GN - Hồi nhỏ, khi còn ngủ cùng nhau, chị thường nói với tôi mai mốt lớn lên sẽ không lấy chồng mà cứ ở vậy cho tới già để lo cho cả tôi và má. Cũng chẳng biết vì sao mà chị có suy nghĩ đó, chỉ biết rằng lời quả quyết đó đã gần như đi theo tôi suốt mười mấy năm trời.
Tình mẫu tử - Ảnh minh họa
Bằng chứng là năm mười chín tuổi có người tới hỏi, ngồi lì cả buổi từ chập tối cho tới khuya, uống hết mấy ấm chè xanh do chính tay má hãm nhưng chị nhất quyết không ra tiếp. Sau vài tháng ăn dầm nằm dề nhưng chẳng xi-nhê nên bỏ cuộc. Má thấy vậy cũng chẳng phản đối gì. Mười chín tuổi còn trẻ chán, chưa có ế được đâu mà lo. Vả lại má muốn chị Hai chín chắn hơn, ít ra cũng có công ăn việc làm, chứ con gái về nhà chồng mà tối ngày ru rú trong nhà, trong bếp như người bị cùm chân thì chán chết. Má từng trải qua rồi nên má biết. Chị Hai rúc đầu vào lòng má như mấy chú gà con mới nở, thầm thì:
- Ủa má, lấy chồng vui không má?
Má trầm ngâm nhìn lên bàn thờ cha, mếu máo: “Vui cũng có mà buồn cũng có”. Chị Hai thấy mặt má buồn hiu nên im re chẳng hỏi thêm, dù trong đầu chị thì muôn vàn những thắc mắc. Kể từ bữa đó, chị chẳng hỏi chuyện chồng con trước mặt má thêm một lần nào.
Hai bốn tuổi, chị Hai đã như khóm hoa cúc ngoài vườn. Má bắt đầu cảm thấy lo lo, khi dăm bảy đám đến dò hỏi làm quen nhưng một mực chị từ chối.
- Bộ mày tính không lấy chồng thiệt hả Hai?
- Bộ má tưởng con nói giỡn má sao má? Con ở vậy thiệt mà. Nhà mình đã thưa người, con đi lấy chồng, thằng Út đi học, má ở một mình sẽ buồn đó má ơi.
Má đuối lý nên lặng thinh. Mà thật ra chị Hai nói cũng phải. Vả lại có người mẹ nào muốn xa những đứa con của mình bao giờ. Vậy rồi má cũng thôi vì xóm này xưa nay nổi tiếng là con gái lấy chồng muộn, chắc chị Hai không phải ngoại lệ nên má bằng lòng.
Rồi chị Hai lên phố. Má đó giờ là người nghĩ thoáng nên chẳng cấm cản lũ con, miễn là tụi nhỏ ngoan ngoãn vâng lời là má chịu.
Phố cách xa nhà nửa ngày đi xe nhưng tuần nào chị cũng về thăm. Xa má, xa nhà không chịu nổi. Thấy chị đi đi về về hoài trong lòng má cũng vui nhưng ra bộ nghi ngờ:
- Ê Hai, mày ở trển làm sếp hay nhân viên mà xin nghỉ được hoài mà về vậy mày?
- Dạ nhân viên, má. Tại con nhớ má, nhớ nhà quá chịu hổng nổi - Nói rồi chị dụi mặt vào lưng má, vòng tay ôm chặt lấy vòng eo mà cả hai chị em tôi vẫn hay kêu là vòng eo con voi.
- Thôi được rồi. Buông tui ra. Bữa đứa nào kêu vòng eo con voi mà xáp xáp vô hoài.
Chị Hai cười hì hì rồi ngồi nhổ tóc sâu cho má. Chợt khựng lại vì những sợi tóc đã gần như bạc cả mái đầu. Chị ngồi đưa tay di di lên những sợi tóc xơ như rễ mía nhưng giả đò không bứt, sợ thấy tóc mình bạc, má càng thêm rầu.
- Trời, chi mà tìm hoài không thấy nổi cọng tóc sâu nữa má. Mà phải rồi, má đã già đâu mà có tóc sâu má heng.
- Đừng xạo nha Hai, bữa bà Tư Cá nhổ tau cả vốc, còn hẹn bữa khác qua nhổ tiếp mà… bả đi rồi. Hai chữ “đi rồi” buông thõng trong câu nói thành ra đứt đoạn. Phải chăng đời người rồi cũng như những câu nói, dài ngắn vô chừng. - Cái chứng ung thư coi vậy mà nó lẹ ghê.
Nói xong má ngồi lặng đi, đưa mắt trông theo mấy con chim sâu đang ríu rít ngoài vườn thở dài như muốn hỏi: “Đời người coi vậy mà ngắn ngủi, phải vậy không chim?”.
Rồi công việc trên phố bận rộn hơn, cũng vì tính tình thật thà chịu thương chịu khó mà chị Hai được mấy chú quản lý đưa lên làm tổ trưởng. Thời gian về thăm nhà ít dần cho đến bữa kia, chị Hai đột ngột trở về với đống hành lý khệ nệ.
- Bộ về nghỉ lễ hay sao mang hết đồ về mậy?
- Dạ không có, con về nghỉ luôn má à - Nói rồi chị Hai quỳ rạp xuống ngay chân má nức nở. Má còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra…
***
Cái thai được hơn bốn tháng thì hung tin ập đến. Nếu không bỏ cái thai đi thì tính mạng chị Hai cũng khó lòng giữ được. Má nghe xong chân tay bủn rủn, chẳng còn cách nào khác. Chỉ giữ được một trong hai.
Chị quyết định giữ lại cái thai, mặc cho khối u ác tính cứ ngày một lớn hơn ôm trọn lấy cơ thể. Chị hầu như không di chuyển, chỉ nằm lì một chỗ nếu không muốn đứa trẻ sinh non. Má ngày ngày nuốt nước mắt vào trong, mỗi khi ngồi cạnh bên bón từng thìa cháo lỏng lơ vào miệng chị cầm chừng.
Còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày sinh, quá thời hạn mà bác sĩ tiên đoán về ngày chị nằm xuống. Tôi không sao quên được những tháng ngày thấy chị quằn quại vì đau đớn trên giường bệnh, còn má thì không ngừng hy vọng, biết đâu bác sĩ nhầm, biết đâu. Lâu nay bác sĩ vẫn thế mà. Cầu trời lần này cũng vậy đi có được không trời.
***
Năm bữa sau thì chị Hai qua đời. Nhận thấy tiên lượng xấu nên bác sĩ đành cho mổ gấp mà cứu lấy đứa con. Nào hay chị đã đi mà chẳng kịp nhìn mặt thằng nhỏ lần cuối.
***
Má bế thằng nhỏ về sau gần nửa năm được chăm trong lồng kính. Thằng nhỏ giống chị y sì, từ ánh mắt cho đến đôi môi khiến lòng má càng thêm đớn đau gấp bội.
Má ngày ngày ẵm thằng nhỏ rong ruổi khắp ngoài sân trong nhà, nỗi đau theo thời gian đã khô cằn không đong nổi một giọt nước mắt kể từ ngày chị mất.
Nỗi đau theo thời gian sẽ dần nguôi ngoai nhưng không phải, nhất là khi nghe tiếng chim lảnh lót hót vang đâu đó trên ngọn cây ngoài vườn, má bế thằng nhỏ chạy ù ra đứng dưới gốc cây hỏi đổng: “Về thăm thằng nhỏ đó hả Hai? Phải mày không Hai?”, nhưng mặc nhiên chỉ có tiếng chim hót ra rả, mà chẳng có ai trả lời.