Tiếp nối lịch sử, đoàn kết để làm tròn sứ mệnh của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới

Giác Ngộ - Kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN, trong tinh thần Tứ trọng ân của người con Phật, chúng ta nguyện đoàn kết, kế thừa và phát huy lịch sử, tiếp nối sứ mệnh của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới, chung sức chung lòng phụng sự Tam bảo làm cho Đạo pháp trường tồn, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân an lạc.

image001.jpg

Sự hội nhập, phát triển của GHPGVN trong chặng đường 30 năm.
Trong ảnh: Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2008 tổ chức tại Hà Nội - Ảnh: TL

Tròn 30 năm trước, từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 11 năm 1981, 165 đại biểu là chư tôn đức Tăng Ni, quý vị cư sĩ thuộc 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo Quán, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ và Hội Phật học Nam Việt) đã cùng hội tụ về chùa Quán Sứ, Hà Nội dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam, cùng đi đến quyết định lịch sử: thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như quốc tế ở thời kỳ mới độc lập và thống nhất nước nhà, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị đã bàn thảo và thông qua Hiến chương và Chương trình hoạt động của GHPGVN, đã bầu ra Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, các ban ngành Trung ương, toàn thể đại biểu đã thành kính suy tôn Đức Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993) vào ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Từ sự kiện lịch sử đó đến nay, GHPGVN đã qua 5 lần đại hội đại biểu toàn quốc với 6 nhiệm kỳ, từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương xuống địa phương, đến các cấp Ban Trị sự Tỉnh hội, Ban Đại diện PG quận/ huyện. Hiện nay, đã có 58/63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Trị sự để điều hành hoạt động Phật sự tại địa phương. 

Cấp Trung ương có 2 văn phòng: Văn phòng I tại chùa Quán Sứ, Hà Nội và Văn phòng II tại Thiền viện Quảng Đức, TP.Hồ Chí Minh, với 11 ban ngành, viện Trung ương, 4 Học viện Phật giáo đào tạo cử nhân Phật học tại Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn quốc hiện nay hơn 45.000 Tăng Ni, gần 15.000 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường.

GHPGVN là thành viên sáng lập của nhiều tổ chức Phật giáo thế giới, đã tham dự tổ chức nhiều sự kiện Phật sự quốc tế, đăng cai tổ chức (có sự bảo trợ của Chính phủ) Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc với gần 100 đoàn đại biểu Phật giáo các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế, các hoạt động giao lưu văn hóa, nhân đạo… để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người Phật tử, bạn bè quốc tế về Phật giáo Việt Nam với lịch sử hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc; giới thiệu một hình ảnh đẹp, thân thiện về một đất nước Việt Nam hòa bình, đổi mới trong thời đại hội nhập toàn cầu.

Kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN, trong tinh thần Tứ trọng ân của người con Phật, chúng ta cùng ôn lại truyền thống lịch sử Phật giáo và Dân tộc, thành kính đảnh lễ tri ân chư vị Tổ sư đã truyền đăng tục diệm ngọn đèn Từ bi và Trí tuệ qua các thời đại; đảnh lễ chư tôn đức giáo phẩm đã đồng tâm khai lập GHPGVN; chúng ta nguyện đoàn kết, kế thừa và phát huy lịch sử, tiếp nối sứ mệnh của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới, chung sức chung lòng phụng sự Tam bảo làm cho Đạo pháp trường tồn, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân an lạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày