GN - Đại lễ Vesak năm nay rơi vào những ngày đầu tháng Năm, nhắc nhở tất cả các tín đồ Phật giáo cần đi theo con đường của chánh tư duy.
Điều này không có nghĩa là chỉ có hương thơm và hoa tươi được người mộ đạo thành tâm dâng cúng nhân ngày Vesak.
Làn khói trắng tỏa ra từ hương thơm tượng trưng cho tất cả những khía cạnh của bản thể. Hoa tươi là dấu hiệu biểu hiện cho các khía cạnh vô thường của đời sống vật chất. Cúng dường nước nhân đại lễ như là dịp giúp cho mỗi người thuần hóa và gạn đục khơi trong mỗi suy nghĩ, việc làm và lời nói của mình.
Chính thức khai mạc Đại lễ Vesak lần thứ 14 - năm 2017 tại Sri Lanka
“Có rất nhiều hình thức nghi lễ được thể hiện và giới thiệu Phật giáo với đến người mộ đạo, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là đi vào thực hành lời dạy của Đức Phật”, Vijaya Samarawickrama, vị tu sĩ Phật giáo - diễn giả và là tác giả nổi tiếng về Phật giáo chia sẻ.
Hàng trăm triệu người trên khắp hành tinh và khoảng 5 triệu người Malaysia đã tham dự vào các hoạt động đa dạng, phong phú được tổ chức trên khắp cả nước để mừng Đại lễ Vesak.
Đối với mỗi người Phật tử, Đại lễ Vesak là dịp tưởng niệm ngày sinh, sự giác ngộ và ngày nhập Niết-bàn của bậc Đạo sư khả kính - Đức Phật Siddhatta Gotama. Tất cả những người con Phật đều đến chùa để tỏ lòng thành kính tri ân và đảnh lễ bậc Đạo sư vĩ đại của mình.
Theo Vijaya, vị giáo phẩm cũng là trụ trì chùa Maha Vihara, tất cả các hoạt động được tổ chức những ngày qua đều nhằm mục đích khuyến khích tín đồ hướng vào chiều sâu của đời sống tâm linh.
“Chúng tôi tổ chức các cuộc diễu hành đường phố bằng năng lượng chánh niệm, tham gia công tác từ thiện xã hội như hiến máu nhân đạo, tổ chức các lễ hội ẩm thực chay và tình nguyện đến hỗ trợ các cụ già neo đơn. Dù được thực hiện với niềm tin tâm linh nhưng tất cả các hoạt động đều hướng đến tịnh hóa tâm thức, trí tuệ sáng suốt”.
Ngày lễ Vesak ở Malaysia khá đặc biệt. Vào buổi tối của đại lễ, các đoàn diễu hành đông đảo được khởi xướng và tổ chức khắp các vùng miền trong cả nước, hàng trăm thuyền hoa rực rỡ sắc màu được trang trí bắt mắt và nối đuôi nhau tỏa sáng trên các dòng sông.
Riêng tại Kuala Lumpur, khoảng 40.000 người tham dự đại lễ kéo dài 4 giờ và kết thúc sau lộ trình diễu hành xung quanh khu vực trung tâm thành phố.
Tham dự đại lễ và cũng là người phụ trách công tác tổ chức, Hòa thượng Datuk K. Sri Dhammaratana Nayaka Maha Thero nhắc nhở về ý nghĩa đích thực của Vesak.
“Tôi luôn khẳng định, đây không chỉ là dịp mọi người gặp mặt vui tươi và hoan hỷ. Điều quan trọng nhất là lễ Vesak hướng con người đến chuyện học, thực hành các lời dạy của Đức Phật. Mỗi chúng ta cần nỗ lực cao nhất trở về thực hành các giá trị Phật giáo”, vị lãnh đạo tinh thần của Trung tâm Phật giáo Maha Vihara, tại Brickfields, Kuala Lumpur nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thượng tọa Saranankara Maha Thera, trụ trì chùa Sri Jayanti cho rằng, có nhiều điều về Phật giáo mà con người chưa tiếp cận và thực hành thấu đáo. Do vậy, các tự viện cũng cần dùng các hình thức khác nhau thể thu hút tín đồ. “Với giới trẻ, điều thu hút họ đến chùa chính là âm điệu của những ca từ văn nghệ và những khóa lễ sắc màu. Nếu bắt ép các em phải ngồi yên một chỗ và thiền tập thật sự là một điều vô cùng khó”.
Ở một phương diện khác, Ni sư Sing Kan đến từ chùa Sam Poh Thong cho rằng chỉ có tâm thức trong lành và yên bình mới giúp tăng trưởng lòng yêu thương.
“Có nhiều yếu tố để xây dựng một xã hội hài hòa bình an. Tuyệt nhiên, Đức Phật chỉ đưa ra một mục tiêu duy nhất, đó chính là việc chấm dứt nỗi khổ đau”.
Bảo Thiên (theo The Star)