Tình mẫu tử không gì so sánh nổi

GN - Tôi biết đến mẹ con chị cách đây đúng 6 năm, vào mùa Vu lan năm 2008, khi đó báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài Hành trình “xương thủy tinh” với lời giới thiệu: “Nhân mùa báo hiếu, Tuổi Trẻ xin giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện cảm động của một người mẹ: chị Nguyễn Thị Thu Hương. Người mẹ trẻ cùng con trai Đỗ Minh Hội chống chọi với căn bệnh quái ác để giành lấy sự sống cho con, nghị lực và tình yêu thương của chị làm chúng ta xúc động vì tình mẫu tử”...

Vì mẹ là mẹ của con

Kỳ 1 của loạt bài có tiêu đề như vậy. Và tôi đã khóc, khi đọc những dòng đầu tiên chị kể, về sự có mặt của con, cùng hạnh phúc vô bờ của người làm mẹ, sau đó là chuỗi ngày gian lao với những tảo tần, hy sinh, những yêu thương vun vén.

anh Vu lan LDL.jpg


Mẹ con chị Thu Hương cùng chiến đấu
 với “xương thủy tinh” - Ảnh: P.Vũ 

“Mẹ ì ạch với cái bụng bầu. Sáng sáng mẹ đẩy một cái tủ ra cổng đơn vị bán thuốc lá, mì tôm, tem thư... Lúc ấy đơn vị đã đi vào hạch toán kinh tế rồi, bố không có lương căn bản, đi làm buổi nào thì có tiền buổi ấy. Bố đi cả tuần mới về một lần, mẹ ở nhà tự bán hàng nuôi hai mẹ con mình. Bố đi mấy tháng trời, đến lúc mẹ sắp sinh con thì hết việc. Thôi kệ, ta cứ vui vẻ sống và phải sinh em bé chứ!

Cuối cùng họ cũng cho nhà mình một cái nền nhà nhỏ chơ vơ trong một cái ngách nhỏ xíu vốn là nhà vệ sinh, chỉ có bốn bức tường, không mái, cạnh một bãi đất hoang. Vậy là mẹ có con, và ta lại có nhà. Tốt chán, nhà chúng ta vang rộn mỗi khi con khóc con cười, mẹ lại còn ‘điệu đà’ moi đất đằng trước để trồng một cây phượng nhỏ xinh xinh và ao ước: phượng sẽ nở hoa. Cây phượng bén rễ rồi đấy con. Con đã qua đầy tháng, khóc nhỏ xíu xiu.

... Hai tháng sau, lá phượng xanh thẫm lại. Chiều xuống, bố vẫn chưa về. Thả con xuống hiên, mẹ ra sau nhà nơi bãi đất hoang hôm nào giờ đã xanh ngắt rau bạc hà và thẫm vàng hoa mướp. Mẹ định bẻ vài trái mướp xào một dĩa nhỏ, đổ thêm chút nước làm canh và nhà mình sẽ có một bữa tối thật ngon lành, ấm cúng.

Con làm sao thế? Sao lại khóc thét lên? Chỉ lết từ hiên xuống sân, cái bậc hiên không đầy gang tay sao con đau dữ vậy? Mẹ quăng dao, quăng mướp ôm lấy con. Con cứ khóc ngằn ngặt. Trời đã sụp tối, bố cũng chưa thấy về. Mẹ ôm con ngồi thu lu ở hiên.

Con khóc nhiều cũng mệt, bú một chút rồi con thiêm thiếp ngủ. Bố về rồi! Bố ôm lấy con vì nhớ! Con lại khóc ré lên, có cái gì đó bất ổn thật rồi. Mẹ kể lại chuyện con lết xuống sân. Chẳng lẽ... Thôi, không đoán già đoán non nữa, đi bệnh viện thôi, mẹ sợ lắm. Cả nhà mình chất lên cái xe Chaly nhỏ. Mẹ ngồi sau ôm con. Đường Thích Quảng Đức năm ấy còn xấu lắm, mỗi lần xe nảy xóc lên con lại khóc. Đường từ nhà mình tới Bệnh viện 175 mọi ngày ngắn ngủn mà sao giờ xa quá vậy, đi lâu đến vậy. Bệnh viện đây rồi, mẹ ngơ ngơ ngác ngác.

Ông bác sĩ giới thiệu đi chụp X-quang gấp. Khốn khổ, con bị gãy xương đùi, mới có 14 tháng mà con bị gãy xương đùi! Lỗi tại mẹ, lỗi tại mẹ. Mẹ khóc òa nức nở. Bó bột cho con xong, bế con về tới nhà cũng quá nửa đêm, mẹ ngồi canh con. Mẹ khóc, mắt sưng húp như hai trái bàng. Tiếng ông bác sĩ âm u trong đầu: ‘Thằng bé này có vẻ yếu, cái thóp thở rộng thế này, còn vất vả. Bắt cóc nấu cho nó ăn cứng xương’. Thì bắt cóc, vì con mà bắt cóc, đâu có chi đáng sợ!”.

Phải học thôi, Hội à!

“Con vào lớp 1. ‘Phải học thôi, Hội à! Ốm cũng học! Què quặt, khập khiễng cũng phải học!’. Mẹ nói với con trai như vậy, con còn nhớ không? Nhập học một tháng, con đã lại gãy tay! Mẹ biết con đau đớn vô cùng, muốn nghỉ học, nhưng mẹ đã nói với con: phải chấp nhận thôi, tránh làm sao được. Mẹ ra trường gặp các thầy cô giáo để trấn an: ‘Bệnh của con tôi là vậy, mong thầy cô cứ cho cháu học tiếp. Có chuyện gì xảy ra, chỉ xin thầy cô liên lạc gấp với gia đình’. Mẹ không muốn các thầy cô giáo chịu áp lực về bệnh tình của con. Con gãy xương hoài, tới 27 bận, đi học đeo bột thường xuyên. Riết rồi cũng quen, cảm giác nặng nề cũng vơi bớt” (*).

Còn nữa, câu chuyện dài ấy được viết thành cuốn sách có tên Hành trình xương thủy tinh - NXB Trẻ, được in ngay sau đó, với sự đồng cảm lớn lao từ những người mẹ có con bị xương thủy tinh, mở ra một niềm tin về đức hy sinh của người mẹ sẽ là động lực lớn lao cho con. Càng tin tưởng hơn, khi tháng 8-2013, cậu bé Đỗ Minh Hội trong câu chuyện đã vào đại học. Nhà chị Thu Hương đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của bà con xóm nghèo quanh bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM). Hội đăng ký thi đại học (khoa Quản trị nhân lực ĐH Lao động - Xã hội TP.HCM, hệ đào tạo tại chức) và đỗ thủ khoa với số điểm tuyệt đối 30/30.

Sỡ dĩ Hội làm được điều đó là vì “Con sẽ sống mẹ ơi!” - chuyện đời tự kể mà em đã tự viết, với tất cả xúc cảm lay động từ trái tim người mẹ: “Cuối cùng thì mẹ cũng vực dậy với niềm tin rằng sẽ chiến thắng được căn bệnh không có thuốc chữa của con... Con vẫn nhớ như in những ngày sau khi tháo bột và con bắt đầu đứng trước những thử thách khi tập vật lý trị liệu. Ba đã lặn lội đi tìm mua những cây tre thật chắc mà lại phải vừa tầm tay nắm của con để con tập đi. Sau những bước đi đầu tiên con đã khóc thét lên: ‘Đau quá, con không đi nữa!’, và mẹ đã nói những lời như cầu xin: ‘Mẹ xin con, con thương mẹ thì con phải cố, cố cho mẹ còn có nơi nương tựa nữa chứ con! Đừng phụ lòng mẹ!...’. Và con lại cắn răng tập từng bước đi...

Mẹ đã vì con mà hết bán nhà này rồi lại tìm mua nhà khác. Cũng phải cả chục lần dời nhà rồi mẹ nhỉ. Mỗi lần dời, nhà mình lại nhỏ hơn, xa hơn... Và cũng vì thế mà ba đã mất việc làm cả chục bận, còn em con cũng không biết bao lần phải chuyển học. Vậy mà mẹ vẫn lạc quan, không hề buồn giận gì con. Lần sau cùng dời nhà về tận vùng bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM), mẹ còn bảo: ‘Bãi rác nay đã hóa thành công viên cây xanh rồi đấy con ạ. Chiều, hai mẹ con mình lại ra đó dạo chơi, tập thể dục...’. Những lúc ấy sao con thấy nụ cười của mẹ đẹp và hiền dịu biết bao”.

Như nước trong nguồn chảy ra

Tình mẹ là trường cửu, bất diệt. Tình mẹ được ví như nước trong nguồn chảy ra, thấm đẫm tính giáo dục trong ca dao Việt Nam. Câu chuyện của mẹ con chị Thu Hương và Minh Hội chứng minh cho mỗi người về sự ví von ấy xác thực, chứ không chỉ là hình tượng văn học, câu từ ngân nga cho có.

“Thằng bé này có vẻ yếu, cái thóp thở rộng thế này, còn vất vả. Bắt cóc nấu cho nó ăn cứng xương”. Thì bắt cóc, vì con mà bắt cóc, đâu có chi đáng sợ! - sẻ chia này của chị Thu Hương cho tôi nhớ về một vài câu trong kinh Vu lan mà mình đọc vào mỗi mùa tháng 7: “Tính sao có lợi thì làm/ Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm”. Tất nhiên, trong tình thương được khai mở bởi cái thấy nhân quả rõ ràng thì chắc chắn người mẹ sẽ không bất chấp điều xấu ác để làm “vì thương con”. Nhưng, ở mặt thông thường của cuộc sống, hành động không ngại gì, miễn con được mạnh lành là điều đáng phục, đáng thương.

Ở câu chuyện của chị Thu Hương và Đỗ Minh Hội, tình thương của mẹ đã đi vào lòng con, đã giúp con không chỉ sống và sống chung một cách mạnh mẽ với bệnh tật mà còn biết vươn lên để thực hiện mơ ước của mình, như sẽ sống và vào đại học mà Hội đã làm và làm được. Hơn thế là từ nỗi đau giữa cơn khốn khó, bệnh tật, cả nhà chị biết làm việc thiện - cái kết có hậu sau 6 năm câu chuyện Hành trình xương thủy tinh được đăng báo, in sách. Ở đó, có những chương trình đầy ắp sẻ chia như “Mỗi tháng giúp đồng bào nghèo”, “Nâng bước chân em đến trường”... và lần lượt những món quà từ những giọt mồ hôi chắt bóp, từ sự gửi gắm, tin tưởng cứ tiếp nối qua ngôi nhà của chị đến với người nghèo khó, không thể nào đếm xuể... 

Lưu Đình Long 

---------------------------------

(*) Nội dung trích dẫn trong Hành trình xương thủy tinh - NXB Trẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày