GNO - Sene Đônta là một là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính của con cháu, thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà và những người đã khuất.
Trang nghiêm và thành kính trong lễ Bos Bai Ben tại chùa Hluong Bassac Bai Chhau, thị trấn Mỹ Xuyên
Đây là một trong 3 lễ truyền thống lớn của đồng bào Khmer Nam bộ (gồm Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn ta và Ok Om Bok-lễ cúng Trăng).
Lễ Sene Đônta của đồng bào Khmer Nam bộ còn có tên gọi khác là Phchum Ben, nghĩa là mùa tựu phúc đức, vì người Khmer xem đây là lễ lớn nhất trong các lễ tạo phúc đức.
Theo truyền thống của đồng bào Khmer, trong lễ Sene Đônta, người ta thường thực hiện các nghi thức như lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), dâng cơm lên sư sãi tại chùa để hồi hướng quả phúc đến ông bà tổ tiên, lễ rước ông bà và lễ tiễn ông bà tổ tiên…
Trong mùa tựu phúc, nghi thức Bos Bai Ben được cộng đồng Phật tử Khmer tại các phum sóc thực hiện tại khu vực chánh điện của bổn chùa trước khi mặt trời mọc. Nghi thức này được thực hiện kéo dài trong thời gian 16 ngày của mùa tựu phúc đức Sene Đônta-Phchum Ben.