Thiền viện nằm dựa lưng vào núi Đá Chồng
Cùng với miếu Văn Thánh, hòn đá Dao, quần thể này đã nổi tiếng là địa linh của tỉnh Ninh Thuận, nơi đã từng dập dìu người hành hương lễ bái nhưng trải qua một thời gian dài không ai trông nom. Theo chủ trương “Tam giáo đồng nguyên” (Phật-Khổng-Lão đồng nguồn) của Phật giáo đời Trần, ngày 10 tháng 11 năm Mậu Tý (6-12-2008), Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ được chính thức xây dựng trên mảnh đất linh địa này, đồng thời trùng tu ngôi miếu thờ Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử.
Theo sự chỉ đạo của Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, Thiền viện Viên Ngộ sẽ là trung tâm dành cho các thiền sinh chuyên tu thiền. Pháp tu trọng tâm của thiền sinh là tọa thiền. Tất cả thiền sinh tại đây lấy thiền làm mạng sống. Vì thế, trong bốn oai nghi, thiền sinh lúc nào cũng tỉnh giác, biết rõ “chân tâm hiện tiền”. Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ đã thành lập đạo tràng Trúc Lâm Sen Hồng sinh hoạt theo tôn chỉ của tông môn.
Tượng Bồ tát Quan Thế Âm vừa được hoàn thành trên lừng chừng núi
Thiền đường đang được xây dựng
Qua một năm thi công, Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ đã hoàn thành thiền đường, 2 dãy trai đường, 1 nhà khách, 3 nhà mát, 1 bếp, hệ thống vệ sinh… Đặc biệt, chánh điện Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ được xây bằng đá. Phía cánh hữu, tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm cao 10m đứng trên bệ sen cao 1m như mang sự từ hòa, an lành đến người dân địa phương.
Vào lúc 7 giờ sáng ngày 9 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (23-1-2010), Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ sẽ làm lễ an vị Phật tại chánh điện và an vị tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm.