Tiếng chim mầu nhiệm

GN - Bà nội mất khi tôi còn nhỏ nhưng hình bóng của bà vẫn luôn in đậm trong tâm trí tôi, bà hiền hậu với con cháu và mọi người. Bà đến với đạo Phật và tu tập theo cách bình dân: Ở hiền thì gặp lành, gieo nhân nào thì gặt quả nấy, ăn chay và niệm Phật,…. Chỉ chừng đó thôi nhưng với bà cũng đủ để làm hành trang về cõi tịnh.

kinhadida.jpg


Trong kinh A Di Đà có nhắc đến những tiếng chim
như anh vũ, khổng tước... nhắc người niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng...

Bà mất vì bệnh tai biến mạch máu não. Bà ra đi đã để lại một nỗi buồn lớn cho con cháu, họ hàng. Đêm cuối cùng trước khi bà nhắm mắt, như tiên liệu được mình không thể qua khỏi, nên dù rất mệt bà vẫn cố gắng nói với mọi người đang có mặt trong phòng tụng kinh A Di Đà cho bà nghe. Vốn tối nào bà cũng tụng kinh trước bàn thờ Phật và con cháu trong nhà đều trì tụng theo nên ai cũng thuộc kinh. Theo ý nguyện của bà, tiếng kinh A Di Đà đã vang lên thật chậm rãi, nhẹ nhàng:

“…Lại nữa, Xá-Lợi-Phất! Cõi đó thường có những loài chim màu sắc xinh đẹp lạ thường, như chim bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá-lợi, ca-lăng-tần-già, cọng mạng; những loài chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã. Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát thánh đạo phần v.v… Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng...”.

Tiếng tụng kinh cứ đều đặn như vậy nhưng thỉnh thoảng lại có tiếng nấc, tiếng khóc của của dì, của cô tôi khi nhìn thấy môi bà mấp máy theo tiếng tụng kinh của cả nhà. Ngày đó đầu óc non nớt của tôi không hiểu gì nhiều, chỉ thấy mọi người chắp tay tụng kinh thì làm theo, nhưng không biết vì lý do gì mà nước mắt tôi cứ chảy dài. Có lẽ là do nhìn thấy họ hàng đang xúc động hay vì lời kinh tiếng kệ có một lực tác động nào đó tới tôi chăng? Bài kinh vừa dứt thì cả nhà bắt đầu niệm danh hiệu Phật. Giờ đây không còn những tiếng khóc xen lẫn nữa mà chỉ có tiếng niệm Phật A Di Đà thật trầm hùng. Bà vẫn mấp máy niệm theo, chợt tôi nhìn thấy ánh mắt bà sáng lên và nhìn xa xăm ở nơi nào đó. Trong tôi dường như đang có một tín lực vô hình thúc đẩy, tôi cứ niệm liên tục như cố để bà nghe thấy vậy. Rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay…

Tỉnh dậy, tôi đã nhìn thấy các bác sĩ đứng xung quanh giường bệnh của bà, tiếng khóc của cô, dì khiến tôi ngỡ ngàng hỏi bố: Bố ơi! Bà bị gì vậy bố? Bố tôi hai hàng nước mắt chợt chảy dài, bóp chặt lấy vai tôi, giọng run run chỉ nói được một câu: Bà về với Phật rồi con à! Lúc đó, tôi cũng ôm bố mà khóc òa lên. Sự tiếc thương dâng tràn mà không ai biết phải làm sao cả vì chẳng ai dám tin là bà đã mất…

Và rồi một điều kỳ diệu xảy đến xóa tan đi không gian nặng nề ấy, chợt có tiếng chim hót làm cho lòng mọi người lắng lại. Lạ lùng thay, tiếng chim hót lảnh lót ngay giữa đêm khuya. Không ai nhìn thấy hay từng biết về con chim ấy bao giờ, lần đầu tiên mọi người nghe được tiếng hót đó. Đó không phải tiếng của họa mi hay sơn ca, mà nó đã vượt lên trên tất cả những âm thanh ấy: thanh thoát, tuyệt diệu vô cùng khiến cho tâm mọi người trong giờ phút ấy trở nên an tĩnh, thanh thoát lạ kỳ. Nghe tiếng chim, mỗi người như cảm nhận sâu sắc những giáo huấn của Đức Phật về vô thường. Và tôi lại nhìn bà, lúc này đây, bà bình yên và thanh thản như đang ngủ một giấc thật sâu…

Đã mười mấy năm kể từ khi bà mất, và từ đó đến nay vẫn chưa có ai trong gia đình tôi nghe lại được tiếng chim ấy. Chỉ thỉnh thoảng vào sáng sớm, khi tôi thắp nhang cho Phật, cho bà, có vài tiếng chim ca đón chào ngày mới. Những lúc ấy tôi chỉ mỉm cười vì biết bà đang tiếp tục tu tập tại một nơi rất an lành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày