Cũng không cần bận tâm chờ đợi “qua bên kia” mới có Tịnh độ, trong mỗi phút giây của sự sống ta vẫn có thể thong dong đi vào miền Tịnh độ trong trái tim ta, nơi chốn nhơn gian này...
Trong một bức thư pháp, Thiền sư Nhất Hạnh có viết: “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ/ Làm người một kiếp cũng như không”.
Tịnh độ là cõi thanh tịnh, tức trong sáng và tinh sạch. Cõi Tịnh độ ấy ở đâu? Thưa, Tịnh độ không chỉ có ở Tây phương Cực lạc như bản kinh A Di Đà đã giới thiệu: "Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực lạc, trong thế giới đó có đức Phật hiệu là A Di Đà hiện nay đương nói pháp”.
Tịnh độ còn có ở khắp mười phương mà đức Từ Phụ đã hiển bày cho Hoàng hậu Vi Đề Hi thấy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Ðức Thế Tôn phóng ánh sáng giữa hai mày… chiếu khắp mười phương vô lượng thế giới… hóa làm đài chơn kim lớn như núi Tu Di, bao nhiêu quốc độ thanh tịnh vi diệu của mười phương chư Phật đều hiện rõ trong đài vàng ấy”.
Ngoài ra, theo giáo nghĩa Đại thừa, mỗi vị Phật là một Tịnh độ. Trong mỗi một thế giới đều có hằng hà sa số chư Phật nên có hằng hà sa số cõi Tịnh độ.
Thế thì, nơi Phật chính là cõi Tịnh độ. Nhưng Phật có trong tâm ta nên trong ta cũng có Tịnh độ. Bàng bạc trong kinh Phật thường nói điều này: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, đều có khả tính thành Phật. Phật còn dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, mỗi chúng sanh đều sẽ là một vị Phật tương lai.
Ở đây, Phật là sự tỉnh thức với đầy đủ các đức tính từ bi và trí tuệ. Trong ta cũng sẵn có tánh sáng suốt, hiểu biết và thương yêu. Mặc dầu “Phật là Như lai xuất triền”, tức không bị phiền não ràng buộc. “Chúng sanh là Như Lai tại triền”, tức còn bị trói chặt trong hệ lụy yêu ghét, hơn thua, được mất… Nhưng ta chắn chắc tin rằng trong ta, trong mỗi chúng sanh đều có một cõi chơn nguyên tịch chiếu gọi là Tịnh độ.
Biết thì biết vậy nhưng làm thế nào để thực sự nhận ra được và sống được với Tịnh độ trong ta? Kinh Duy Ma Cật dạy: “Muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm cho tâm được thanh tịnh; Tùy chỗ tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh”.
Tuệ Trung Thượng sĩ, vị thiền sư cư sĩ, người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cõi thiền, có bài thi kệ: “Thân báu Di Đà tại đáy lòng/Bốn phương thân pháp tỏa mênh mông/Cả trời chỉ thấy vừng trăng quạnh/Đêm lắng vào thu vũ trụ trong” (Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục).
Trong bài Cư Trần Lạc Ðạo phú, ngài Trần Nhân Tông, vị Tổ sáng lập Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền mang đậm bản sắc Việt Nam có nói: "Tịnh độ là lòng trong sạch, đâu còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc" (Mựa là từ cổ, tức là chớ, đừng).
Như vậy, một lần nữa ta vững niềm tin rằng Tịnh độ không còn ở đâu xa lắc xa lơ nữa, cũng không dính dáng gì đến cái gọi là không gian hay thời gian, cũng không tọa lạc đâu đó có vị trí địa lý nhất định, mà cõi ấy là chỉ cho một dạng tâm thức giác ngộ vốn ngự nơi lòng trong sạch, tâm thanh tịnh của mỗi chúng ta.
Chỉ e lâu nay ta ưa hướng ngoại tìm cầu, thích nhờ vả tựa nương, chưa chịu quay về soi sáng lại chính mình nên không thấy được trong ta sẵn có miền Tịnh độ. Cái chuyện van xin dựa dẫm, không cần tốn công sức mà dễ dàng hưởng lợi lộc làm ta khoái chí hơn là dốc lòng tạo dựng, tự thân quán chiếu, gột rửa nội tâm. Chả trách gì ở bên miền Tịnh độ ta cứ mãi loanh quanh!
Chúng ta hẳn biết, trong Pháp Bảo Đàn Kinh, đức Lục tổ đã nói rất thẳng thừng: “Phàm ngu không rõ tự tánh, không biết Tịnh độ ngay trong ta nên mới nguyện Ðông nguyện Tây. Còn đối với người ngộ thì ở đâu cũng vậy… Nếu ngộ pháp đốn giáo vô sanh, Tây phương sẽ thấy ngay tức khắc. Không ngộ mà niệm Phật cầu sinh Tây phương, đường xa lắm làm sao tới được!”.
Dĩ nhiên, chúng ta không dám mượn lời của chư Phật, chư Tổ để khẩu khí lạm bàn, nhưng chí ít đối với những khuôn vàng thước ngọc mà các ngài truyền trao, chúng ta chớ nên hờ hững.
Hơn bao giờ hết, chúng ta phải khéo ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống sinh hoạt hàng ngày để làm hiển lộ bản thể Chân như, cội nguồn Tịnh độ. Không chỉ với các thời khóa tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền… nơi Phật điện, chốn thiền môn, mà bất cứ lúc nào, ở đâu, đang làm việc gì ta cũng đều xem như một pháp môn tu tập. Đi đứng nằm ngồi, trong nhà ngoài phố… ta đều có thể dụng công hành trì pháp Phật được hết. Thiền sư Nhất Hạnh có nói: “Rửa bát không phải chỉ là để có bát sạch mà ăn cơm. Nếu quả như vậy thì công đức rửa chén còn nhỏ lắm. Rửa nồi mà chỉ để cho có cái nồi sạch thì công đức cũng nhỏ. Nhưng nếu ta biết chùi nồi trong chánh niệm, chùi nồi như đang ngồi ở cõi Tịnh độ nâng niu một đóa hoa sen thì công đức ta sẽ vô lượng”.
Trong Thiếu Thất Lục Môn, Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng dạy: “Nếu tâm không thực, thì miệng niệm tụng tiếng suông, ba độc chất chồng, nhân ngã chèn lấp. Ðem tâm vô minh hướng ngoài cầu Phật, nhọc sức ích gì”.
Thành ra phương pháp chánh niệm tỉnh giác bao giờ cũng tối cần thiết trong đời sống tu học hàng ngày. Tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền… mà thiếu chánh niệm tỉnh giác thì ta sẽ không sống trọn vẹn trong những giờ phút thọ trì ấy. Ăn cơm mà để tâm lăng xăng đeo đuổi những hoạch định tương lai xa vời hay hoài vọng quá khứ mù tăm thì sẽ không bao giờ thưởng thức được hương vị của thức ăn, không khéo cái thân còn mang thêm chứng bệnh đau bao tử nữa là đằng khác…
Nói chung, để có sự tỉnh thức trong ta, không gì hơn là luôn luôn giữ gìn thân đâu tâm đó. Ăn cơm biết ta đang ăn cơm, tản bộ biết ta đang tản bộ… Lấy việc dõi theo hơi thở ra vào như lời Phật dạy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở: “Thở vào, người ấy biết rằng mình thở vào; thở ra, người ấy biết rằng mình thở ra” để đem tâm trở về lại với thân ngay thời khắc đó.
Pháp tu này giúp duy trì sự tỉnh thức trong ta, giúp ta an trú hạnh phúc, sống an lạc trong từng khoảnh khắc của hiện tại.
Mặt khác, một khi thân tâm về chung một mối thì ta sẽ rõ biết những động đậy của chúng dễ dàng hơn. Ta sẽ thôi cau có, quạu quọ với người thân chỉ vì họ vô tình làm ta trễ giờ khóa lễ ở chùa. Ta cũng không bực bội, khó chịu trong lòng khi tiếng người hàng xóm vọng xen vào thời kinh tụng. Chuyện ta nôn nóng, tức mình, sao chiếc xe phía trước chạy chậm rì, cái đèn đỏ bữa nay sao ù lì… sẽ chẳng còn cơ hội nhảy vào chiếm ngự tâm ta. Việc tu học của ta từ nay sẽ nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn vì ta đã biết ứng dụng pháp Phật trong mọi hoàn cảnh chứ đâu chỉ lệ thuộc nơi Phật điện, trong nhà chùa hay khi ngồi lần chuỗi.
Khi nhận hiểu sâu sắc việc tu trong mọi lúc mọi nơi, ta sẽ có nhiều cơ hội chế tác năng lượng của sự tỉnh thức. Có tỉnh thức rồi thì ta mới thực sự sống trọn vẹn được với chính mình và mọi người xung quanh. Ta sẽ ý tứ hơn trong mọi việc làm, lời nói và suy nghĩ của mình. Nhờ đó ta ngăn ngừa được việc tạo nghiệp bất thiện, giúp vun đắp cội nguồn an lạc tự tâm. Và khi trong tâm có sự yên bình, vững chãi, thảnh thơi thì Tịnh độ có mặt.
Là người học Phật thông minh, thiết nghĩ, thay vì mỏi mòn trông ngóng đến ngày “nhắm mắt xuôi tay” vãng sanh về Tịnh độ, ta nên vãng sanh vào thế giới Cực lạc ấy ngay bây giờ, ở đây, khi hơi thở còn ra vào, trái tim còn gõ nhịp. Cũng không cần bận tâm chờ đợi “qua bên kia” mới có Tịnh độ, trong mỗi phút giây của sự sống ta vẫn có thể thong dong đi vào miền Tịnh độ trong trái tim ta, nơi chốn nhơn gian này.
“Đây là tịnh độ/Tịnh độ là đây/Mỉm cười chánh niệm/An trú hôm nay/Bụt là lá chín/Pháp là mây bay/Tăng thân khắp chốn/Quê hương nơi này/Thở vào hoa nở/Thở ra trúc lay/Tâm không ràng buộc/Tiêu dao tháng ngày”( Thiền ca của Thiền sư Nhất Hạnh).