GNO - Tôi lại nhớ câu chuyện dạy về tình mẹ trong Phật giáo, rằng thuở xa xưa nào đó, có người đi tìm Phật. Bỏ mẹ mà đi. Đi mãi. Và gặp một vị A-la-hán chỉ Phật cho mà tìm. Vị ấy cho biết nhận dạng Phật, đó là người cài nút áo phía trên xuống phía dưới, chân đi dép lộn ngược từ trái sang phải...
Nghe xong, người ấy lại đi, mãi vẫn không thấy Phật như miêu tả, đành quay về nhà trong nỗi thất vọng sau bao nhiêu tháng ngày lặn lội. Về tới nhà, theo thói quen, người ấy kêu "má ơi má...". Người mẹ sau bao ngày nhớ con, mong ngóng con đi xa biền biệt, khoác vội áo vào và xỏ vội đôi dép chạy ra mừng con. Vì quá vội nên mang dép lộn lạo, cài nút áo cũng trên dưới tùm lum.
Người con về tới, thấy mẹ ra đón với nhân dạng lôi thôi, nhưng lại như mô tả của vị A-la-hán chỉ phương tìm Phật nên quỳ sụp xuống dưới chân mẹ, ăn năn, ngộ ra vị Phật ở bên mình, người thương mình, bao dung với mình một cách vô điều kiện là mẹ.
Con thương mẹ - Ảnh minh họa
Câu chuyện tất nhiên có thể thật và cũng có thể chỉ là chuyện, để nói lên rằng, ta đi tìm Phật, tìm hạnh phúc, tìm những giá trị cao thượng ở bên ngoài, ở đâu đâu mà bỏ quên những con người, những điều đáng quý, đáng kính... ở gần gụi bên mình, thiêng liêng nhưng bình dị - như là bà mẹ quê vẫn hằng ngày cặm cụi hy sinh, lo lắng, thương yêu, chịu thương chịu khó cho chồng, con...
Đạo Phật sở dĩ có câu chuyện như vậy, cùng với quan niệm "phụ mẫu tại tiền như Phật tại thế", nhấn mạnh rằng mỗi người đều có hai vị Phật ở nhà, lo mà phụng dưỡng, cúng dường, tôn quý - là bởi vì, Đức Phật xác định "tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật". Tu hạnh hiếu thì sẽ biết sống tốt với bản thân và với mọi người, mọi loài, vì thấy rõ, việc hành thiện của mình chính là một món quà lớn để dâng đấng sinh thành.
Nghĩ về cha mẹ mỗi ngày thì ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn, vì từ tình thương đó, ta sẽ biết cách giữ gìn bản thân để không lệch lạc trong đời sống và làm nhiều điều hay, đẹp dâng lên cha mẹ.
Đạo Phật cũng xếp ân cha mẹ là một trong "tứ trọng ân" (bốn ân lớn của mỗi người, ngoài ân Tam bảo, ân quốc gia và muôn loại), vì vậy, hễ ai vong bội ân cha mẹ thì tự đọa vào ác đạo và khó lên. Do vậy, nói về tình thương và phát khởi lòng từ bi trước tiên và trên hết phải là thương cha thương mẹ, là hiếu đễ.
Tình mẹ là cao quý. Chính vì thế, tình mẹ đi vào thơ, nhạc... nhiều vô kể, ca ngợi và ví von "như nước trong nguồn chảy ra". Là bất tận, không đầu không cuối, sẽ đi theo mỗi người con suốt năm tháng cuộc đời.
Hễ ai thương mẹ, viết về mẹ đều có xúc cảm dạt dào. Nói về mẹ, nhiều người dẫu bảy mươi, tám mươi tuổi vẫn cứ thấy rưng rưng. Và đi xa, rời vòng tay mẹ, thậm chí đã làm mẹ, làm bà rồi nhưng khi trở về với mẹ, nói rằng "về thăm má" là ai cũng nôn nao, ai cũng thấy ấm áp như câu thơ: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ cũng theo con".
Ngày của mẹ, ngày Chủ nhật thứ 2 trong tháng 5, đọc về mẹ từ những bài viết trên báo, trên mạng, bài nào cũng rưng rưng, giàu cảm xúc. Rưng rưng vì như tác giả Đoàn Tâm viết trong bài "Đo yêu thương" (*): "Chợt nghĩ, đời dựng ra "ngày của mẹ" để tôn vinh các bà mẹ trên trần gian này, để nhắc nhở con về với mẹ. Chớ đời này, chẳng bao giờ dựng ra ngày của con. Vì với tất cả các bà mẹ trên đời, ngày nào mà chẳng là ngày của con".
Vâng, đúng là như thế. Tình mẹ đong đầy. Nước mắt muôn đời chảy xuôi...
_______________
(*) Trên Phụ nữ Chủ nhật, ra ngày 10-5-2015