Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, cách đây 960 năm, cũng vào năm Nhâm Thìn (1052), vua Lý Thái Tông đã xuống chiếu đúc chuông lớn để trước thềm rồng Long Trì ở điện Thiên An thuộc hoàng thành Thăng Long, cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên. Trong một chính thể phong kiến thực tình còn chưa thoát khỏi giai đoạn sơ khai, đây là một hành động thân dân, thương dân cực kỳ tiến bộ xứng đáng được đánh giá cao.
Nhân hậu làm đầu
Lý Thái Tông, tên húy Phật Mã, là con trai trưởng của vua Lý Thái Tổ, sinh năm Canh Tý (1000) ở chùa Duyên Ninh thuộc cố đô Hoa Lư. Có tài liệu cho rằng, mẹ ông là Lê Thị Phất Ngân, con gái vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) và “hoàng hậu hai vua” Dương Vân Nga.
Lý Phật Mã được lập làm Đông cung Thái tử năm 13 tuổi (Nhâm Tý, 1012). Cũng năm này, ông được phong làm Khai Thiện Vương, lập cung Long Đức ở ngoài hoàng thành, ý là để có thêm điều kiện hiểu biết các việc của dân. Trong thời gian ngồi ghế Thái tử, ông nhiều lần được cử làm tướng cầm quân đi dẹp loạn và đều lập được công.
Năm 1019, Khai Thiện vương được trao quyền Nguyên soái, hành binh về phương nam đánh Chiêm Thành. Năm 1023, Khai Thiện vương lại phụng chiếu vua cha mang quân đi đánh Phong Châu. Mùa đông năm 1025, ông đi đánh Diễn Châu. Năm 1027, ông lên phía bắc đánh châu Thất Nguyên (Lạng Sơn).
Thế nhưng, khi Lý Thái Tổ qua đời năm Mậu Thìn (1028), việc lên ngôi của Lý Phật Mã lại không diễn ra suôn sẻ. Vốn trong lòng có nhiều ấm ức, hai người con khác của Lý Thái Tổ là Đông Chinh vương Lý Lực, Vũ Đức vương (không rõ tên) cùng ông chú ruột là Dực Thánh vương (em vua Lý Thái Tổ, không rõ tên) đã dấy quân làm phản.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng, khi hay tin, các bầy tôi tới cung Long Đức đón hoàng thái tử Phật Mã về để tôn lên ngôi, Đông Chinh vương, Dực Thánh vương và Vũ Đức vương đã “phục quân ở phía trong cửa Quảng Phúc, đợi Thái tử đến thì đổ ra tập kích.
Một lát, Thái tử từ cửa Tường Phù vào, đến điện Kiến Nguyên, thấy động, cho đóng các cửa điện lại, sai các vệ sĩ bố trí phòng bị”. Vốn bản tính nhân hậu, chỉ muốn “vẹn toàn tình cốt nhục”, nên Thái tử đã phân vân và nói với các bầy tôi: “Ta đây ở với anh em không phụ ai một tí nào, thế mà bây giờ các vương ấy làm sự bất nghĩa để nguy hại đến xã tắc! Vậy ý các khanh nghĩ sao?”.
Vì nghiệp lớn của dòng họ nên Lý Phật Mã đành phải để cho nội thị Viên ngoại lang là Lý Nhân Nghĩa và Vũ Vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu thẳng tay dẹp loạn. Rốt cuộc là Vũ Đức vương đã bị giết chết trong trận tiền. Đối với người em là Đông Chinh vương và ông chú là Dực Thánh vương, sau khi mọi việc ổn định, Lý Thái Tông đã xuống chiếu tha khi họ tới cửa cung khuyết xin chịu tội và cho phục hồi tước cũ. Ngay cả khi người em là Khai Quốc vương Lý Bồ đem phủ làm loạn ở Trường Yên, Lý Thái Tông cũng chỉ đích thân đi bình định và xong việc thì cũng xuống chiếu tha tội chết cho em và cho giữ nguyên tước cũ…
Tất nhiên, như chim một lần trúng tên, Lý Thái Tông ngồi trên ngôi báu càng hiểu rằng không thể mất cảnh giác với những bất trắc có thể nảy sinh trong các triều thần.
Cũng theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vụ làm phản của ba vương kể trên đã được thần núi Đồng Cổ báo mộng trước cho Lý Thái Tông phòng bị. Bởi vậy nên về sau, nhà vua đã sai lập miếu thờ thần Đồng Cổ ở bên hữu thành Thăng Long (tại làng Yên Thái). Tại đó, ông đã cho xây đàn, giết súc vật và cùng các quan lại uống máu ăn thề: “Làm con mà bất hiếu, làm tôi mà bất trung, thì Thần linh chu diệt!”. Những ai lẩn tránh, không tới dự hội thề Đồng Cổ đều bị phạt đánh đòn 50 trượng…
Cốt để yên dân
Vốn được vua cha chủ ý rèn luyện trong nghề binh đao và đã giao cho quyền điều hành quân tướng để dẹp loạn nên khi lên ngôi rồi, Lý Thái Tông vẫn không ngại thân chinh đi đánh đông dẹp bắc. Thời đó, nhà Lý không đặt tiết trấn, mọi việc binh và việc dân ở các châu đều giao cho các tù trưởng địa phương quản lĩnh. Theo phép nhân trị, nhà vua chỉ ràng buộc các tù trưởng này bằng các mối quan hệ tình cảm, lắm khi kết nối giao hảo chỉ bằng các cuộc hôn nhân. Thí dụ như gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu là Lê Kim Thuận. Hay gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiện Lâm…
Chùa Một Cột do vua Lý Thái Tông khởi dựng năm 1049
Dù rất bận việc binh đao nhưng Lý Thái Tông vẫn không xao nhãng những lo toan dân sinh. Ông rất hay bày tỏ lòng thương dân, hễ năm nào đói kém hoặc sau khi đi đánh giặc về, thấy dân gian còn nhiều khốn khó là ông lại giảm thuế cho dân trong hai ba năm. Năm Canh Thìn (1040), ông đã dạy cho cung nữ dệt được gấm vóc. Lý Thái Tông cũng thường xuyên đích thân đi cày ruộng trong Lễ Tịch điền.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, mùa xuân năm Mậu Dậu (1083), “nhà vua đi ra cửa Bố Hải, sai quan tư đắp đàn tế Thần Nông, chính mình tự tay cầm cày làm lễ cung canh. Những người ở tả hữu ngăn rằng: “Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần gì phải làm?”. Nhà vua nói: “Trẫm mà không chính mình cày ruộng thì lấy đâu có gạo làm tế phẩm để thờ cúng nhà tông miếu và lấy gì để làm gương cho thiên hạ?”. Bấy giờ nhà vua mới cày ba luống rồi thôi…”.
Lý Thái Tông cũng rất chú trọng tới việc sửa đổi luật pháp, cấm quan lại thu thuế phù lạm và kích thích sự chủ động cáo giác các hành động tội phạm của quan lại từ phía người dân. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Khi dân đóng thuế, ngoài mười phần trăm phải nộp vào kho công rồi, quan lại được phép lấy một phần mười nữa, gọi là “hoành đầu”. Nếu kẻ nào thu quá số ấy, thì bị xử theo tội ăn trộm. Quản giáp, chủ đô và người thu thuế nếu thu quá lệ đều bị xử tội giống thế cả. Nhà dân nào cáo tỏ sự thu thuế phù lạm thì nhà ấy được miễn lao dịch ba năm; người nào ở kinh thành mà cáo giác ra thì có thưởng”. Lý Thái Tông cũng cho ban hành bộ Luật Hình thư, bộ luật đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước kia việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu…”. Khi bộ luật này được ban ra năm 1042, “ai cũng khen là tiện lợi” (theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Sử gia Ngô Sĩ Liên về sau đã phải hạ bút ca ngợi rằng, Lý Thái Tông đã nêu gương cho thiên hạ, làm những việc hữu ích dân sinh, giữ đức kiệm ước, “trong cái tốt lại có cái tốt nữa”.
Là người được ở gần dân từ lúc còn rất trẻ khi được vua cha cho ra lập cung Long Đức ở ngoài hoàng thành, Lý Thái Tông luôn muốn giúp dân gian được bày tỏ nhiều hơn những nỗi niềm oan trái của mình. Chính vì thế nên năm 1052 ông đã cho đúc chuông lớn để tại trước thềm rồng Long Trì ở điện Thiên An để cho những ai có gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên. Thực ra, ngay từ tháng 6 năm Kỷ Tị (1029), gần một năm sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông đã cho xây ở đó hai lầu chuông đối diện nhau ở hai bên tả hữu để dân chúng ai có việc khiếu kiện oan uổng thì đánh chuông tâu lên.
Tháng 8 năm Quý Dậu (1033), ông lại xuống chiếu đúc quả chuông một vạn cân để ở lầu chuông Long Trì. Sách sử không ghi rõ mục đích của việc đúc quả chuông này nhưng có lẽ không loại trừ rằng nó cũng được sử dụng vào việc giúp dân gióng lên những hồi báo động oan khuất…
Không ai toàn vẹn
Lý Thái Tông là người chuộng đạo Phật nên trong hành xử, đôi khi bị người đời sau chê, như sử thần Ngô Sĩ Liên chẳng hạn, là bị mê hoặc bởi thuyết từ ái nên tha tội cho cả bề tôi phản nghịch, “khiến lòng nhân ấy thành ra nhu nhược”. Nhưng cũng chính nhờ mê đạo Phật nên Lý Thái Tông đã khởi đầu cho việc xây dựng chùa Một Cột năm 1049. Tương truyền khi đó, ông đã nằm mơ thấy Phật Bà Quan Âm dắt ông lên toà sen. Khi nhà vua kể lại chuyện đó với bầy tôi thì có người lại bảo đấy chưa chắc đã là điềm lành và khuyên vua làm chùa và dựng cột đá ở giữa đất, làm toà sen đặt lên trên cột đá như đã thấy trong mộng. Rồi cho các nhà sư đi vòng lượn xung quanh tụng kinh cầu vua sống lâu. Chùa ấy được mang tên Diên Hựu (kéo dài cõi phúc) là vì thế…
Lý Thái Tông qua đời vào mùa đông năm Giáp Ngọ (1054), ở ngôi 27 năm, thọ 55 tuổi. Sử thần Ngô Sĩ Liên khen “vua là người nhân triết, thông tuệ, có đại lược văn võ, lục nghệ không gì không tinh tường. Vì tài đức ấy nên có thể làm mọi việc…”