Vào những năm đầu thập niên 1990, tôi có một người bạn từ Huế ra Hà Nội, ở trọ để theo học tại Đại học Dược. Gói ghém kinh phí, bạn thuê nhà trong một xóm lao động.
Nhiều người trong xóm trọ làm nghề buôn bán thịt heo ở các khu công nhân. Đối diện phòng trọ của bạn tôi là cặp vợ chồng trung niên, sau giờ buôn bán, hễ về tới nhà là mở nhạc cho cả khu xóm nghe.
Không mở nhạc để giải trí riêng trong gia đình, họ chĩa hẳn cái loa thùng to đùng ra ngoài cửa, không giới hạn giờ giấc và không cố định, thích là mở, chỉ tắt khi họ muốn.
Bạn tôi đã nhiều lần sang nhắc tế nhị, xin nhỏ âm lượng lại để bạn và các bạn sinh viên ở trọ học bài, nhưng việc đó không được tiếp nhận. Nhạc vẫn nổi lên cho cả xóm nghe, và người chịu trận trực tiếp là những phòng đối diện với hướng cái loa thùng to tướng đó.
Không thể chịu nổi, bạn đã nghĩ một cách, dồn tiền đi mướn một cái loa thùng cũng to không kém, cùng với chiếc máy cát-sét mini autorevert, cắm điện, nhét cái băng nhạc ngoại vào, chĩa thẳng sang phòng của nhà thường mở nhạc kia, khóa cửa và sang nhà bạn ở nhờ.
Sau 2 ngày 2 đêm, bạn nhận được tin nhắn của đôi vợ chồng hàng xóm chuyên mở nhạc gây tiếng ồn cho cả xóm, xin về… tắt nhạc đi vì họ không chịu nổi. Cuối cùng, bạn cũng quay trở về, và sau đó buộc phải chuyển nơi trọ.
Câu chuyện ô nhiễm âm thanh gần đây đã được các cơ quan chức năng quan tâm, đặc biệt tới nạn karaoke từ loa… kẹo kéo.
Người viết cũng từng chứng kiến cảnh một vị lão tăng tuổi gần 80 ở một ngôi chùa núi yên tĩnh phải ôm… gối xuống ngủ nhờ phòng của chúng trong chùa vì không chịu nổi với âm thanh hát hò, nghe đâu của một nhà có đám cưới gần chùa vọng vào. Người lớn tuổi mất ngủ do tác động bên ngoài, dĩ nhiên là ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Trong dịp Tết vừa rồi, một ngôi chùa ở phường An Phú Đông, quận 12 - TP.HCM cũng không thể yên vì tiếng ồn bủa vây xung quanh, từ những “cuộc vui” karaoke với các thể loại nhạc khác nhau của những người có chút men nên cao hứng “hát cho cả thế giới nghe”.
Thử tưởng tượng, đối với các chùa không sử dụng loa phóng thanh trong các nghi lễ, hoặc trong giờ chỉ tịnh (tọa thiền, niệm Phật), rơi vào lúc các âm thanh hỗn hợp đó thì lòng người thường mới tập tu, hoặc các bậc cao niên có lối sống quen với không gian núi rừng cũng khó mà yên tịnh cho được.
Người xưa nói điều gì mình không muốn thì đừng có áp đặt cho người khác (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân), trong duyên sinh, nếu con người có thái độ ứng xử như thế thì chắc chắn sự tranh chấp, làm phiền nhau, trong đó có những việc làm gây áp lực tâm lý, sẽ không có, hoặc nếu có thì sẽ giảm nhẹ sau đó.
Chính phủ đã ban hành nghị định về các biện pháp xử phạt, chế tài đối với các hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn; gần đây, có sự quan tâm tới nạn ô nhiễm âm thanh, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân, nhưng dường như việc xử lý vẫn chưa được nghiêm và đồng bộ, còn quá nhiều sự du di kiểu như… “Tết mà!”, “đám ma mà!”, “đám cưới mà!”, v.v…
Trong Phật giáo, gần đây, ở tang lễ của hai bậc tôn túc khả kính là cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang và Thiền sư Thích Nhất Hạnh, theo di huấn, đã được tổ chức trong yên lặng, không dùng loa phóng thanh. Không khí ấy đã gây nên sự xúc động cho rất nhiều người, đó được gọi là sự im lặng hùng tráng.
Cuộc sống luân chuyển, không thể tránh khỏi những xô bồ náo nhiệt, nhưng con người, bên cạnh những lúc sôi nổi, ồn ã, thì cũng phải có những khoảng lặng yên tĩnh. Con người cần sự yên tĩnh không chỉ để thư giãn thần kinh, đầu óc được nghỉ ngơi, mà lúc đó họ mới nghe được chính mình, lắng nghe được sự vận hành của sự sống trong chính mình.