Tiếng kêu vẳng từ gốc si

Minh họa của Đặng Hồng Quân
Minh họa của Đặng Hồng Quân
Sân chùa không phải là nơi có tất cả mọi thứ trên đời, nhưng với điệu Sanh, chỉ khoảnh nhỏ ấy thôi cũng đủ để vui chơi một mình. Chẳng hiểu cơn cớ nào run rủi để rồi một cậu bé ở làng trở thành chú tiểu điệu Sanh như hôm nay. Có thể đấy là duyên, là nghiệp.

Sanh không để ý lắm đến điều ấy. Một khi đã vào đây buộc phải chấp nhận cảnh sống khác, lối sống khác. Sanh hầu như không có bạn cùng trang lứa, ngoại trừ những dịp sóc vọng lễ vía có vài đoàn sinh Phật tử đến viếng chùa. Thôi thì làm bạn với những gì sẵn trong khuôn viên chùa, chẳng sao, mọi thứ dưới con mắt của nhà Phật đều là loài hữu tình và đáng được trân trọng.

Chớm hạ, nắng vàng dần lên, trời bắt đầu oi nực, từng chiếc lá si khô cong lại. Buổi trưa Sanh hay ra ngồi nơi thềm hiên, gió thoảng qua mát dịu. Lâu lâu có cơn gió bạt mạnh, một đàn lá si cuộn tròn lăn lăn xô nhau dồn về góc sân. Sanh thích ngồi chơi như thế, bỏ quên cả giấc ngủ trưa.

Ngôi chùa này tuy nhỏ nhưng chánh điện niệm Phật luôn trang nghiêm và khuôn viên sẵn có vườn cây hai bên phủ bóng mát. Lũ gà xem ra cũng khôn nên thường lui tới đây kiếm cái ăn và cả kiếm ái tình, thứ mà nhẽ ra ở chùa không nên có. Buổi trưa, một chú gà trống của nhà bên xóm lẻn vào vườn chùa, đứng khệnh khạng dưới gốc si rồi cất tiếng gáy vang như thể không chịu nổi cái nắng sang mùa đột ngột. Sanh nghĩ thế vì có hôm nực quá, điệu đã kéo xệch cổ áo rồi hét toáng lên, sư thầy phải bước ra răn ngay đừng có làm náo lên nữa. Khuôn viên chùa cần phải yên tĩnh và người xuất gia luôn giữ tâm mình an nhiên, khẩu xuất cũng phải thanh tịnh nhã nhặn. Riêng tiếng gà gáy thì thầy không mắng, cũng không xua đuổi chúng đi. Chỉ có tiếng người mới lụy khổ chăng?

Lát sau đã thấy một con gà mái từ phía ngoài nhè nhẹ lần đến gốc si, vừa đi vừa gật gật đầu cúi xuống thẹn thùng. Chú gà trống lượn đi một vòng quanh gà mái, vỗ cánh xoạp xoạp vài cái rồi bất ngờ nhảy lên lưng con khác giới. Gà mái thở rựt rựt mấy tiếng khó nhọc, nhưng rõ ràng nó không hề muốn hất tung con trống đang chễm chệ trên lưng mình. Điệu Sanh vỗ tay khen cú nhảy diệu nghệ của gà trống và cười vui, tỏ ra thích thú với cặp bạn đang cõng nhau.

Thầy lại bước ra định nhủ điệu Sanh vì lần này điệu cười quá to, cứ như hét. Khi thầy ra đến cửa thì con gà trống đang cắm mỏ vào nhúm lông trên đầu gà mái, vỗ cánh đánh ụp một phát. Còn điệu Sanh tay đang cầm hòn sỏi giương lên chuẩn bị ném hai con gà. Trò này hồi còn ở nhà mấy đứa trong xóm hay dùng để phá, thể nào hai con cũng kêu toáng lên như chửi lũ trẻ phá đám. Sư thầy kịp nhủ điệu Sanh bỏ hòn sỏi xuống rồi ngay lập tức quay vào trong, không răn dạy thêm một điều gì. Nhẽ ra thầy nên quát hai con gà mới đúng, hoặc chí ít là xúi huầy cho chúng bỏ đi vì đã quấy quả cửa chùa bằng trò dung tục. Sanh nghĩ thế. Cửa chùa không thể chấp nhận những trò ấy. Vậy mà sư thầy lại nỡ can điệu Sanh, tức là thầy dung túng cho chúng chăng? Sanh vẫn không hiểu nổi. Nhưng Sanh không giận thầy, điệu luôn tin sư thầy xử sự mọi việc đều có cái lý riêng, thế là Sanh đổ tất cả sự tức giận lên hai con gà. “Đợi đấy! Không ném đá thì có cách khác. Ta sẽ cho chúng bay biết tay!”.

Hôm sau thầy bắt Sanh phải vào nằm nghỉ trưa, chú tiểu này hở ra một chút là lại sinh chuyện, mà toàn chuyện khiến thầy khó xử. Nhưng sao thầy thấy mến điệu Sanh quá chừng. Hình như trên con đường đi tìm chân lý của một vị sư luôn có những chướng ngại do chính con người tạo ra. Và Sanh là một nhân sứ làm nhiệm vụ tạo ra trở lực ấy. Sanh ngoan ngoãn lên giường nằm để đánh lừa thầy, rồi nhẹ chân lẻn ra thềm hiên. Con gà trống vẫn đến chỗ gốc si, đưa ánh mắt thách thức điệu Sanh và thản nhiên rướn cổ lên gáy. Gà mái trễ hẹn. Chắc có chuyện gì đó không ổn. Đến khi thoáng thấy đầu gà mái chui ra khỏi lùm cây thì Sanh mừng. Chẳng nhẽ điệu Sanh cũng ủng hộ cái trò chơi của lũ gà, cái trò mà hôm qua Sanh định phá ngang ấy. Hôm nay gà mái đau chân, nó đi cà nhắc. Gà trống không leo lên lưng nữa, nó dẫn gà mái đi quanh vườn cùng kiếm mồi. Khó khăn thông cảm, hoạn nạn đỡ đần. Sanh biết vậy.

Mấy bữa sau gà mái đẻ trứng, không nhớ chính xác là mấy hôm từ cái bữa điệu Sanh thấy chúng chơi trò cõng nhau vì sau bận ấy Sanh không để ý tới cặp gà nữa. Ngay cả chuyện gà mái đẻ trứng Sanh biết được cũng là sự tình cờ. Buổi chiều, điệu chạy ra vườn thì thấy con gà mái chui ra khỏi bụi cây dại, gáy cục ta cục tác một hồi. Sanh tò mò tiến đến gần. Vẫn chưa thấy gì ngoài mấy nhành cây dại phủ kín. Gần thêm chút nữa mới thấy được hai quả trứng nằm lọt giữa bụi rậm. Cái ổ đẻ được xoáy từ mấy cọng lá quanh đó, vo tròn lại như một búi tóc rối. Hồi còn ở nhà, mỗi khi con gà mái cục ta cục tác, mạ nói “gà sắp nhảy ổ”. Rồi mạ lấy cái thúng cạn, lót ổ rơm đặt trên chuồng cho con gà mái nằm đẻ. Còn bây giờ, con gà mái hôm trước mới ngả ngớn chơi trò trong sân chùa lại đẻ khuất trong bụi.

Sanh ngó quanh ngó quất, mắt láo liếc như kẻ trộm, biết không có ai, không con gà nào nhìn thấy mình, điệu nhặt lấy một quả trứng, đem giấu tít sau nương chùa. Đúng chiều hôm đó con gà mái cũng đánh mắt canh dò rồi nhảy vào cái tổ hoang để đẻ tiếp quả thứ ba. Mẹ gà nhận ra mất một quả trứng, liền nhảy phóc ra ngoài bụi cây hét toáng lên. Lạy ông tôi ở bụi này. Đẻ hoang còn la làng thì hỏng rồi. Sư thầy đang ngồi trong thư phòng, nghe tiếng gà mái náo náo ngoài vườn liền chạy ra. Bụng nghĩ chắc điệu Sanh lại gây ra trò gì đây. Lần này trên tay Sanh không cầm hòn sỏi nào cả. Quả trứng thứ hai điệu đã giấu kỹ, chắc là sư thầy cũng không lần ra được đâu.

Thầy ghé tai nói nhỏ một câu gì đó với Sanh. Chỉ một câu thôi, nhưng đủ khiến điệu Sanh chạy lui sau chùa và đem quả trứng đặt vào chỗ cũ. Con gà mái thất thần, như người mẹ mất con, cần mẫn đi tìm suốt buổi chiều vẫn chưa thấy quả trứng mới đẻ hôm qua đâu. Người mẹ nhận ra mất một đứa con thì đau khổ lắm, nhưng còn một đứa con nữa cần bảo vệ, gà mái chạy về tổ. Như một giấc mơ, hai quả trứng nằm sát nhau trong tổ. Chiều hôm đó gà mẹ yên tâm cho ra quả trứng thứ ba.

Không rõ con gà mái này của nhà ai bên xóm vào đây đẻ sòn sòn ra thế. Thầy định nhủ điệu Sanh đi quanh hỏi coi của nhà ai thì đến mà bưng về, chứ để thêm vài bữa nữa là con gà nằm vạ ra đấy mà ấp. Tội nghiệp! Định bụng thế thôi chứ thầy cũng không bảo điệu Sanh nữa. Thà cái của nả rơi rớt, đi kiếm chủ trả lại, chứ đằng này cái tổ gà, đi hỏi khó chịu lắm. Thôi thì cứ để yên đấy. Trước đây đã mấy lần người ta bỏ rơi con trước cổng chùa, thầy đem vào nuôi nấng đến vài tuổi cũng có người đến nhận nuôi.

