/Đó là lời Phật dạy”.

Quả thật, có người nghe nói Phật giáo cao siêu, họ đã đến nghe và xem thử. Nhưng khi nghe trả lời như vậy họ cười ồ lên và rằng: Phật pháp chỉ đơn giản ba câu vậy thôi sao? Đúng vậy, chỉ vỏn vẹn ba câu thôi. Ba câu, mà đứa bé lên ba nào cũng có thể thuộc lòng, nhưng liệu người già tám mươi tuổi hẳn chắc đã làm xong.

Dễ mà khó, khó mà dễ, đạo Phật như một bài thơ không lời. Dễ là chúng ta học thuộc lòng để đối đáp, nhưng khó là khó ở chỗ thực học, thực tu. Chỉ có “giữ tâm ý trong sạch thôi” mà suốt một đời chúng ta phải tu tâm, dưỡng tánh.

Không làm ác, gắng làm lành chỉ là thân tạo nghiệp thiện. Nhưng không phải chỉ một phút giây tức thời chúng ta phát ra hành động, lời nói thiện hay ác mà nó phải được phôi thai từ ý niệm trong tâm rồi mới phát xuất hành động, và hành động đó đem lại lợi ích cho mình, cho người hay ngược lại.

Làm sao giữ tâm ý trong sạch để khi nhắm mắt xuôi tay mọi người khóc, mà ta lại cười. Mọi người khóc để thương người thân, người bạn tốt, một người biết khoan dung, độ lượng. Đây là lẽ đương nhiên cái quả chúng ta làm suốt một đời.

Vấn đề còn lại, chúng ta cười. Cười thanh thản ra đi, không dính mắc, không vướng lụy. Cười vì lương tâm không cắn rứt vì những điều bất thiện đã lỡ tạo ra. Có khi không còn vướng nợ tiền tình mới cười nhắm mắt xuôi tay một cách mãn nguyện. Đây là ra đi với tâm ý trong sạch, điều đơn giản mà người già tám mươi chưa làm trọn vì mấy ai cười lúc ra đi. Cười ra đi hay giữ tâm ý trong sạch, đó là kết quả cả một đời học Phật, tu nhân. Tôi nghĩ nếu cười ra đi được là đồng nghĩa với sự vãng sanh Tịnh độ.

Dễ mà khó để hoàn thành trọn hai mệnh đề song song giữa sanh tử và thiện ác này cho một kiếp người: “Khi sanh ra, mọi người cười mà ta thì khóc”. Vậy phải sống làm sao để “Khi chết đi, mọi người khóc, nhưng ta lại cười”. Đạo Phật đơn giản vậy thôi, đừng nghĩ cao siêu triết thuyết luận bàn Phật giáo như một tôn giáo hay phân khoa triết học. Đạo Phật là một nghệ thuật sống, sống để tránh xa điều ác, tiếp cận và thực hành điều thiện. Những gì Phật dạy là pháp, mà pháp vốn dĩ là những quy luật tự nhiên, ai đi ngược với các pháp tự nhiên như nó đang là sẽ bị mâu thuẫn và gặp nhiều trở ngại.

Còn duy nhất là thực hành, ngay cả Đức Phật suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, cuối cùng Ngài cũng tuyên bố “Ta chưa hề nói gì”. Ngài nói đúng sự thật, vì những gì Ngài nói, chư Phật trong quá khứ đã nói giống như vậy. Túc nghiệp trong quá khứ, dù thiện nghiệp hay ác nghiệp đều ảnh hưởng đến cuộc sống khổ vui hiện tại. Tương tự như vậy, tốt xấu trong tương lai cũng quyết định bởi những tạo tác của hành vi trong hiện đời. 

Tôi đã đi quá xa cùng ý niệm thiện - ác trong giờ tĩnh tọa sáng nay. Cầu xin và hồi hướng hồng ân Tam bảo cho tha nhân tùy duyên tiêu nghiệp cũ, đừng tạo thêm nghiệp mới nữa. Nguyện  giữ chánh niệm tỉnh giác trong mỗi ý niệm, lời nói và việc làm thiện ngõ hầu thay thế cho ba nghiệp ác đang len lỏi và dễ dàng tăng theo cấp số nhân so với nghiệp thiện trong tâm khi sống giữa cõi trần thanh sắc xôn xao này. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày