Tìm về chùa cổ Tân Sa Châu

Giác Ngộ - Một cư sĩ họ Trần, người làng Tân Sa, vào năm 2008, từng nói ở làng Tân Sa có một ngôi chùa cổ trên 500 năm tuổi. Ông cho biết ngôi chùa do một vị tướng họ Trần, theo vua Lê bình Chiêm, sau khi thắng giặc, tâu vua xin lập làng, rồi lập chùa ở Tân Sa để ẩn tu.

Thực hư chưa rõ, vì thế từ khi nghe kể, chúng tôi có niềm mong ước được tìm hiểu làng cổ Tân Sa nói chung và ngôi chùa cổ nói riêng. Duyên may, tháng 3 năm 2010, chúng tôi được về Tân Sa để khảo sát điền dã và sơ bộ tìm hiểu làng Tân Sa và ngôi chùa cổ của làng.

tansachau-1.jpg

Tân Sa Khách Phường

Làng Tân Sa là làng cổ, thời Lê là Tân Sa Khách Phường, thuộc tổng Kế Thực, huyện Hương Trà, nằm sát làng cổ Kế Võ. Nay là thôn Tân Sa thuộc xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Thời Nguyễn, thôn Tân Sa gọi là Tân Sa Khách Phường thuộc tổng Kế Thống, huyện Hương Trà… Danh xưng Tân Sa chỉ mới xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, nhưng làng được thành lập từ thời vua Lê Thánh Tông thân chinh hỏi tội Chiêm Thành năm 1470. Các cụ già của Tân Sa được truyền khẩu rằng, họ Lê khai canh làng Kế Võ vào thời Trần. Năm 1470, trong đoàn quân thân chinh có vị tướng Trần Thọ Chỉ, giỏi phong thủy, từng theo vua chỉ huy luyện tập thủy quân trên phá Tam Giang. Khi rỗi, tướng công họ Trần thường chú ý một bãi cát bồi khá rộng, sát làng Kế Thực (nay là Vinh Xuân), tọa Cấn hướng Khôn, lưng dựa vào cồn cát cao dày, tả hữu có các làng lân cận với ruộng vườn xanh um, phía trước có phá, nói chung về mặt phong thủy thì bãi cát này là cát địa. Ông có ý định sau này yên giặc sẽ lập làng ở nơi bãi cát sát làng Kế Võ này. Khi vua Lê Thánh Tông chiến thắng Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn và khoảng 3 vạn tù binh Chiêm Thành, tướng công họ Trần tâu vua, xin quản lý một số tù binh Chiêm Thành và tổ chức cho số tù binh ấy lập nghiệp ở bãi cát gần làng Kế Thực, bên phá Tam Giang. Tướng công họ Trần lại về quê, tận Hoan Diễn, đưa gia đình, bà con thân thuộc vào vùng đất mới, chiêu tập những dân nghèo ở Bắc vào lập nghiệp nữa. Như thế cư dân trên bãi cát ấy là dân Chăm và Việt, ngụ cư đối với làng sở tại nên nơi lập nghiệp mới gọi là Khách Phường. Dân ngụ cư nên chủ yếu sống về nghề khai thác ruộng muối và đánh bắt cá. Do bãi cát gần biển nên cũng dễ sống với nghề. Điều đáng nói là cư dân Chăm Việt, bao nhiêu đời sống ven biển và đầm phá, sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ở biển và đầm phá, thêm nghề làm ruộng muối nên cũng dễ hòa nhập ở khách phường. Đến thời chúa Nguyễn Hoàng, vào kinh dinh Thuận Hóa, mới cho tên Tân Sa Khách Phường. Làng Tân Sa vẫn thờ ngài khai canh họ Lê, nhưng vẫn thờ ngài Trần Thọ Chỉ là hậu khai khẩn.

Tốt đời đẹp đạo

Thu nhập chính của phường Tân Sa là đánh bắt thủy sản, làm ruộng muối nhưng phường cũng cố gắng đắp đập be bờ, cải tạo vùng cát trắng thành những đám ruộng để trồng lúa, khoai… để có thể tự cung một phần về lương thực. Tất nhiên, đất không sinh thêm, mà người càng ngày càng đông, khách phường không thể đủ điều kiện để nuôi người, nên một bộ phận cư dân phải rời làng lên Huế và các địa phương khác để lập nghiệp. Do truyền thống chịu thương chịu khó của cư dân vùng cát, biết làm ăn buôn bán, nên những người làng Tân Sa lên phố, phần lớn thành đạt. Phú quý sinh lễ nghĩa, một số gia đình ly hương nhưng không ly Tổ, hàng năm về lễ kỵ và đóng góp để làng lo việc phụng tự Phật, Thánh, Thần và các vị tiên hiền của làng. Một số thương gia họ Trần, gốc làng Tân Sa, thành đạt ở Huế, phát tâm Bồ đề, quy y Tam bảo, dâng cúng của cải để góp phần làm Phật sự, trùng tu tôn tạo chùa chiền quanh Huế, trải qua những mùa pháp nạn, hay những thời kỳ chấn hưng Phật giáo. Về Tân Sa tìm hiểu ngọn nguồn, mới biết họ Trần ở Tân Sa có truyền thống gia đình "tốt đời đẹp đạo".

tansachau-2.jpg

“Trán” của khám thờ được chế tác bằng gỗ, chạm nổi một cặp phụng chầu mặt nguyệt

Tướng công họ Trần lập chùa

Điều đáng chú ý khi đã ổn định đời sống của phường, tướng công Trần Thọ Chỉ sám hối về những tháng năm trận mạc, ông phát tâm Bồ đề, bèn lập một ngôi chùa của gia đình để ẩn tu. Tất nhiên quy mô ban đầu của ngôi chùa là nhỏ, nhưng về sau con cháu họ Trần ăn nên làm ra, trùng tu chùa nhiều lần, nên chùa bề thế hơn. Dần dần ngôi chùa trở thành chùa làng Tân Sa, nhưng dân sở tại đều ghi nhớ vị "khai sơn" là tướng công Trần Thọ Chỉ trong đoàn quân thân chinh năm 1470 của vua Lê Thánh Tông.

Chưa có điều kiện tiếp cận thư tịch cổ để nghiên cứu sâu rộng lịch sử ngôi chùa cổ Tân Sa, nhưng bước đầu tiếp xúc hậu duệ của ngài thủy tổ Trần Thọ Chỉ, được biết có người họ Trần Tân Sa thuộc đời thứ 18. Chỉ cần lấy 18 nhân với 30 được 540 năm, cộng với 1471 được 2011 thì có thể tin được tuổi của ngôi chùa cổ Tân Sa trên 500 năm.

Dấu xưa còn lại

Năm 2009, làng Tân Sa đã đại trùng tu chùa cổ Tân Sa. Làng đã thay bộ khung gỗ rất cổ bằng bê tông cốt thép, nhưng người làng vẫn bảo lưu bình đồ hình chữ Đinh và kích thước của chùa Tân Sa. Điều đáng tiếc là bộ khung gỗ nhà rường của chùa Tân Sa đã nhường cho một đại gia buôn nhà rường nào đó ở Huế, để lấy tiền phụ thêm chi phí trùng tu chùa. Tất cả đều xây mới, còn chăng là vài viên đá kê cột nằm chơ vơ trong sân chùa. Một số cấu kiện bằng gỗ của những trang thờ khá cổ, sơn son thếp vàng đã ngả màu…nằm vương vãi sau bếp của một công trình gần chùa.

Nhân chuyến thăm và tìm hiểu chùa cổ Tân Sa, chúng tôi rất ân hận là không sớm về Tân Sa để nghiên cứu ngôi chùa cổ này. Nếu về từ năm 2008 thì ít nhất cũng chụp được bộ ảnh về bộ khung gỗ của chùa, với cách thức tạo tác, trang trí mỹ thuật thời Lê sơ, chưa kể các đồ tự khí và sự sắp xếp thờ tự Phật, Thánh của chùa.

Một "trán" của khám thờ được chế tác bằng gỗ, chạm nổi một cặp phụng chầu mặt nguyệt, vương vãi ở hè, cho thấy trong chùa cổ Tân Sa từng có khám thờ Mẫu. Trong L’art de Hue, học giả L. Cadierre từng viết: "Hình ảnh chim phượng hoàng chỉ để trang trí những gì có liên quan đến hoặc dành cho một người đàn bà, hoặc là một sinh vật giống cái. Bởi vậy sự trang trí trên lườn nóc, ở một ngôi đền dành cho nữ thần, thì đều được dùng…Nhưng một cách tổng quát, thì người ta có thể nói rằng tất cả mọi vật mang hình ảnh chim phượng hoàng, duy nhất, hay như là vật trang trí chính, đều đã được dùng cho phái nữ"(L. Cadierre, Mỹ thuật ở Huế, người dịch Hà Xuân Liêm, Phan Xuân Sanh, B.A.V.H, tập VI, 1919, nxbTH, 1998, tr.270).

tansachau-3.jpg

Viên đá kê cột nằm chơ vơ trong sân chùa

Tản mạn quanh ngôi chùa cổ

Qua việc tướng công Trần Thọ Chỉ, một bộ tướng trong đoàn quân thân chinh chiến thắng Chiêm Thành năm 1471, lập phường rồi lập chùa ở đất Hóa Châu, chúng tôi sơ bộ nhận định:

Khi châu Ô châu Rí về Đại Việt, một bộ phận cư dân Chămpa chưa dễ hội nhập cồng đồng Việt. Họ thường nổi dậy chống đối hoặc khi vua Chiêm Thành động binh thì họ thường hưởng ứng nhiệt tình, hỗ trợ quân Chiêm vây thành Hóa Châu. Một đại quan như Đoàn Nhữ Hài, từng theo lệnh vua Trần Anh Tông, vào Thuận Hóa tuyên bố đức ý, nhưng không thể sớm ổn định tình hình. Vì cư dân gốc Chăm sống nhờ nông ngư nghiệp, đánh bắt trên sông nước, cấy hái trên đồng, cào muối trên ruộng... thì rất khó giáo hóa, làm sao mà tạo điều kiện để họ hội nhập bền vững. Một biện pháp hữu hiệu là nhờ tôn giáo tín ngưỡng và nhờ chùa. Mà sinh hoạt tín ngưỡng theo ý hướng "tam giáo đồng nguyên", khá rõ nét thời Lý-Trần, dễ thu hút bộ phận cư dân gốc Chăm có tín ngưỡng thờ Mẫu. Chùa làng trên đất Thuận Hóa không những thờ Phật mà còn thờ Thánh, Mẫu nữa. Thời Lê Tương Dực, Lê Uy Mục quá cứng rắn, không phủ dụ bằng đức ý mà dùng binh đao để tàn sát, nên miền biên viễn như Hóa Châu không bao giờ yên. Đến thời nhà Mạc, sử còn chép những cuộc nổi dậy, tàn sát lẫn nhau giữa quân binh và dân nổi loạn rất đẫm máu. Đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, rút kinh nghiệm thời Mạc, ngài liền trùng tu, tôn tạo, dựng mới nhiều chùa công cũng như chùa làng. Dân gian coi ngài là chúa Tiên. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên kế tục xuất sắc sự nghiệp của vương phụ, ngài tạo điều kiện cho các địa phương lập chùa làng, làm nơi sinh hoạt cộng đồng và để cố kết nhân tâm. Người đời tôn xưng ngài là chúa Sãi không ngoa. Chính chúa Nguyễn Phúc Chu, khi chấn hưng Đàng Trong, biết "liều thuốc" chữa bệnh "rạn nứt xã hội" bằng "tôn giáo" nên đã để lại những trang sử tốt trong lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử tôn giáo nói riêng. Những năm cuối cùng của thế kỷ XVIII, cũng là những năm nội bộ Tây Sơn chia rẽ sâu sắc, Ngô Thì Nhậm có lúc ở Phú Xuân, được mắt thấy tai nghe, nhận thấy nguy cơ đổ vỡ của một triều đại. Khi ra Thăng Long, ông đã thành lập Thiền viện Trúc Lâm và đã trước tác Trúc Lâm tông chỉ nhất nguyên thanh, không ngoài khát vọng cứu vãn tình hình xã hội cuối thế kỷ XIX vậy. Người đời tôn xưng họ Ngô là Hải Lượng Đại Thiền sư, Trúc Lâm đệ Tứ tổ…Ngoài ra, nghiên cứu lịch sử ở Tân Sa, biết sự kiện một vị tướng gốc họ Trần có mặt trong đoàn quân viễn chinh của vua Lê Thánh Tông, và được nhà vua chấp thuận để ông coi sóc tù binh Chămpa, lại cho lập làng ở vùng biên viễn đầy biến động như Hóa Châu, có thể thấy thời vua Lê Thánh Tông cơn sốt Lê-Trần đã nguội đi; nghĩa là thời Hồng Đức đã làm được việc cố kết nhân tâm, tức đại đoàn kết dân tộc thực sự để làm nên một Đại Việt phát triển bền vững như lịch sử đã chứng thực.

Chúng tôi tin rằng vẫn còn có nhiều ngôi chùa làng thời Lê sơ trên đất Thuận Hóa nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Nếu các cơ quan hữu trách lập phương án điều tra, nghiên cứu thì có thể phát hiện nhiều chùa làng như chùa Tân Sa và tất nhiên sẽ có những biện pháp trùng tu hợp lý. Nghiên cứu lịch sử Phật giáo ở miền Thuận Hóa mà chỉ tập trung vào các đại danh lam, do vua chúa quan lại dâng cúng tiền bạc để xây dựng, trùng tu, tôn tạo thì vẫn khiếm khuyết. Những ngôi chùa làng thời Lê sơ, nơi cư dân Việt, Chiêm sinh sống, sẽ giúp tìm hiểu đúng đắn về sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của những lớp di dân từ Bắc vào, từ Nam ra, tức là nghiên cứu văn hóa lịch sử thời phong kiến, để thấy những bài học Nam tiến tuyệt vời của cha ông. Trong tình hình "chảy máu nhà rường" của Thừa Thiên Huế nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung, những bộ khung gỗ của những công trình kiến trúc cổ, trong đó có những ngôi chùa làng, hàng trăm năm tuổi, với những tư liệu quý hiếm được khắc, chạm, khảm trên gỗ sẽ bị mai một nhanh chóng.

Huế, tháng 4 năm 2010

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày