Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ giảng nói cho các thầy.
Thế nào là pháp thoái thất? Nghĩa là, khi mắt thấy sắc rồi sinh tâm ham muốn nên Tỳ-kheo ấy vui mừng, khen ngợi, nắm giữ, dính mắc và bị pháp ấy xoay chuyển. Nên biết Tỳ-kheo ấy đã thoái thất các pháp lành, các pháp mà Thế Tôn đã chỉ dạy. Đó gọi là pháp thoái thất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.
Thế nào là pháp không thoái thất? Nghĩa là, khi mắt thấy sắc thì không sinh tâm ham muốn nên Tỳ-kheo ấy không vui mừng, không khen ngợi, không nắm giữ, không dính mắc và không bị pháp ấy xoay chuyển. Nên biết Tỳ-kheo ấy không thoái thất các pháp lành, các pháp mà Thế Tôn đã chỉ dạy. Đó gọi là pháp không thoái thất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.
Thế nào là sáu thắng xứ? Khi mắt nhìn thấy sắc mà không sinh tâm ham muốn, trói buộc, đắm nhiễm thì nên biết Tỳ-kheo ấy đã vượt thắng được nhập xứ kia(3). Vượt thắng được nhập xứ kia, đó là điều Thế Tôn đã dạy. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng lại như vậy. Nếu Tỳ-kheo kia đã vượt thắng được sáu xứ rồi thì các kết sử tham dục được đoạn trừ, các kết sử sân giận, ngu si cũng được đoạn trừ. Ví như ông vua chiến thắng được quân thù thì được tôn là vua chiến thắng. Người nào đoạn trừ được mọi kết sử trói buộc thì được gọi là Bà-la-môn chiến thắng.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
______________
(1)Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.278. 0076a03). Tham chiếu: S.35.96 - IV.76.
(2)Nguyên tác Lục xúc nhập xứ (六觸入處); đoạn dưới Lục thắng nhập xứ (六勝入處).
(3)Nguyên tác Thắng bỉ nhập xứ (勝彼入處): Nhập xứ (入處 - Āyatana), ở đây có nghĩa là cơ sở nền tảng của căn và trần, là sự vượt thoát khỏi sự chi phối của căn và trần, tức là thức không bị đắm nhiễm.