Tìm lại kiến trúc độc đáo chùa Bách Môn

GN - Bách Môn là ngôi cổ tự được xây dựng từ thời nhà Lý để rồi trở thành một di sản văn hóa có bề dày lịch sử tín ngưỡng. Ngôi chùa xưa vô cùng đồ sộ kết cấu hình vuông mặt bằng gần 1.000m2, với 4 mặt tiền đường giống hệt nhau quay về tứ phương, được người xưa kết hợp tài tình trong một tổng thể hoàn mỹ. Tuy nhiên, công trình kiến trúc này đã bị phá hủy từ cách đây hơn nửa thế kỷ, nay cần phục dựng lại.
cmk3.JPG
Mô hình chùa Bách Môn cổ xưa - Ảnh: C.M.K

Phế tích chứa bề dày lịch sử

Cách Hà Nội 24km về phía Bắc, cách chùa Phật Tích khoảng 2km, có một ngôi chùa vô cùng giá trị về lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, đó là Bách Môn tự, còn mang tên khác là chùa Linh Cảm.

Chùa tọa lạc ở thôn Long Khám, xã Việt Ðoàn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ thời nhà Lý trên sườn núi Khám Sơn.

Trải gần một ngàn năm, chùa được trùng tu nhiều lần, trong đó đại trùng tu vào những năm 1556 và 1612. Ðến thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782), bà Chúa Chè - Tuyên phi Ðặng Thị Huệ khi thất sủng, đã về đây ăn chay cầu nguyện tìm sự yên tĩnh nơi cửa thiền. Bà đã sửa sang tu bổ chùa, kiến thiết quy mô theo quy cách trăm cửa mở ra bốn phía bên ngoài, thành một công trình đồ sộ với đủ cả bốn phương tám hướng để tu tâm tích đức. Từ đó trở thành một công trình kiến trúc văn hóa có tính độc đáo, nghệ thuật cao.

Tại chùa Bách Môn này, trước năm 1945, chùa được sử dụng làm cơ sở đào tạo cán bộ của Ðảng Lao động Việt Nam. Người dân Bắc Ninh đã không ít lần đứng lên chiến đấu bảo vệ xóm làng, bảo vệ mái chùa ngôi đình và cuộc sống đầy giai điệu trữ tình của mình. Năm 1949, để thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhân dân Tiên Du, Bắc Ninh đã dỡ bỏ hoàn toàn ngôi chùa Bách Môn. Vì vậy, đến nay di tích chùa Bách Môn chỉ còn là phế tích. 

Vào năm 1992, trên nền đất ngôi chùa cũ, nhân dân địa phương xây dựng tạm ngôi chùa 5 gian bằng gỗ do các cụ phụ lão mua. Ngôi chùa ngày nay và các công trình mới xây dựng, hầu như không có giá trị kiến trúc và giá trị bảo tồn. Tuy vậy, những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã cho xây dựng tuyến đường mới từ Lim rải nhựa chạy qua khu vực gần ngay cổng tam quan chùa Bách Môn kéo tới chùa Phật Tích, nối đến trung tâm huyện Từ Sơn, rất thuận tiện giao thông, nên khách thập phương đến ngày một đông.

Gần đây, khi về nước nhận lại tổ tông dòng họ Lý, một cộng đồng người Hàn Quốc gốc Việt, lần tìm theo gia phả đã đến chùa Bách Môn lễ Phật và để tìm những dấu tích xưa, thời triều đại nhà Lý vàng son ấy đã xây dựng lên ngôi chùa Bách Môn, một trong 3 ngôi chùa nổi tiếng nhất Kinh Bắc. Ðó là Bách Môn, Phật Tích, Kiến Sơn. Chùa đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia từ năm 1992.

Kiến trúc đồ sộ trong ký ức người dân

Ngày nay chùa Bách Môn chỉ còn lại dấu vết một số móng, tường đổ được xây bằng gạch nung. Trong thời gian từ ngày 19-5-2015 đến ngày 30-6-2015, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại di tích chùa Bách Môn, với diện tích khai quật rộng 200m2.

Theo văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian khai quật, những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh để giữ gìn, bảo quản. Sau khi kết thúc đợt khai quật 3 tháng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ, và sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.

Cách đây hơn 70 năm, Bách Môn tự được một số nhà nghiên cứu Pháp đánh giá là ngôi chùa độc đáo bậc nhất Ðông Dương, bởi bố cục độc nhất vô nhị. Căn cứ nền móng được khai quật, đối chiếu với những thư tịch cổ, các tài liệu lưu trữ, tàng thư, các nhà nghiên cứu khảo cổ nhận định, ngôi chùa Bách Môn xưa là một công trình kiến trúc vô cùng đồ sộ, hoành tráng.

Theo lời các cụ phụ lão ở địa phương - những người đã từng chứng kiến tu bổ ngôi chùa Bách Môn những năm 1930 và trước những năm tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp cho biết, quy mô kiến trúc ngôi chùa chính có mặt bằng diện tích lên tới 999m2, với kết cấu truyền thống bằng gỗ lim, chạm khắc tinh tế.

Sự độc đáo khác biệt ở chỗ, ngôi chùa có bình đồ hình vuông chữ Ðiền, với 4 mặt tiền đường giống hệt nhau quay về tứ hướng, được người xưa kết hợp tài tình các công trình kiến trúc Phật giáo trong một tổng thể hoàn mỹ.

Ở công trình kiến trúc đó, trong tâm của bình đồ hình vuông, nơi giao của 4 tòa ống Muống là Vọng cung cao nhất thông 2 tầng. Ðây chính là Tam bảo với bàn thờ Phật bày bốn phía hình chữ thập, sắp đặt một hệ thống tượng dày đặc của thế kỷ XVII, chính giữa tọa lạc tượng Phật A Di Ðà có kích thước rất lớn.

Bao bọc xung quanh Vọng cung là 4 tòa tiền đường có chuôi vồ tọa lạc bốn phía, bên trong xây các bệ cao dần về phía trong Vọng cung. Chính điện hướng Nam bài trí các tượng Quán Thế Âm Bồ-tát, Thích Ca, Ðại Thế Chí, Phật Thế phương… Hữu điện hướng Tây có 2 dãy tượng thờ Thập bát Kim cương, 18 vị La-hán.

Phía sau hữu điện, cách một khoảng sân rộng còn vết tích ngôi nhà Rồng, nơi đó xưa kia Tuyên phi Ðặng Thị Huệ ở trong những ngày đến chùa hành lễ. Theo lời kể của các cụ phụ lão trong làng, ngôi nhà này do có sắc chỉ nghiêm cấm mọi người lai vãng, nên thường đóng cửa. Từ ngôi nhà có một con đường riêng dẫn thẳng đến ngay sau tam quan và cũng cấm người qua lại, nay cũng chỉ còn dấu tích một cái tên Cổng Rồng và Cấm Lộ.

Tả điện hướng Ðông, ở giữa thờ các vị sư tổ trụ trì và những thí chủ có công đức xây dựng chùa, hai bên có 2 dãy bia tạc tên người có công với bản địa. Cách một khoảng sân rộng là một cổng đá đẽo xây cuốn vòm ngang dẫn đến nhà Tăng phòng 5 gian, 3 gian giữa có thờ tượng Hợp cẩn, 2 gian bên là nơi bày cỗ.

Xa hơn và khuất sau dãy nhà Tăng phòng là 5 lăng mộ xây hình tháp 3 lớn 2 nhỏ, nơi đặt hài cốt của 5 vị sư trụ trì chùa đầu tiên. Hậu cung hướng Bắc bài trí các ban thờ Mẫu, Công đồng, Cô, Cậu - nơi đây người xưa thường hành lễ hầu đồng và hát chầu văn.

Tại 4 góc chùa xây cao lên trên tầm xà quá giang 4m, có 4 gác cao 2 tầng với chiều cao tới đỉnh cột 6,4m, để treo: chuông, khánh, trống, mõ. Tuy vậy, 4 gác này vẫn thấp hơn Vọng cung (cao 8,2m). Sát 4 góc đó, phía trong còn có 4 bể cạn, vừa làm cảnh, những cũng đồng thời để thoát nước mưa ở sân trong - một thực tế phù hợp hoàn cảnh tự nhiên cần thoát khi công trình kiến trúc kín cả tứ phía. Nơi đây, mỗi bể trồng một loại cây: bạch ngọc lan, ngâu, na, dưa bà.

cmk4.JPG


Quang cảnh chùa Bách Môn hiện tại - Ảnh: C.M.K

Chùa Bách Môn có bố cục rất chuẩn về các phương Ðông, Tây, Nam, Bắc lại hợp nhất trong một thể thống nhất. Ðặc biệt hơn nữa, chùa có tới 108 cửa để đi lại và thông thoáng. Con số 108 cửa ứng với 72 sao Thiên cương và 36 sao Ðịa sát, khiến ta liên tưởng tới sự hợp khối công năng của 4 ngôi nhà có chuôi vồ được xử lý thật hoàn hảo 8 hướng chuẩn xác, dẫn lối vào nơi linh địa tôn trí pho tượng Ðức A Di Ðà.

Chùa Bách Môn có nhiều tượng Phật sơn son thếp vàng rực rỡ cả 4 mặt thờ chính và cả các dãy tiền đường, được đặt trong khung cảnh tĩnh mịch mà dàn trải rộng lớn trong thiên nhiên vùng bán sơn địa long chầu, hổ phục lại có nhiều cây cảnh quý hiếm thật là cảnh trí ngoạn mục vương giả.

Sẽ phục dựng chùa Bách Môn

Ðại đức Thích Giác Ðạt, trụ trì chùa chùa Bách Môn cho biết, sau khi các cơ quan chức năng kết thúc công cuộc khảo cổ để vẽ lại đầy đủ và chi tiết công trình kiến trúc cổ, sẽ làm cơ sở cho dự án phục dựng lại chùa Bách Môn.

Theo thiết kế dự án, tổng diện tích dự tính xây dựng 2.000 m2, với kinh phí khoảng 4,1 tỷ đồng. Ngôi chùa chính được phục dựng sẽ có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh dài 31,6m, diện tích mặt bằng xây dựng 1.000m2. Mỗi cạnh là tòa tiền đường dài 7 gian, mỗi gian dài 4m, 2 bên có 2 dãy hành lang rộng 1,8m.

Khung chịu lực là những cột cái có chiều cao 4m. Hệ thống cột, xà, kèo, kẻ, bẩy, đấu.. . chạm khắc rồng chầu, những cảnh trí cá vượt vũ môn, cá hóa rồng, được sơn son thếp vàng. Mái dốc hình hoa thị, lợp ngói mũi hài, có đao mái, đỉnh mái lưỡng long chầu nguyệt. Tường chùa sẽ xây gạch đỏ trát vữa, nền nhà lát gạch gốm màu đỏ nâu. Hệ thống các cửa sẽ sử dụng gỗ huỳnh theo phong cách Hậu Lê.

Ngoài kiến trúc chùa chính, các công trình khác, như cổng tam quan hướng chính Nam hiện đã có, nhưng hình thức mái không đúng theo phong cách tam quan gốc niên đại Hậu Lê. Bởi vậy, cần tu bổ lại tam quan cho phù hợp tổng thể sau này. Ðường lên chùa dài đúng 100 bậc đã xây dựng, hiện tại đang sử dụng tốt. Có thể khẳng định đây là một công trình phức tạp, đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu tỉ mỉ trong thiết kế, cũng như đòi hỏi thi công có kỹ, mỹ thuật cao.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày