Tiếng nói từ Tòa Tổng Giám mục TP.HCM về LM. Trần Đình Long

Đây cũng là "kịch bản" từng diễn ra tại giáo điểm Tin Mừng
Đây cũng là "kịch bản" từng diễn ra tại giáo điểm Tin Mừng
GNO - Thông tin trên trang tin điện tử Tổng Giáo phận TP.HCM cho biết Linh mục Giuse Trần Đình Long, sinh năm 1956. Năm Linh mục: 1991. Nơi làm việc: Giáo điểm Tin Mừng, NT Phú Xuân, hạt Xóm Chiếu.

Trao đổi với phóng viên báo Giác Ngộ, tại Tòa Tổng Giám mục trên đường Nguyễn Đình Chiểu - Q.3, sáng 16-3, Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng, Chánh Văn phòng Tòa Tổng Giám mục TP.HCM, cho biết thêm: Linh mục Giuse Trần Đình Long trước đây là Linh mục dòng Thánh Thể, tuy nhiên có xu hướng hoạt động không đúng với đặc sủng, không cùng hướng của nhà dòng.

Từ năm 2016, ông được chuyển về Giáo phận TP.HCM, được cử làm Phó Giáo xứ Phú Xuân, phụ cha sở Phú Xuân lo cho giáo điểm Tin Mừng - một điểm sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở tôn giáo dưới sự bảo trợ của giáo xứ Phú Xuân. Thời gian qua, ông có nhiều việc làm không theo quy định trong việc cử hành thánh lễ. “Nhà nước giờ cũng phản ánh làm như vậy không đúng về mặt pháp luật”, Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng cho biết. Vị Linh mục này cũng cho biết thêm tình hình đang rơi vào hoàn cảnh “bó tay”, “gần như ngoài tầm kiểm soát của đây (Tòa Tổng Giám mục TP.HCM - PV)”.

Nhận xét về những việc làm của Linh mục Giuse Trần Đình Long, Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng cho rằng xem các clip liên hệ thì không có sai trái gì về giáo lý, tuy nhiên có sự lạm dụng trong khi cử hành thánh lễ, vì nguyên tắc không được để những người làm chứng nói điều này điều kia, đó là chưa nói tới tính xác thực của câu chuyện. “Ông làm theo ý của mình”, Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng nói.

Linh mục Chánh Văn phòng Tòa Tổng Giám mục TP.HCM cho biết thêm “việc thu hút người ta đến bằng cách đặt tay để chữa bệnh, Giáo hội Công giáo không chủ trương việc đó”.

Nói về trách nhiệm của Tòa Tổng Giám mục TP đối với những phản ánh liên quan tới các bài giảng của Linh mục Giuse Trần Đình Long, Linh mục Kiều Công Tùng cũng cho biết sẽ đề cập tới trường hợp đó trong kỳ họp tới của Ban Tư vấn của Tổng Giáo phận TP. HCM. “Vấn đề liên quan đến Linh mục Long từng được đề cập đến trong nhiều kỳ họp trước đây chứ không phải chỉ lần này”, Linh mục Kiều Công Tùng nói.

“Việc các Giám mục khác quan tâm đến vấn đề của Linh mục Long là có thật. Vì thế, trong Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 4 sắp tới, chắc chắn các Giám mục sẽ đề cập đến vấn đề này, dù đây không phải nội dung chính trong chương trình nghị sự”, thư điện tử của Văn phòng Tòa Tổng Giám mục TP.HCM cũng cho biết khi phóng viên nhờ giải thích thêm một số thông tin. Tuy nhiên, nói trực tiếp với phóng viên, Linh mục Kiều Công Tùng cũng thở dài “chưa biết giải quyết thế nào”.

Theo Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng, đằng sau hiện tượng này có cả một “ê-kíp” thực hiện, có “kịch bản” đưa người này người kia, để cuối cùng đề cao quyền năng của cá nhân thôi.

IMG_2262.jpg

Linh mục Giusê Trần Đình Long, linh mục thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM, với nhân vật "Sư cô Thích nữ Diệu Kim" trong clip gần đây (ảnh trích từ clip trên mạng internet)

Việc tìm các “nhân vật đặc biệt” là người trong hình thức tu sĩ của tôn giáo khác, như giới giải trí thỉnh thoảng vẫn làm, nhằm tạo yếu tố “độc”, “lạ”, được sắp đặt và ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình, tung lên mạng xã hội nhằm câu view không phải là thủ thuật mới, nhưng dường như vẫn luôn hiệu quả.

Việc Linh mục Giuse Trần Đình Long đã làm qua các clip, hình ảnh mà ông đưa lên mạng xã hội, trong đó có nhiều người trong hình thức tu sĩ và được cho là tu sĩ Phật giáo đến ông để xin ban phước luôn được sự quan tâm và chia sẻ, bình luận với nhiều chiều khác nhau.

Trong clip mới đây nhất, phát hành vào 9g50 tối ngày 10-3, hành vi của Linh mục Long trong việc choàng tay sửa thế đứng, nhất là những lời diễn giải của ông về Đức Phật - Giáo chủ của đạo Phật, đã đi quá đà. Ông đã cố tình nhấn nhá, bóp méo thông tin nhằm hoạt náo gây cười, khiến nhiều người bức xúc.

Những việc làm như vậy gây nên nhiều sự hiểu lầm, làm trở ngại cho nhịp cầu cảm thông tôn giáo, xáo trộn các giá trị và tất nhiên, làm tổn thương tình cảm tôn giáo của những người có tín ngưỡng đạo Phật. Bởi vấn đề ở đây Linh mục Giuse Trần Đình Long không phải là người ngoài cuộc, mà đang là Linh mục - chức sắc thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM.

Với loạt các thông tin sử dụng cùng kịch bản, từ “Thánh lễ ngoại lệ tại chùa cho một vị chân tu vừa theo Chúa”, “Một Ni cô đến với giáo điểm Tin Mừng”, rồi “Bất ngờ Ni cô đến cha Long cầu xin lòng Chúa thương xót” mới đây, được cố ý tạo dựng nhằm mục đích quảng bá lộ liễu, khiến người khác hoài nghi về nhịp cầu cảm thông không phải xây dựng trên chất liệu chân thành.

Diệu Nghiêm - Hạnh Ý

* Mời bạn đọc đón xem video về sự vụ này trên kênh YouTube của Giác Ngộ TV hoặc tại chuyên mục VIDEO trên trang chủ của Giác Ngộ online. Bạn đọc có thể đăng ký kênh truyền hình trực tuyến của Báo Giác Ngộ trên Youtube (từ khóa: Giác Ngộ TV), hoặc bấm vào đây, sau đó bấm vào chữ ĐĂNG KÝ (Subscribe) theo hướng để theo dõi và ủng hộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Đi tu và đi dạy

GNO - Xin được hỏi, người xuất gia đi tu rồi có được phép đi dạy học? Và nếu đang đi dạy học, làm giáo viên thì xuất gia rồi có tiếp tục đi dạy học như trước không?
Ảnh minh họa

Chúng ta trên hành trình khất thực

GNO - Chỉ khi nhìn thấy vẻ đẹp trên con đường mình đang đi, bạn mới có thể chạm đến sự an ổn trong tâm trí. Đa số chúng ta ít tập trung hành trình của mình, mà lại để tâm chạy lông bông qua những nẻo quanh co, hoặc con đường của người khác.

Thông tin hàng ngày