GNO - Người già có những bài học cuộc sống tuyệt vời. Lắng nghe, suy nghiệm những bài học này có thể lợi lạc cho mọi người trong hành trình kiến tạo hạnh phúc cuộc sống ngay khi tuổi còn trẻ và sức khỏe còn dồi dào.
Bởi đó có thể là cái nhìn sau cùng của mình về cuộc đời nên người cao tuổi nhìn bằng cả tấm lòng
Đây là đúc kết của nhà báo người Đức Heike Faller trên tờ inews.co.uk sau những cuộc trò chuyện với các cụ già ở đất nước này.
Dưới đây là những chia sẻ quý giá và đáng suy nghiệm của các cụ:
Hãy dành thời gian tương tác, kết nối với thế giới xung quanh
Cụ bà 74 tuổi, một giáo viên từng hai lần đổ vỡ trong hôn nhân cuối cùng cũng tìm thấy người mang đến cho bà hạnh phúc và sự tôn trọng. “Bà làm điều này bằng cách nào?” - “Có bài học trong chuyện này”, bà đáp. “Tôi bớt thời gian đi tập yoga và ở một mình để dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc gặp gỡ nghiêm túc”.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân, hướng nội để nuôi dưỡng tâm hồn nhưng chính sự cởi mở, chia sẻ thông qua các kết nối xã hội lành mạnh cũng mang đến cho mỗi người cơ hội tìm thấy niềm vui và hạnh phúc thật sự.
Hãy sống hết lòng với tuổi già
Một biên tập truyền hình tuổi ngoài 70 cho biết, ông có nhiều thời gian sáng tạo nhất sau khi nghỉ hưu. Là một nhà báo thành công nhưng chỉ khi về già ông mới cảm thấy hoàn toàn tự do khỏi việc tích lũy cho tuổi hưu trí, mới bắt đầu có thời gian làm điều mình yêu thích như làm phim, viết sách, sáng tác...
Bên cạnh đó, với ông tuổi già là thời gian sáng tạo nhất vì ông thấy thật sự thoải mái khi giảm thiểu “những việc phải làm” để theo đuổi những điều bản thân quan tâm.
“Bài học tôi rút ra được là: Hãy biết cách nghỉ hưu ngay khi từ bạn còn trẻ. Ở đây, nghỉ hưu có nghĩa là làm những gì bạn thật sự muốn”, ông chia sẻ.
Không sợ hãi cái chết
Theo quan sát cá nhân của tôi, hầu hết người già đều không sợ chết. Họ sợ bệnh tật và đau khổ nhưng không hề sợ chết. Dường như với quãng đời đã qua, họ có nhiều cái “đủ”: nhìn thấy đủ, trải nghiệm đủ những điều tốt, xấu.
“Mỗi năm khi đặt một cái hũ rỗng trở lại kệ, bạn phân vân liệu mình sẽ cần nó nữa hay không. Nhưng mùa xuân lại đến và bạn lại làm thêm một hũ mứt dâu nữa...” - cụ ông kỹ sư 80 tuổi chia sẻ. Đó chính là sự tự tại của người cao tuổi, có thể bình tĩnh sống và sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì có thể xảy đến.
Đừng cố cho rằng tuổi già là một hành trình dễ dàng
Tôi không muốn “dễ thương hóa” mọi thứ. Người già thường phải mất đi bạn đời, anh chị em, bạn bè, trí nhớ, mái tóc và cả sự tự chủ trong sinh hoạt cá nhân.
Tuy nhiên, những khó khăn này cũng giúp chúng ta trở nên tích cực hơn. Nếu quan sát thật kỹ, bạn sẽ thấy rằng người cao tuổi, cũng như trẻ con - sống trong hiện tại nhiều hơn. Phải chăng vì không còn nhiều quỹ thời gian để lo lắng cho nên tất cả những gì còn lại chính là “ở đây và bây giờ”!
Một cựu đại sứ Đức ở Ấn Độ, 94 tuổi nói rằng: “Giây phút đẹp đẽ nhất của ngày hôm đó chính là lúc quan sát một cậu bé gần nhà ném những mẩu bánh mì cho chú dê con”.
Những giây phút ngắn ngủi và giản dị ấy thường được người cao tuổi nhắc đến. Họ biết rằng, mình sẽ không sống mãi; tựa như họ đang nhìn cái nhìn sau cùng của mình về cuộc đời nên nhìn bằng cả tấm lòng...
Trần Trọng Hiếu