Sư thầy mong rằng sẽ có người đến bế cái tổ trứng kia về. Qua mỗi ngày, cái tổ thêm một quả tròn, một chủng tử sinh linh xuất hiện trong vườn chùa là thêm một nỗi dây oan. Mười cái trứng giống nhau quây kín một hình tròn giữa ổ lá. Những cọng lá cũng đã khô hết, nâng niu trên đó mười mầm xanh sắp hiện ra. Không có ai đến nhận. Bỏ rơi mẹ gà. Đẻ hoang và bỏ rơi hình như luôn đi cùng nhau. Nhưng con gà mái thì không bỏ con, nó nhẹ nhàng lên nằm ấp trứng.

Hai thầy trò lấy hai miếng tranh cũ làm một cái lều tam giác đơn sơ cho gà mẹ ấp trứng. Mùa này chưa có mưa gió mạnh, nên cái lều chủ yếu che sương đêm thôi. Ngày ngày, Sanh lấy nắm gạo bỏ bên ổ cho gà mẹ, lấy cái gáo dừa múc ít nước đặt đấy. Gà mẹ đưa mắt hàm ơn rồi cúc cúc từng tiếng trong cổ như nghẹn ngào xúc động. Sanh nhận ra những loài hữu tình đúng thật cái nghĩa của nó, luôn có thứ tình cảm chân thực nếu mình xử sự tốt với chúng. Thế mà hồi còn ở làng, nhiều lần Sanh cùng lũ trẻ trong xóm đi rình bắt tổ chim, có khi gặp được một ổ trứng chim đồng xoáy tổ giữa ruộng lúa, đem chia nhau hút sống quả trứng luôn. Nghĩ lại Sanh chợt thấy ơn ớn lờm lợm trong cổ. Vào chùa, Sanh nhận ra dần những việc phải trái, bỏ đi nhiều những thói xấu mà hồi ở làng không ai chỉ dạy cho biết, cứ nghĩ đấy chỉ là trò chơi trẻ con thôi.

Điệu Sanh từng ngày ngóng chờ đàn gà con chui ra khỏi vỏ trứng, khi ấy có cả một đàn gà rộn ràng vườn chùa, càng vui. Còn sư thầy lại nghĩ, không biết rồi chúng sẽ ra sao. Chắc thầy phải nuôi rồi. Mà chủ trương của thầy là không nuôi động vật gia cầm. Hồi trước thầy có nuôi con chim dòng, sau trận bão cái lồng bị gẫy nan, con chim đã bay đi. Từ đó thầy phát nguyện không nuôi thêm con gì nữa, kể cả sinh vật cảnh, bởi đến một ngày tất cả rồi sẽ rời bỏ nơi đây, để lại cho thầy những nỗi day dứt xen lẫn ân hận. Bầy gà cũng thế, thầy sợ cưu mang chúng rồi đến một ngày to lớn, mấy ông nghiện rượu quanh đây thể nào cũng mò đến bắt về thịt. Sư thầy không muốn mình vô tình trở thành người nuôi dưỡng cho lòng tham sân của người khác. Điều này cũng là một giới nghiêm trong luật trì của bậc tu hành.

Đàn gà con từ từ chui ra khỏi vỏ trứng, chiêm chiếp kêu rộn ràng sau gốc cây si. Gà mẹ mừng rỡ nhảy ra khỏi ổ vươn cánh xù lông sau quãng thời gian hun đúc tình thương vào lũ con. Con gà trống mất tăm từ bữa dắt con mái đi kiếm mồi. Đến giờ vẫn chưa về, Sanh thèm nghe một tiếng gà gáy giòn giã quá.

Đêm cuối tháng tối mò. Canh hai đã nghe tiếng gà thét lên. Tiếng kêu làm hai thầy trò thức giấc. Linh cảm thấy điều chẳng lành nhưng thầy không vội vàng, chuyện đâu đã có đó. Hai thầy trò từ từ đi ra sân. Đàn gà con nháo nhác không tìm thấy mẹ ở đâu trong đêm tối. Sắc không thoáng chốc phiêu bồng.

Bên gốc si, bữa nọ tiếng gà trống giục tình đã mở ra một con đường sinh. Rồi tiếng đàn con chiêm chiếp chui khỏi vỏ sừng khóc gào kêu khổ. Cuối cùng, tiếng gà mái rống hết sức lực van lời tạm biệt. Tất cả những tiếng kêu ấy vẳng lên từ dưới gốc si. Biết thế, nhưng khó mà chặt cây đi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày